Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng ĐBSCL

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long là chủ đề của hội thảo do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp ngày 25/10.

Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và nhu cầu thị trường của sản phẩm, đặc biệt là tìm giải pháp, định hướng chuyển đổi cơ cầu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Văn Dư - Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong thời gian qua, các địa phương đã từng bước chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị và có thị trường tiêu thụ tốt như bắp, đậu nành, mè, rau đậu…

Việc chuyển đổi không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, mà còn tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống của nông dân.

Bước đầu, nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng quy trình kỹ thuật mới để tăng năng suất, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh với các vùng sản xuất rau, đậu, cây ăn quả đặc sản; cung cấp sản phẩm cho xuất khẩu, gắn với việc xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Nổi bật nhất của phong trào này là tỉnh Đồng Tháp với diện tích chuyển đổi gần 30.000ha cây hoa màu, trong đó nhiều nhất là ngô, đậu tương và vừng. Đây cũng là tỉnh có diện tích trồng đậu tương lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với hơn 11.000ha, bình quân mỗi hécta đậu tương lãi hơn 16 triệu đồng, trong khi đó trồng lúa chỉ lãi hơn 7,8 triệu đồng/ha.

Cần Thơ cũng nổi bật với mô hình lúa - vừng - ngô gần 5.000 ha, mỗi hécta cho lợi nhuận hơn 74 triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa 18 triệu đồng/ha.

Theo ông Phạm Văn Dư, phát triển cây trồng lấy sản phẩm cho công nghiệp chế biến trong nước thay thế nông sản nhập khẩu là mục tiêu chiến lược. Do đó, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp cùng với địa phương quy hoạch vùng trồng ngô, đậu tương; xây dựng từ 5-7 cánh đồng mẫu đậu tương cho 5-8 tỉnh thành.

Bên cạnh đó, các Viện, trường sẽ nghiên cứu đưa ra giống đậu tương phù hợp cho từng vùng, từng vụ sản xuất.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Phan Huy Thông cho biết theo định hướng khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ chuyển đổi 200.000ha cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, trong đó tập trung chuyển đổi sang cây ngô, đậu tương và vừng bởi đây là các loại cây trồng hiệu quả cao.

Các địa phương cần linh hoạt trong chuyển đổi, quy hoạch có tính định hướng, có mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, đặc biệt quan trọng là thị trường đầu ra, mở ra tư duy mới thay đổi cách làm ăn, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng chắc chắn, bền vững./.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục