Tuần rồi, dư luận bàn tán xôn xao việc một cô đào hay có những phát ngôn gây sốc được chọn làm Đại sứ Du lịch. Người ta lo ngại, với bản tính thích “nổ” của mình, lỡ chẳng may cô đào này không giữ mồm giữ miệng, thì không chỉ cô ta bị ảnh hưởng, mà còn có nguy cơ tổn hại đến cả quốc thể!
Nhưng cái bệnh phát ngôn thiếu cân nhắc không phải là “độc quyền” của một ai cả, bởi ngay đến các quan chức cũng có thể vạ miệng như thường. Nếu ngành du lịch gây ồn ã bằng việc chọn đại sứ, thì ngành thể thao cũng ầm ĩ với việc chọn đại diện đi dự SEA Games 26 vào cuối năm nay, cụ thể là ở bộ môn quần vợt.
Trên tờ Thể thao & Văn hóa (TTXVN), một ông phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, cùng ông trưởng bộ môn quần vợt đã lớn tiếng chê trách một vận động viên do ngành mình quản lý là “học hành không tới nơi đến chốn” và “hiểu biết có hạn,” chưa kể đến nghi án một huấn luyện viên đội tuyển quốc gia nhắn tin “dằn mặt” các học trò.
Thực tế thì điều các vị chức sắc đó đề cập cũng đúng phần nào. Chả phải trước nay, dư luận xã hội vẫn thường hay lên tiếng về việc phần lớn các vận động viên thể thao không được học hành tới nơi tới chốn, do phải dành thời gian để phát triển sự nghiệp đấy thôi.
Cách đây vài tháng, dư luận từng bàn tán nhiều đến chuyện một nhà cựu vô địch thế giới môn thể dục dụng cụ người Trung Quốc phải đi ăn xin ở ga xe điện ngầm, sau khi đã từng phải vào tù vì tội ăn cắp. Vận động viên xấu số đó, cũng như rất nhiều đồng nghiệp khác, đã không thể tìm được việc làm sau khi giải nghệ, mà nguyên nhân bắt nguồn từ chuyện họ đã phải hy sinh việc học văn hóa để theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp.
Đấy là mặt trái của những tấm huy chương lấp lánh, mà nhiều vận động viên đã phải đánh đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt cũng như cả phần đời còn lại của mình. Và những thiệt thòi đó cũng không chỉ là nỗi niềm của các vận động viên thể thao Trung Quốc. Báo chí Việt Nam cũng từng nêu lên hàng loạt trường hợp các kiện tướng thể thao giờ phải bươn chải vất vả để kiếm sống sau khi đã giải nghệ. Từ đó, dư luận đã dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của ngành thể thao, mà nói trắng ra là của các quan chức.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.” Một khi vận động viên đạt được thành tích thì chính các quan chức là những người được nở mày nở mặt. Nhưng nếu một tay vợt có cách cư xử thiếu cân nhắc vì “không được học hành tới nơi tới chốn” thì chẳng lẽ các nhà quản lý không cảm thấy day dứt vì đã thiếu quan tâm đến việc dạy văn hóa cho các vận động viên?
Kỳ thực, quần vợt là một trong những môn thể thao có phong trào xã hội hóa mạnh mẽ nhất ở Việt Nam. Hầu hết những tay vợt triển vọng, đạt được thành tích quốc tế này nọ phần nhiều đều là nhờ gia đình tự bỏ tiền thuê thầy ngoại, hoặc đưa con em ra nước ngoài đào tạo như trường hợp của Hoàng Thiên.
Vậy mà, khi thấy môn bóng đá thực hiện một cuộc cách mạng với việc các ông bầu gây sức ép đòi Liên đoàn bóng đá (VFF) phải cải tổ công tác tổ chức giải vô địch gia, thì chính ông Nguyễn Quốc Kỳ - phó chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam phải thốt lên rằng: “Theo dõi những gì đã diễn ra trong cuộc họp của các ông bầu bóng đá với VFF, tôi ước ao tinh thần đổi mới quyết liệt đó cũng sẽ đến với quần vợt!”
Nhưng có lẽ, trước khi nghĩ đến chuyện “đổi mới quyết liệt,” thì chính các vị quan chức cũng phải thay đổi cả cách phát ngôn cái đã./.
* Chuyên mục "Chuyện cuối tuần" sẽ được đăng tải đều đặn trên trang Thể thao vào thứ Bảy hàng tuần.