Chuyên gia chia sẻ bí quyết chọn nghề với học sinh trung học phổ thông

Theo các chuyên gia, xây dựng mơ ước, xác định mục tiêu, tích cực học hỏi kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin là những bước cần thiết để tạo dựng sự nghiệp thành công.
Chuyên gia chia sẻ bí quyết chọn nghề với học sinh trung học phổ thông ảnh 1Bà Nguyễn Thu Huệ chia sẻ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong định hướng nghề nghiệp. (Ảnh: BTC)

Xây dựng mơ ước, xác định mục tiêu, tích cực học hỏi kỹ năng, ứng dụng công nghệ thông tin là những bước cần thiết để tạo dựng sự nghiệp thành công. Đó là “bí quyết” được các chuyên gia chia sẻ tại buổi trao đổi, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh diễn ra tại trường Trung học phổ thông Nhã Nam (tỉnh Bắc Giang) và trường Trung học phổ thông Nguyễn Đăng Đạo (tỉnh Bắc Ninh) hôm nay, ngày 27/4. 

Chương trình do Quỹ hỗ trợ cộng đồng Microsoft tài trợ và Trung tâm Công nghệ Thông tin Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức.

Trong buổi trao đổi, diễn giả Ngô Minh Tuấn xây dựng định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh viên dựa vào tính cách của mình. Theo diễn giả, có 4 nhóm tính cách tiêu biểu bao gồm nhóm tính cách người linh hoạt, nhóm người trầm tính, nhóm người nóng nảy và nhóm tính cách của người tiêu cực.

Từ việc xác định tính cách và khả năng, các bạn học sinh có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng và tính cách của mình. Ví dụ, những người linh hoạt hợp với nghề kinh doanh, đối ngoại; những người trầm tính hợp với ngành kỹ thuật, những người nóng nảy hay tiêu cực thì rèn luyện bản thân khỏi những nhược điểm này trước khi định hướng nghề nghiệp...

Cũng trong buổi tư vấn, các em học sinh còn được anh Phạm Văn Thanh, cán bộ Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chia sẻ các bước lựa chọn nghề nghiệp.

Chuyên gia chia sẻ bí quyết chọn nghề với học sinh trung học phổ thông ảnh 2Buổi tư vấn đã thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh. (Ảnh: BTC)

Theo anh Thanh, để chọn nghề, các em học sinh trước hết phải hiểu năng lực, sở trường của mình và hoàn cảnh cá nhân. Không chỉ hiểu mình, các em còn phải hiểu nghề mà mình định theo đuổi xem yêu cầu, tính chất, đặc thù của nghề đối với người lao động là gì, những điều đó có tương thích với mình không?

Khi tìm được nghề phù hợp, học sinh cũng cần tìm hiểu về các trường có dạy các ngành nghề đó và tìm trường phù hợp với điều kiện bản thân, xét cả về vấn đề kinh tế, khoảng cách, khuynh hướng đào tạo, chất lượng đào tạo, khả năng tìm việc sau khi ra trường…

“Đã xác định được ngành, trường, các em cần đặt cho mình mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, xây dựng các kế hoạch để đạt mục tiêu đó và ngay lập tức bắt tay vào hành động,” anh Thanh nói.

Trong chương trình, các em học sinh cũng được bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin Truyền thông Vietnet chia sẻ công dụng và ứng dụng công nghệ thông tin để tối đa hoá vai trò của công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ sự nghiệp trong tương lai như tìm kiếm những cơ hội và học tập qua internet…

Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh trung học phổ thông là một hoạt động trong chuỗi hoạt động của dự án “Trung tâm đào tạo công nghệ cho thanh niên”, viết tắt là YTIC, do Microsoft tài trợ và Trung tâm Công nghệ Thông tin Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) thực hiện.

Từ khi khởi động tới nay, chương trình YTIC đã cung cấp các kỹ năng về công nghệ thông tin và tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp cho gần 3.000 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Gần 100 sự kiện đào tạo, thảo luận, các ngày hội công nghệ, có sự kiện đã được dự án tổ chức.

YTIC đã được thực hiện hợp tác với các nhà cung cấp đào tạo, thực tập, các đối tác giáo dục, truyền thông và hơn 40 trường đại học cao đẳng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. 

Ngoài chương trình tư vấn nghề nghiệp cho các bạn học sinh cấp 3, dự án sẽ tiến hành 32 khóa đào tạo tại các tỉnh nghèo cho sinh viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 14 khóa diễn ra ở Bắc Ninh, 18 khóa ở các tỉnh khác.

Dự kiến, chương trình sẽ tạo cơ hội cho gần 6.000 sinh viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội và các địa phương tiếp xúc và sử dụng công nghệ thông tin, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và mở ra kho tàng công nghệ cho giới trẻ trong thời kỳ hội nhập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục