Chuyên gia bàn chiến lược đón đầu xu hướng kinh doanh trong 12 tháng tới

Forbes Việt Nam và một số đơn vị tổ chức Diễn đàn Kinh doanh 2024 với chủ đề "Đón đầu xu hướng,” tại TP Hồ Chí Minh, ngày 22/8, nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về môi trường kinh doanh năm 2024.

Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận tại sự kiện. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận tại sự kiện. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về môi trường kinh doanh năm 2024, nhận diện thách thức và cơ hội sắp tới, Forbes Việt Nam phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Diễn đàn Kinh doanh 2024 với chủ đề "Đón đầu xu hướng,” tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/8.

Tại diễn đàn, các chuyên gia chia sẻ trong nửa đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục đối diện với nhiều biến số khó đoán định từ căng thẳng địa chính trị đến tín hiệu trái chiều của những đầu tàu kinh tế thế giới. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động nhận diện cơ hội và rủi ro dựa trên đa kịch bản cụ thể của nền kinh tế trong và ngoài nước ở 12 tháng tới để hoạch định, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Cụ thể, các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 có nhiều quan điểm trái ngược như Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng 2,4%; trong khi OECD dự báo 3,1%... Riêng Việt Nam cũng gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2024, từ thị trường quốc tế với lãi suất cao và tỷ giá USD tăng vọt. Đồng thời, GDP quý 1/2024 của Việt Nam đạt 5,66%, tuy là mức cao nhất so với cùng kỳ từ 2020-2023 nhưng nhiều lĩnh vực kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan.

Năm 2024 cũng là bản lề chuyển tiếp từ giai đoạn khó khăn sang tăng trưởng, nhưng dòng chảy thương mại toàn cầu yếu ớt trong hai năm qua đã tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, những khó khăn tại thị trường nội địa khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh quan trọng suy yếu có thể kể đến là thị trường bất động sản, trái phiếu, tiêu dùng, lao động…

Trong khi thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tăng trưởng dựa trên tài nguyên cơ bản, lao động và đòn bẩy tài chính, nên cần chuẩn bị và tái cấu trúc mô hình tăng trưởng như thế nào phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, thế giới ngày càng phẳng và với sự bùng nổ của công nghệ, tuy mang đến cơ hội vàng cho các công ty non trẻ vươn mình ra thế giới, nhưng cũng đòi hỏi sự nhanh nhạy nắm bắt xu hướng mới.

ttxvn_dien dan kinh doanh 2024-TPHCM.jpg
Quang cảnh sự kiện. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Hiện tại, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới hợp tác chiến lược toàn diện với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Với phần còn lại của thế giới Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài xuất phát từ độ rộng và độ sâu của thị trường nội địa, gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, lực lượng lao động dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng…

Những động lực tăng trưởng mới sẽ đến từ hợp tác chiến lược toàn diện của Việt Nam với các nền kinh tế lớn và động lực tăng trưởng từ việc đầu tư, cải cách tại thị trường nội địa. Với nguồn lực trẻ trung, năng động và tinh thần sáng tạo không ngừng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội tận dụng làn sóng công nghệ để tạo ra những giải pháp đột phá.

Ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam đánh giá công nghệ vẫn là chìa khóa có thể giúp Việt Nam đẩy nhanh hơn tốc độ phát triển, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển, nhất là những công ty non trẻ của Việt Nam không nên dừng lại ở mục tiêu chỉ thành công trong nước mà còn ghi dấu ấn trên bản đồ toàn cầu. Điển hình, sau những hợp tác chiến lược mang tính lịch sử, Việt Nam đang có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất chip bán dẫn toàn cầu. Các doanh nghiệp nội địa có thể kỳ vọng gì khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp chip bán dẫn thế giới?

Còn theo phân tích của Tiến sỹ Peter Redhead, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), nhiều dự báo trong năm 2025 cho thấy ASEAN vẫn được xem là khu vực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới hiện nay; trong đó Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực này. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam là tiêu dùng nội địa và chính sức mua nội địa sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác bất chấp khó khăn tạm thời, trong triển vọng dài hạn kinh tế Việt Nam vẫn được xem là một điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư quốc tế, chiếm vị thế quan trọng trong chuỗi sản xuất và thương mại thế giới. Đặc biệt, cơ hội của doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam trước làn sóng công nghệ, cũng như việc Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế lớn sẽ mở ra cơ hội phát triển mới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn lần này, Forbes Việt Nam cũng tổ chức vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2024 và đây là lần thứ 12 Forbes Việt Nam thực hiện công bố danh sách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục