Chuyên gia Indonesia: Đông Nam Á không thể lơ là với nguy cơ khủng bố

Hàng loạt vụ đánh bom khủng bố và các vụ bạo động xảy ra gần đây đã gây ra những lo ngại về việc chủ nghĩa khủng bố lan rộng ở khu vực Đông Nam Á.
Chuyên gia Indonesia: Đông Nam Á không thể lơ là với nguy cơ khủng bố ảnh 1Tiến sỹ Arisman. (Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+)

Hàng loạt vụ đánh bom khủng bố và các vụ bạo động xảy ra gần đây đã gây ra những lo ngại về việc chủ nghĩa khủng bố lan rộng và ngày càng hiện hữu rõ rệt ở Indonesia cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Phóng viên TTXVN tại Indonesia đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Arisman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, có trụ sở tại Jakarta, về vấn đề này.

- Ông nhận định thế nào về nạn khủng bố ở Indonesia so với các nước Đông Nam Á khác trong thời gian gần đây?

- Tiến sỹ Arisman: Tôi nghĩ rằng nạn khủng bố ở các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là ở các nước như Indonesia, Malaysia và Philippines là tương tự nhau, bởi vì các nhóm khủng bố có mạng lưới rộng khắp và liên kết với nhau ở khu vực, có liên quan đến al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Những gì diễn ra ở thành phố Marawi, Philippines vừa qua cho thấy có một số nhóm khủng bố của Indonesia đã tham gia vào cuộc chiến này. Hoạt động của các nhóm khủng bố mang tầm khu vực. Vòi bạch tuộc của nhóm IS đã lan tới Đông Nam Á và đang ngày càng bám rễ sâu tại khu vực này.

Ngay sau khi xảy ra những diễn biến bạo lực dữ dội của nhóm phiến quân có liên hệ với IS tại thành phố Marawi của Philippines, thủ đô Jakarta của Indonesia lại chứng kiến vụ đánh bom kép ở một trạm xe buýt làm 15 người thương vong. Những vụ việc đã khiến cho người dân lo lắng, đặc biệt khi vụ việc này xảy ra ngay trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Không chỉ Indonesia, Malaysia, Philippines, khu vực miền Nam Thái Lan cũng có nhiều nhóm khủng bố hoạt động mạnh và có sự liên kết với các nhóm khủng bố trong khu vực cũng như IS.

Các đối tượng khủng bố, cực đoan hiện nay đang tích cực tuyên truyền, vận động các tín đồ Hồi giáo tiến hành thánh chiến, đặc biệt là đối với các tín đồ trẻ tuổi. Bọn chúng tích cực sử dụng Internet, các mạng xã hội để tuyên truyền, kích động người theo đạo Hồi tham gia các khóa huấn luyện thánh chiến ở khu vực cũng như ở Iraq, Syria.

Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới và chúng tôi khá lo ngại về sự trỗi dậy ngày càng nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan, với một thế hệ phiến quân trẻ, trung thành với tư tưởng của nhóm khủng bố IS.

- Theo ông, Indonesia đã nỗ lực như thế nào để đối phó với nạn khủng bố? Chính phủ đã đưa ra những biện pháp gì và hiệu quả của chúng ra sao?

- Tiến sỹ Arisman: Indonesia đã thành lập Cơ quan chống khủng bố và đội đặc nhiệm chống khủng bố Densus 88. Các cơ quan này được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp để truy tìm, xử lý những tên khủng bố, còn về lâu dài, Chính phủ Indonesia mong muốn thông qua giáo dục, tuyên truyền mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt những người trẻ tuổi, không tham gia vào các tổ chức cực đoan, phi pháp.

Các đối tượng khủng bố đang lợi dụng Internet để kích động, lôi kéo người dân tham gia vào các tổ chức khủng bố, liên lạc với nhau, bàn về kế hoạch đánh bom như chúng đã từng tiến hành trong vụ đánh bom ở Sarinah, trung tâm Jakarta vào ngày 14/1/2016 và tại Kampung Melayu vào ngày 24/5/2017.

An ninh đã được thắt chặt không chỉ sau vụ đánh bom kép tại trạm xe buýt ở Kampung Melayu, mà được triển khai ráo riết hơn từ sau vụ khủng bố liên hoàn ở gần trung tâm thương mại Sarinah và trước đó nữa.

Các chiến dịch truy quét khủng bố được triển khai dày đặc hơn. Cảnh sát cũng đã truy bắt được nhiều phần tử có liên quan đến khủng bố, theo dõi chặt chẽ một số đối tượng tình nghi. Những nỗ lực này góp phần ngăn chặn các nguy cơ khủng bố có thể xảy ra.

Tuy nhiên, theo tôi, cần phải có sự tham gia của nhiều lực lượng để góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của bọn khủng bố.

Chuyên gia Indonesia: Đông Nam Á không thể lơ là với nguy cơ khủng bố ảnh 2Hiện trường vụ đánh bom ở Jakarta ngày 24/5. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Các đối tượng khủng bố ngày càng hoạt động tinh vi, do đó, ngăn chặn nguy cơ khủng bố không chỉ là trách nhiệm của chính phủ, các cơ quan chống khủng bố mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Mọi người dân cần đề cao cảnh giác trước các đối tượng khủng bố, kịp thời phát hiện các dấu hiệu nghi vấn và báo cho cảnh sát.

- Đông Nam Á đang đương đầu với hiểm họa khủng bố. Theo ông, các nước trong khu vực cần phải hợp tác với nhau như thế nào để đối phó với nguy cơ này?

- Tiến sỹ Arisman: Nạn khủng bố đã trở thành vấn đề mang tầm khu vực ở Đông Nam Á. Vụ tấn công ở Philippines vừa qua cho thấy có nhiều các đối tượng đến từ Indonesia và Malaysia. Do đó, đây là một vấn đề lớn đòi hỏi các quốc gia ASEAN cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau để đấu tranh, ngăn chặn khủng bố, không để nó lan rộng trong khu vực.

Vụ tấn công ở Marawi vừa qua có thể coi là hồi chuông cảnh báo về sự ổn định của khu vực bởi vì sau Philippines có thể là đến Indonesia, Malaysia và các quốc gia khác ở khu vực.

Trước đây, chúng ta vẫn cho rằng chống khủng bố không phải là việc riêng của bất cứ quốc gia nào, vì vậy các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ với nhau mới có thể tạo nên một sức mạnh liên kết trong cuộc chiến chống khủng bố. Sự hợp tác này không chỉ là việc hợp tác giữa các cơ quan chống khủng bố, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động mà phải là sự hợp tác toàn diện để đảm bảo cho người dân khu vực được sống trong môi trường hòa bình, ổn định.

Chúng ta hy vọng sẽ không một quốc gia ASEAN nào gặp phải tình cảnh như Syria hiện nay, đồng thời mong muốn Đông Nam Á tiếp tục là khu vực ổn định và thịnh vượng trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục