Chuyên gia: Giáo dục tư tưởng là điểm mấu chốt trong chống khủng bố

Theo Điều phối viên Viện Lesperssi, để đối phó với vấn đề khủng bố hiện nay, Indonesia cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào kinh tế-xã hội, giáo dục đào tạo...
Chuyên gia: Giáo dục tư tưởng là điểm mấu chốt trong chống khủng bố ảnh 1Cảnh sát chống khủng bố Jakarta triển khai lực lượng. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu tại Indonesia, làm chết và bị thương hàng chục người, làm dấy lên mối lo ngại lớn về tình hình an ninh bị đe dọa tại Quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này.

Phóng viên TTXVN tại Indonesia đã có cuộc trao đổi với ông Beni Sukadis, chuyên gia, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi).

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Ông nhận định như thế nào về tình hình khủng bố tại Indonesia trong bối cảnh hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu đã xảy ra trong những ngày vừa qua, gây thương vong cho hàng chục người? Vì sao Indonesia đã tăng cường an ninh và cảnh giác nhưng khủng bố vẫn xảy ra?

Ông Beni Sukadis: Các cuộc khủng bố liên tiếp diễn ra tại Indonesia thời gian qua cho thấy tình trạng an ninh đang ở mức đáng báo động, mặc dù các lực lượng an ninh đã tăng tường các biện pháp bảo vệ trước khi bước vào tháng ăn chay Ramadan.

Các vụ đánh bom liên tiếp ở thành phố Surabaya cũng như vụ bạo động tại nhà tù ở thị trấn Depok trước đó có liên quan đến các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Indonesia trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Điều đáng chú ý là trong các vụ tấn công này, các đối tượng khủng bố là thành viên của các gia đình, đặc biệt là nhiều trẻ em đã bị lôi kéo tham gia, điều đó rất nghiêm trọng.

Mặc dù các biện pháp an ninh đã được thắt chặt thời gian vừa qua song các đối tượng khủng bố vẫn tiến hành đánh bom được do chúng đã lên kế hoạch bài bản, biện pháp tinh vi nhằm qua mắt các cơ quan chức năng. Tư tưởng cực đoan đã thấm sâu vào các đối tượng này, chúng ta không thể biết được chúng đang nghĩ gì về các hành động khủng bố.

Các tổ chức khủng bố cũng như các vụ khủng bố đã xảy ở Indonesia đã có lịch sử từ lâu, có nhiều tổ chức khủng bố đã bị tấn công và tan rã, tuy nhiên sau khi tan rã chúng lại tiếp tục tập hợp, hình thành tổ chức mới. Khi chúng ta nói về các tư tưởng cực đoan, các tổ chức cực đoan, không phải dễ dàng chúng ta ngăn chặn được họ, khi tư tưởng cực đoan đã thấm sâu.

[Rất nhiều em nhỏ ở Indonesia bị lôi kéo tham gia mạng lưới khủng bố]

Theo quan điểm của tôi, chúng ta không thể dẹp bỏ hoàn toàn được các tư tưởng này, tuy nhiên chúng ta có thể giảm thiểu các tư tưởng cực đoan bằng các biện pháp kinh tế xã hội, giáo dục, tuyên truyền rộng rãi...

Hiện nay, các tổ chức khủng bố tại Indonesia có liên hệ cũng như nhận sự chỉ đạo, tài trợ của các tổ chức khủng bố ở các nước như Iraq, Afghanistan và Syria do đó chúng càng trở nên nguy hiểm và khó ngăn chặn.

- Một điểm đáng lưu ý trong các vụ khủng bố vừa qua tại Indoensia đều có yếu tố gia đình, trong đó cả trẻ em cũng bị lôi kéo tham gia trực tiếp, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Beni Sukadis: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các vụ đánh bom được thực hiện bởi các gia đình, trong đó có nhiều đứa trẻ, điều này đã thực sự gây sốc đối với xã hội Indonesia, nhiều người không thể tưởng tượng được và đặt câu hỏi vì sao lại xảy ra những điều như thế. Những đứa trẻ hoàn toàn ngây ngô, đã bị cha mẹ chúng lôi kéo vào những hành động cực đoan, chết chóc. Chúng có thể đã vô tình trở thành kẻ khủng bố và cũng là nạn nhân của chính cha mẹ mình. Tôi nghĩ dư luận Indonesia lên án việc này và quả thật là các tổ chức khủng bố cực đoan thực sự man rợ khi lôi kéo những đứa trẻ này vào các vụ đánh bom vừa qua.

- Theo ông thì những giải pháp như thế nào được cho là hiệu quả và vai trò của quân đội trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay ở Indonesia và khu vực Đông Nam Á như thế nào?

Ông Beni Sukadis: Để đối phó với vấn đề khủng bố hiện nay, Indonesia cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào kinh tế-xã hội, giáo dục đào tạo, truyền thông, các lực lượng làm công tác đấu tranh chống khủng bố. Một trong các giải pháp này là làm cách nào để giáo dục những đứa trẻ trong các gia đình, điều này thể hiện vai trò quan trọng của các bậc cha mẹ chúng, những người hàng xóm, cộng đồng... và đặc biệt là ở các trường học.

Cuộc đấu tranh này phải là nỗ lực của toàn thể chính quyền cũng như người dân Indonesia chứ nó không phải là trách nhiệm riêng của một cơ quan, ban ngành nào. Điều khiến tôi ngạc nhiên là trong các vụ tấn công ở thành phố Surabaya vừa qua đến từ tầng lớp trung lưu trong xã hội chứ không phải là những đối tượng nghèo đói, điều đó cho thấy tư tưởng cực đoan cũng như các đối tượng khủng bố đã phát triển mạng lưới của mình khá mạnh tại Indonesia. Đó là điều cảnh báo đối với chính phủ Indonesia, đồng thời đòi hỏi chính phủ Indonesia phải nỗ lực hết sức đề phòng ngừa, ngăn chặn các hành động khủng bố tiếp theo có thể xảy ra.

Tôi cho rẳng Chính phủ Indoesia cần hợp tác với chính phủ các quốc gia ASEAN bởi vì đây thực sự đã trở thành vấn đề của khu vực, có liên quan đến nhiều quốc gia ASEAN trong đó có các cơ quan xuất nhập cảnh, lưc lượng chống khủng bố. Chắc bạn còn nhớ các vụ tấn công tại thành phố Malawi của Philippines vào năm ngoái, trong số này có cả những đối tượng đến từ Indonesia. Do đó chính phủ Indonesia cần hợp tác chặt chẽ với chính phủ Philipppines để xử lý vấn đề khủng bố.

Về vai trò của quân đội Indonesia trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay, chúng tôi ủng hộ chính phủ trong việc ban hành Luật khủng bố, theo đó quân đội Indonesia sẽ tích cực cùng với lực lượng Cảnh sát tích cực trong cuộc đấu tranh phòng chống khủng bố đang rất phức tạp hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục