"Chuyển đổi mô hình taxi là phù hợp với quy luật của thị trường"

Hàng loạt những tranh luận về bản chất mô hình kinh doanh taxi kiểu mới. Và, các hãng taxi truyền thống có nên thay đổi mô hình quản lý trước sự cạnh tranh gay gắt của Uber, Grab.
"Chuyển đổi mô hình taxi là phù hợp với quy luật của thị trường" ảnh 1Ứng dụng phần mềm gọi taxi của GrabTaxi. (Nguồn: Vietnam+)

Hàng loạt những tranh luận về bản chất mô hình kinh doanh taxi kiểu mới của Grab và Uber, cơ sở pháp lý của quản lý giá cước và sử dụng dịch vụ điện tử; taxi truyền thống có nên thay đổi mô hình quản lý trước sự cạnh tranh gay gắt của Uber, Grab.

Nhiều băn khoăn của các đơn vị kinh doanh taxi về việc thí điểm xe kinh doanh vận tải hợp đồng điện tử có phải là taxi “trá hình”? có lo sợ độc quyền trong sân chơi cung cấp phần mềm kết nối vận tải taxi hay làm cách nào để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp... đã được giải đáp tại tọa đàm trực tuyến “Những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber” vào sáng nay (24/11).

Có hoạt động trá hình?

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, thời gian qua, ở Việt Nam có ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải, cụ thể là taxi Uber hay Grab taxi. Điều này khẳng định, trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, trong đó có taxi, có sự đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công nghệ vận tải để có chất lượng dịch vụ tốt nhất phục vụ người dân về đi lại, chi phí…

Đánh giá cao việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Uber taxi có nhiều ưu điểm như giảm thời gian, giảm chi phí khẩu trung gian, giảm giá cước và khiến việc đi lại thuận lợi, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải có những bất cập nhất định.

“Theo quy định về kinh doanh vận tải, cụ thể với loại hình taxi thì đối tượng phải là tổ chức, đảm bảo kinh doanh lành mạnh, phục vụ hành khách tốt nhất, an toàn nhất, đã là kinh doanh vận tải hành khách phải có điều kiện, có tổ chức. Tuy nhiên, một số xe cá nhân dùng phần mềm này để kinh doanh vận tải, tạo ra sự lộn xộn trong vấn đề kinh doanh, tạo nên một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhìn nhận.

Khẳng định Uber và Grab chỉ là những nhà cung cấp phần mềm chứ chưa phải là các đơn vị vận tải, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Uber là đơn vị kinh doanh công nghệ đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cấp không phải là đơn vị kinh doanh vận tải.

Với Grab, đơn vị này là dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ vận tải hành khách công cộng trừ xe bus. Tuy nhiên, Grab có chức năng kinh doanh vận tải khách đường bộ nhưng họ vẫn đang hoạt động như nhà cung cấp phần mềm kết nối là chính.

Đặt câu hỏi đến việc các Hiệp hội Vận tải đang lo ngại Grab và Uber có phải là có phải là taxi trá hình, ông Ngọc phân trần, về Grab, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm vận tải khách theo hợp đồng điện tử (GrabCar). Trên xe bắt buộc phải có hợp đồng vận tải và danh sách hành khách, nếu xảy ra có tranh chấp để bảo vệ hành khách vì đã có ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải. Do đó, không có sự nhầm tưởng và có sự trá hình.

Đối với Uber, đơn vị này không thuộc đối tượng quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, hoạt động của Uber có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm và tạo điều kiện để công ty có thể kinh doanh tốt, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm lưu lượng giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải.

"Chuyển đổi mô hình taxi là phù hợp với quy luật của thị trường" ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

“Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải có giấy phép, đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải đã và sẽ ký hợp đồng với Uber phải đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải. Bộ cũng đã gửi văn bản đến Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra thanh tra định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị kinh doanh phần mềm và kinh doanh vận tải để xem có đáp ứng các điều kiện hay không,” ông Ngọc nói.

“Nóng” chuyện quản lý giá cước, chuyển mô hình quản lý

Đề cập đến cơ sở pháp lý của quản lý giá và sử dụng dịch vụ điện tử, dưới góc độ tư vấn các văn bản pháp luật, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Luật Thương mại 2005 quy định, hợp đồng giao dịch có rất nhiều hình thức khác nhau. Nghị định 86 lại không nói rõ ngoài văn bản hình thức dữ liệu khác có được coi là hợp đồng hay không?

“Trong trường hợp này, thông tin về dữ liệu điện tử có giá trị ngang văn bản. Hợp đồng tự đặt giá có thể rẻ, có thể đắt tại các khung giờ khác nhau. Đó cũng là chuyện được cho là hợp lý. Với phần mềm Grap tạo cơ hội cho khách rất nhiều để tự đặt giá cho nhà xe. Hành vi này không hề vi phạm pháp luật,” luật sư Trương Thanh Đức cho hay.

Bổ sung thêm về việc Grab và Uber tự xây dựng giá có vi phạm các quy định về quản lý giá của Nhà nước, ông Trần Bảo Ngọc đưa ra luận điểm, trong trường hợp này cần có sự phân biệt rõ, có sự quản lý giá của Nhà nước với taxi và xe hợp đồng.

Giải thích rõ hơn, vị Vụ trưởng Vụ Vận tải trích dẫn Thông tư 152 quy định, kinh doanh vận tải khách bằng taxi thì phải kê khai giá cước. Tuy nhiên, đối với xe hợp đồng thì Thông tư 152 lại quy định việc doanh nghiệp có phải kê khai giá hay không là do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành đó có thấy cần thiết hay không. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành thấy không cần thiết vì chuyện đó là do thoả thuận giữa người vận tải và người thuê xe.

“Trong khi đi taxi, đã lên xe không có quyền mặc cả, hành khách phải trả theo mức cước đã sẵn có theo niêm yết. Vì vậy, khi đã không kê khai giá, Grab đưa phần mềm của họ vào doanh nghiệp vận tải theo ngày, theo mùa là quyền của họ, nhưng khi Grab điều chỉnh mức lên xuống đó, không phải do Grab mà do chính các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh vì đây quyền của đơn vị kinh doanh vận tải. Người ta chỉ thông qua phần mềm của Grab để thể hiện giá đó thôi. Về hợp đồng, không phải người lái xe ký hợp đồng với Grab mà họ đang đăng ký thông qua phần mềm với đơn vị kinh doanh vận tải,” ông Ngọc phân tích rõ hơn.

"Chuyển đổi mô hình taxi là phù hợp với quy luật của thị trường" ảnh 3Các hãng taxi truyền thống sẽ phải chuyển đổi mô hình quản lý trước sự cạnh tranh gay gắt của Grab và Uber. (Ảnh: TTXVN)

Nhấn mạnh việc triển khai thí điểm GrabTaxi sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách với nhau và giữa các đơn vị có phần mềm quản lý với tính ưu việt cao hơn với doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, dứt khoát các đơn vị kinh doanh taxi, hợp đồng hay các đơn vị kinh doanh vận tải khác sẽ chuyển đổi mô hình quản lý và phải ứng dụng các công nghệ thông tin vào quản lý để phù hợp với quy luật của thị trường.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước đều bảy tỏ quan điểm không lo sợ độc quyền trong sân chơi cung cấp phần mềm kết nối vận tải taxi bởi trong thời gian thực hiện thí điểm, nếu các đơn vị khác cũng đưa ra phần mềm, công nghệ thông tin quản lý tốt như Grab hoặc hơn Grab và có ý tưởng ứng dụng trong vấn đề kinh doanh vận tải thì Bộ Giao thông Vận tải cũng xem xét và có thể đề xuất Chính phủ cho họ thực hiện thí điểm.

“Mỗi một phần mềm có đặc thù riêng nhưng có mục đích chung của chúng ta là phục vụ vận tải với chất lượng tốt nhất,” Thứ trưởng Lê Đình Thọ quả quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục