Việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các khu công nghiệp tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đời sống của người dân xung quanh. Điều này đòi hỏi chất lượng phát triển khu công nghiệp cần phải nâng theo hướng phát triển bền vững và chiều sâu, chú trọng đầu tư công nghệ cao, đổi mới mô hình phát triển và gắn với liên kết vùng.
Trao đổi với Báo điện tử VietnamPlus, bà Vương Thị Minh Hiếu, Vụ phó Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh những yêu cầu nêu trên chính là tiền đề để Việt Nam triển khai thí điểm và xây dựng các văn bản quy định về khu công nghiệp sinh thái.
Khu vực trọng điểm thu hút đầu tư
- Xin bà chia sẻ quá trình phát triển khu công nghiệp và mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam?
Bà Vương Thị Minh Hiếu: Mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp ở Việt Nam ra đời từ năm 1991 trên cơ sở đường lối "Đổi mới" của Đảng, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha. Trong số đó, 301 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như các địa phương.
Dự kiến dành gần 4.800ha đất quy hoạch mới 13 khu công nghiệp
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Hưng Yên sẽ có 30 khu công nghiệp (gồm 17 khu công nghiệp đã có trong quy hoạch, 13 khu công nghiệp tiềm năng quy hoạch mới), với tổng diện tích khoảng 9.589ha.
Hiện nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35%-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, dòng vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70%-80% tổng vốn đăng ký cả nước. Đến nay, các khu công nghiệp và khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới (như Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung, Formosa…), từ đó đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Việc chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng bền vững tại Việt Nam đồng hành cùng xu hướng phát triển trên thế giới. Theo đó, các mô hình khu công nghiệp phát triển dựa trên quản lý tiên tiến, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung, đẩy mạnh thực hiện cơ chế "một cửa, tại chỗ" để cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trên bình diện quốc tế, mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới phát triển bền vững được triển khai từ những năm 1990, là việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng, tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn, gắn với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp. Mục tiêu là chuyển đổi các khu công nghiệp theo mô hình truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, từ đó mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, xã hội cho các doanh nghiệp và các khu công nghiệp.
Tại Việt Nam, sáng kiến khu công nghiệp sinh thái được triển khai thí điểm tại 3 địa phương Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ (giai đoạn 2015-2019) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện với nguồn tài trợ từ Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP).
Sau hơn 4 năm triển khai, các khu công nghiệp thí điểm (Khánh Phú và Gián Khẩu tại Ninh Bình, Hòa Khánh tại Đà Nẵng, Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ) đã áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch, đã giúp 72 doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Tổng giá trị đạt trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để thực hiện giải pháp, giảm tiêu thụ năng lượng, nước, hóa chất và chất thải, cắt giảm 32 Kt khí CO2/năm.
Từ năm 2020-2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái thêm tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh đã thu được các kết quả rất đáng khích lệ.
Tính đến hết tháng 5/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp, với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 04 khu công nghiệp Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai), Đình Vũ (Hải Phòng) và Hòa Khánh (Đà Nẵng); trong đó 429 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp, đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị cho 03 khu công nghiệp (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
- Tại Việt Nam, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Bà cho biết cơ sở pháp lý trong việc đẩy mạnh phát triển mô hình này?
Bà Vương Thị Minh Hiếu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP với các quy định về chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển khu công nghiệp sinh thái, tiêu chí xác định, các ưu đãi, trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái, các quy định liên quan đến chứng nhận lại hoặc chấm dứt hiệu lực, thu hồi Giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.
Đặc biệt, Nghị định khuyến khích, định hướng việc quy hoạch và xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái thông qua quy hoạch xây dựng, thiết kế hợp lý các phân khu chức năng và định hướng thu hút các dự án đầu tư có ngành, nghề tương đồng để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp và có ưu đãi để khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái mới (như không áp dụng tỷ lệ lấp đầy đối với mô hình khu công nghiệp này).
Ngoài ra, Nghị định cũng làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc định hướng và hỗ trợ triển khai các khu công nghiệp sinh thái tại địa phương, đơn giản hóa các điều kiện, tiêu chí và thủ tục. Một trong những điểm mới của Nghị định 35/2022/NĐ-CP là đã bổ sung các quy định để đảm bảo điều kiện an sinh xã hội cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Cụ thể, nghị định yêu cầu các địa phương phải xác định quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp.
Đây là điều kiện bắt buộc để được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (hoặc khu công nghiệp mở rộng), bổ sung quy định về việc xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, cơ sở lưu trú cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp trên phần đất dịch vụ trong khu công nghiệp.
Giai đoạn 2024-2028, Chính phủ Thụy Sỹ đã cam kết tiếp tục cùng UNIDO đồng hành với Việt Nam đẩy mạnh triển khai khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn. Văn kiện Dự án "Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam," với tổng vốn hỗ trợ 3,6 triệu USD do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt tháng 8/2024. Dự án tiếp tục đẩy mạnh thực hiện khu công nghiệp sinh thái tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và Long An trong giai đoạn 2024-2028.
Trong các khuôn khổ hợp tác với các tổ chức quốc tế khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới hỗ trợ việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái tại Bình Dương, thực hiện các mạng lưới tuần hoàn nước đối với một số khu công nghiệp tập trung nhiều hoạt động dệt may tại Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong các khu công nghiệp để xây dựng khu công nghiệp sinh thái theo mô hình của Hàn Quốc. Bộ cũng đang tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác với Phái đoàn liên minh châu Âu (EU), tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững Việt Nam của Hà Lan (IDH),... triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của chuỗi ngành hàng để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể nói, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xác định việc phát triển khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, khu công nghiệp sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững./.