Sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng trích dẫn nguồn điều tra khách du lịch của Dự án EU (dự án do Liên minh châu Âu tài trợ), trong đó đưa ra thông tin "chỉ có 6% khách quốc tế quay lại Việt Nam," ban quản lý Dự án EU khẳng định, cách nhận định như vậy là không chính xác và không đúng với bản chất của số liệu.
Việc sử dụng số liệu không đầy đủ để đưa tin có thể khiến người đọc hiểu sai kết quả của cuộc điều tra và có cái nhìn thiên lệch đối với xu hướng khách quốc tế quay trở lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, ban quản lý Dự án EU xin cung cấp thêm thông tin để làm rõ và đưa ra góc nhìn tổng thể về vấn đề này.
Triển khai Kế hoạch hoạt động năm 2014 được phê duyệt, Dự án EU huy động chuyên gia trong nước và quốc tế thực hiện việc điều tra khách du lịch tại 5 điểm đến thí điểm (Sa Pa, Hạ Long, thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng và Hội An) trong giai đoạn tháng 3-4/2014 và tháng 7-8/2014. Đối tượng điều tra là du khách quốc tế (nói tiếng Anh) và khách du lịch nội địa tại các điểm đến thí điểm trên.
Căn cứ trên kết quả điều tra, các chuyên gia của Dự án EU đã phản ánh thông tin: "Các điểm du lịch của Việt Nam hầu như thu hút khách du lịch quốc tế mới đến thăm lần đầu. Khoảng 90% là khách lần đầu tiên đến thăm các điểm đến. Lượng khách quốc tế quay lại các điểm du lịch này lần thứ hai chiếm khoảng 6%."
Các chuyên gia cũng cho biết thêm tỷ lệ khách quốc tế quay lại lần 3 là 2%, từ 4 lần trở lên là 3,2%. Như vậy tổng số khách quốc tế quay lại một trong năm điểm đến lên tới 11,2%.
Là người trực tiếp theo dõi hoạt động điều tra khách du lịch, ông Kai Partale - chuyên gia quốc tế của Dự án EU khẳng định: "Không thể sử dụng con số 6% (khách nói tiếng Anh được khảo sát tại 5 điểm đến thí điểm) để phản ánh tỷ lệ tổng thể của khách du lịch quay lại Việt Nam. Bởi vì con số này chưa bao hàm các khách du lịch không nói tiếng Anh (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp...) và các du khách có quay lại Việt Nam nhưng lại tới thăm các điểm du lịch khác không phải là một trong số 5 điểm đến được khảo sát."
Trên thực tế, khách quốc tế có thể quay trở lại Việt Nam để thăm các điểm đến mới ngoài những điểm họ đã từng đến. Do vậy, tỷ lệ 6% khách quốc tế (chỉ tính riêng nhóm khách du lịch nói tiếng Anh trong phạm vi điều tra) quay trở lại tại một điểm đến cụ thể không phải là tỷ lệ thấp khi suy rộng ra tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam nói chung.
Cũng theo kết quả điều tra của Dự án EU, khách du lịch quốc tế và trong nước đều có sự hài lòng cao với phong cảnh tự nhiên và bầu không khí tại các điểm du lịch được khảo sát. Cả hai nhóm đối tượng này đều phát biểu sẵn sàng quay lại đồng thời giới thiệu các điểm du lịch này với người khác.
Theo số liệu thống kê về tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam được công bố chính thức tại "Kết quả điều tra chi tiêu của khách du lịch năm 2013" do Tổng cục Thống kê phát hành năm 2014, trong năm 2013, 66,1% khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu; 20,1% khách quốc tế đến lần 2 và 13,8% khách quốc tế đến lần 3. Như vậy tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam là khoảng 34%. Ngoài ra nhiều khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu sẵn sàng quay lại đồng thời giới thiệu cho người khác đến du lịch Việt Nam.
Vừa qua, được sự tư vấn của chuyên gia quốc tế, nhóm chuyên gia Dự án EU đã thiết kế Bảng hỏi với mục đích thu thập dữ liệu cho công tác quản lý điểm đến gồm: nghiên cứu thị trường, đánh giá sự hài lòng của du khách để cải thiện sản phẩm du lịch tại 5 điểm đến thí điểm.
Việc điều tra khách du lịch quốc tế (nói tiếng Anh) và nội địa được nhóm chuyên gia trong nước tiến hành tại một số điểm tham quan chính của điểm đến như khách sạn, ga tàu... nơi tập trung đông khách du lịch của 5 điểm đến thí điểm nêu trên qua phỏng vấn trực tiếp. Mỗi điểm đến thí điểm chỉ điều tra 300 mẫu khách du lịch nội địa và 300 mẫu khách du lịch quốc tế nói tiếng Anh trong cả 2 giai đoạn. Tổng cộng có 3.000 mẫu được thực hiện.
Kết quả điều tra khách du lịch quốc tế (nói tiếng Anh) và nội địa tại 5 điểm đến thí điểm đã được các chuyên gia trong nước tổng hợp, phân tích và đưa ra một số dữ liệu, với mục đích hỗ trợ các địa phương tại 5 điểm đến trong công tác rà soát và cải thiện sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của du khách và tìm kiếm các phương thức marketing phù hợp, góp phần vào sự phát triển và quản lý du lịch bền vững của địa phương.
Trong hai buổi hội thảo tổ chức tại Sa Pa (ngày 28/10) và Hạ Long (ngày 30/10), một số dữ liệu của cuộc điều tra khách đã được sử dụng để tư vấn cho các cơ quan quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch và các đối tác liên quan khác tại địa phương.
Dự án EU là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ với mục tiêu tổng quát là đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Được triển khai trong giai đoạn từ 2011-2015, dự án trị giá 11 triệu euro, Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,1 triệu Euro. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản, Tổng cục Du lịch là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện./.