Chuyên gia Nhật: Trung Quốc đánh mất quan hệ với Việt Nam

Theo tiến sỹ Nhật Tomotaka Shoji, có thể thấy rằng Trung Quốc sẽ có cái mất. Cái mất lớn nhất chính là quan hệ với Việt Nam và ở nghĩa rộng hơn là quan hệ với ASEAN.
Chuyên gia Nhật: Trung Quốc đánh mất quan hệ với Việt Nam ảnh 1Tiến sỹ Tomotaka Shoji trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Hữu Thắng/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn tiến sỹ Tomotaka Shoji, Trưởng Phòng nghiên cứu Á-Phi-Ban Nghiên cứu khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

- Đầu tháng Năm này, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt giàn khoàn Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) tại thềm lục địa Việt Nam. Theo ông, mục đích và lý do thực sự của Trung Quốc qua hành động này là gì?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Tôi không chuyên về Trung Quốc nên không rõ nội tình bên trong Trung Quốc. Nhưng nếu nhìn bối cảnh tổng thể, có thể thấy trong những năm vừa qua Trung Quốc đang không ngừng thực hiện chiến lược tiến ra đại dương ở cả Biển Đông và các vùng Biển khác với những hoạt động ngày càng thường xuyên của hải quân Trung Quốc.

Còn đối với Việt Nam, Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi cản trở ngư dân Việt Nam tại vùng Biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Trong cái mạch đó, tôi nghĩ rằng hành động lần này của Trung Quốc là nhằm cụ thể hóa động thái củng cố ảnh hưởng của mình tại Biển Đông với quần đào Hoàng Sa làm trung tâm.

Điều làm tôi bất ngờ đó là trong khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông trong thời gian gần đây lại đang khá yên ả, Trung Quốc đột nhiên lại tiến hành động thái đó. Và tôi hết sức lo ngại đối với những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

- Theo ông, sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở Biển Đông có liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama hay không?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Tôi nghĩ rằng hiện chưa thể nói rõ mối quan hệ nhân quả của chuyến thăm đó nhưng chắc chắn rằng Trung Quốc hết sức quan tâm và theo dõi việc Mỹ sẽ can dự thế nào vào an ninh của khu vực Đông Nam Á hay rộng hơn là khu vực Đông Á.

Việc Trung Quốc tiến hành động thái đó ngay sau chuyến thăm của ông Obama khiến tôi nghĩ rằng có khả năng có mối liên hệ nào đó. Tuy nhiên, tôi không rõ là các quyết định cụ thể nào đã được đưa ra tại Trung Quốc.

- Theo ông, Trung Quốc được gì và mất gì qua động thái vừa rồi?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Cái được của Trung Quốc rõ ràng là việc tăng cường thêm ảnh hưởng và sự khống chế trên thực địa. Tuy nhiên, có thể thấy rằng Trung Quốc cũng sẽ có cái mất. Cái mất lớn nhất chính là quan hệ với Việt Nam và ở nghĩa rộng hơn là quan hệ với ASEAN.

Trong nửa đầu thập niên những năm 2000, quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN rất tốt. Với sự tiếp cận tích cực từ phía Trung Quốc, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đã phát triển rất tích cực và hữu nghị với trọng tâm là lĩnh vực kinh tế và cả lĩnh vực chính trị, an ninh. Tuy nhiên, căng thẳng lên cao tại Biển Đông rõ ràng đã tạo ra “điểm âm” trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

- Ông có thể đưa ra dự đoán về kịch bản nào cho căng thẳng hiện nay trên Biển Đông hay không?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Về cơ bản, tôi nghĩ rằng khả năng Trung Quốc rút giàn khoan là rất thấp. Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi đặc biệt chú ý đến những đối sách của phía Việt Nam. Hiện Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp như trao đổi với phía Trung Quốc, trao đổi trong ASEAN, dùng tàu Cảnh sát biển đối đầu với Trung Quốc tại thực địa.

Nhưng tôi, một nhà nghiên cứu lại đang chú ý đến khả năng Việt Nam có học tập Philippines đưa vụ việc ra Liên hợp quốc hay cơ quan trọng tài liên quan theo luật pháp quốc tế hay không. Nhưng đây quả là một lựa chọn vô cùng khó khăn đối với Việt Nam.

Bởi Trung Quốc là đối tác quan trọng đối với Việt Nam trên nhiều ý nghĩa nên Việt Nam đã rất nỗ lực trong một khoảng thời gian rất dài để ổn định mối quan hệ này; do đó, Việt Nam sẽ phải nhìn toàn cục trước khi thực hiện bất cứ hành động nào.

- Trước hành động của Trung Quốc, ASEAN đã ra tuyên bố riêng về vấn đề Biển Đông và khẳng định quyết tâm thúc đẩy đàm phán COC. Theo ông, ASEAN có vai trò gì trong việc tháo gỡ căng thẳng hiện nay hay không?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Tôi cho rằng lần này ASEAN đã đưa ra được quan điểm tương đối thống nhất về vấn đề Biển Đông. Trong 10 nước thành viên ASEAN, mỗi nước có mối quan hệ riêng rất khác nhau với Trung Quốc.

Cũng có những nước có mối quan hệ sâu sắc và không có vấn đề đặc biệt nào với Trung Quốc. Do đó, một ASEAN với 10 nước thành viên sẽ luôn gặp khó khăn để đi đến quan điểm thống nhất về vấn đề Biển Đông. Tôi cho rằng, lần này ASEAN đã đạt đến sự thống nhất tương đối ở mức tối đa.

Tuy nhiên, sẽ khó có thể nói về sự thống nhất đó của ASEAN sẽ có tác động thế nào đến Trung Quốc nếu không tiếp tục quan sát. Hay nói cách khác sẽ rất khó để đưa ra dự đoán.

- Việc sớm thúc đẩy đàm phán COC sẽ góp phần cho an ninh trên Biển Đông. Tuy nhiên, căng thẳng vừa qua đã khiến cho tiến trình này bị trì hoãn thêm. Vậy, theo ông, các nước cần phải làm thế nào để thúc đẩy quá trình tiến tới COC?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Đương nhiên, không có bất cứ nghi ngờ về việc COC rõ ràng là vấn đề quan trọng nhất đối với ASEAN tại Biển Đông. Nhưng đáng tiếc, chúng ta buộc phải nói Trung Quốc đang thể hiện thái độ tiêu cực đối với COC. Do đó, rất khó để hy vọng ASEAN sẽ sớm đạt được một kết quả tốt về COC.

Mặc dù không phải là một ý kiến mang tính sáng tạo gì nhưng chỉ có cách tiếp tục thảo luận mà thôi. Chúng ta hiện không biết được sẽ mất bao nhiêu năm để có được kết quả, nhất là khi tình hình đang ngày càng trở nên không rõ ràng trong những năm gần đây. Nhưng dù sao, chúng ta đã có một khuôn khổ và hàng năm gặp mặt vài lần để trao đổi trong khuôn khổ đó cũng đã là một nỗ lực rất lớn.

Đối với ASEAN, việc tiếp tục thảo luận trong khuôn khổ đó theo tôi là một cách làm hiệu quả nhất. Nhưng có lẽ sẽ không có chuyện COC được hình thành ngay lập tức.

- Trung Quốc tỏ ra coi thường quyền lợi chính đáng của các nước xung quanh và tiếp tục chính sách quyết đoán trên Biển. Vậy, theo ông, các nước cần có đối sách như thế nào trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Nếu nói một cách thẳng thắn, có lẽ không có một đối sách nào có thể khiến Trung Quốc thay đổi ngay lập tức. Nhưng dù sao vẫn phải làm điều gì đó, đây là nhận thức chung của các nước đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến biển.

Mặc dù chỉ mang tác động gián tiếp nhưng một trong những đối sách là ASEAN phát huy tối đa hiệu quả các hội nghị liên quan của mình. Tại đó, kiên trì truyền đạt cho phía Trung Quốc quan điểm chung của cộng đồng quốc tế rằng không được thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đối với các vấn đề liên quan đến trật tự thế giới, trước hết là vấn đề trên Biển.

Để làm được điều đó, trước hết các nước ASEAN cần có sự thống nhất. Tiếp đó là nhận được sự hợp tác của các nước đối tác như Nhật Bản để thể hiện sự đồng thuận về việc duy trì hiện trạng. Một vấn đề mang tính hiện thực khác là duy trì sự can dự của Mỹ tại khu vực. Chúng ta cần tích cực thúc giục Mỹ tiếp tục sự can dự tại khu vực.

- Dựa trên nghiên cứu về chiến tranh biên giới 1979, xin ông đánh giá về cách thức Việt Nam đã áp dụng và cách thức Việt Nam nên áp dụng tiếp theo?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Tôi nghĩ rằng sẽ không thích hợp đối với người Việt Nam khi rút ra những cái này cái kia từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng quả thực, người Việt Nam quả là một dân tộc hết sức kiên cường, kiên trì. Với ý nghĩa đó, người Việt Nam rất kiên cường khi bảo vệ các lợi ích quan trọng của mình. Do đó, tôi cho rằng tình trạng tàu Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Trung Quốc đối đầu nhau tại Biển Đông, đặc biệt tại Hoàng Sa sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Vì vậy, chiến lược của Việt Nam ở đây theo tôi sẽ là tiếp tục kiên trì thể hiện thái độ không chấp nhận chuyện đó và kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi trên toàn cục, bao gồm cả sự thay đổi ở Trung Quốc. Nếu nhìn lịch sự hiện đại của Việt Nam, có lẽ đây sẽ là chiến lược mà chính phủ Việt Nam sử dụng.

- Nhìn từ chiến tranh biên giới 1979, bài học không thể quên là gì?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Điều tôi suy nghĩ từ tình hình căng thẳng hiện nay, có vẻ “cách tư duy” đó đã được đặt sang một bên. Theo tôi, việc tạo ra một “tư duy” mới trong hoàn cảnh hiện nay là vấn đề khá khó khăn.

Tôi xin đưa ra một câu chuyện khá cũ, đó là cuộc kháng chiến giành độc lập từ thực dân Pháp vào khoảng năm 1947, 1948. Khi đó, người Việt Nam đã thực hiện trường kỳ kháng chiến, kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi của toàn cục. Kết quả là Chiến thắng Điện Biên Phủ và Việt Nam giành chiến thắng trước thực dân Pháp. Từ câu chuyện đó, tôi cho rằng một bài học rút ra là kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi trên toàn cục. Vấn đề đặt ra là sử dụng bài học đó khi đưa ra các chính sách cụ thể.

- Thời gian gần đây, Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông. Ý kiến cá nhân của ông về yêu sách này của Trung Quốc ra sao ạ?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: “Đường chín đoạn” của Trung Quốc chiếm tới 80% diện tích Biển Đông. Khía cạnh pháp lý của “đường chín đoạn” cần có những đánh giá chi tiết mà những hiểu biết hạn chế của tôi về vấn đề này chưa thể bình luận được.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy rõ ràng là yêu sách “đường chín đoạn” đã mâu thuẫn với chủ quyền của các nước khác trong ASEAN như Việt Nam và Philippines. Và yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với “đường chín đoạn” đã làm phát sinh vấn đề đối với một bộ phận các nước trong ASEAN, tạo nên bối cảnh phức tạp hiện nay ở Biển Đông.

- Mới đây, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa án về yêu sách vô lý của “đường chín đoạn.” Có ý kiến cho rằng Việt Nam cũng nên làm một việc tương tự. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Hiện cũng tồn tại quan điểm cho rằng việc Philippines kiện Trung Quốc cũng phát huy những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, tôi thấy Manila đã làm một việc hết sức quan trọng. Tương tự như vậy, tôi nghĩ nếu Việt Nam tiến hành một vụ kiện đối với Trung Quốc sẽ có tác động rất lớn.

Tuy vậy, các bạn cũng cần phải cân nhắc thận trọng về những phản ứng có thể có từ phía Trung Quốc khi quyết định kiện ra tòa án quốc tế. Trong bối cảnh căng thẳng đang dâng cao tại Biển Đông như hiện nay, việc Việt Nam có kiện Trung Quốc hay không theo tôi sẽ là một quyết định thực sự khó khăn.

- Tương tự như Việt Nam, Nhật Bản cũng đang gặp phải những vấn đề ở Hoa Đông với Trung Quốc. Vậy theo ông, Nhật Bản sẽ đóng vai trò ra sao trong mối quan hệ với ASEAN nhằm đương đầu với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với khu vực?

Tiến sỹ Tomotaka Shoji: Việc Trung Quốc mở rộng hoạt động trên biển trở thành một vấn đề lớn đối với các nước như Nhật Bản, Việt Nam và Philippines trên phương diện an ninh. Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến những diễn biến hiện nay ở Biển Đông và Nhật Bản luôn duy trì lập trường không chấp nhận việc quốc gia khác sử dụng sức mạnh nhằm thay đổi hiện trạng.

Với ý nghĩa như vậy, tôi nghĩ rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ không chỉ phối hợp với các nước có chung vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc mà còn nỗ lực đóng vai trò tìm kiếm sự đồng thuận của quốc tế về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục