Chuyên gia phân tích về tầm nhìn xa của giới lãnh đạo Trung Quốc

Tác giả Stephen S.Roach, từng là Chủ tịch Morgan Stanley châu Á, hiện đang làm việc tại Đại học Yale, đã có bài bình luận về tầm nhìn xa của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Chuyên gia phân tích về tầm nhìn xa của giới lãnh đạo Trung Quốc ảnh 1Dây chuyền sản xuất nước ngọt đóng chai tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 21/6/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mạng tin Project-syndicate.org mới đây đăng tải bài bình luận của tác giả Stephen S.Roach - từng là Chủ tịch Morgan Stanley châu Á, hiện đang làm việc tại Đại học Yale - về tầm nhìn xa của giới lãnh đạo Trung Quốc. Dưới đây là nội dung chính:

Cách đây hai tháng, trong chuyến thăm tỉnh Giang Tây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc tới một dấu mốc mang tính cách mạng trong lịch sử.

Ông nói: "Hiện nay có một cuộc Vạn lý Trường chinh mới, và chúng ta nên tạo ra một khởi đầu mới," ý nói tới cách đối phó của Trung Quốc với cuộc xung đột về thương mại ngày càng tăng lên với Mỹ.

Ở Trung Quốc, ý nghĩa biểu tượng của những phát biểu súc tích của các lãnh đạo thường quan trọng hơn nghĩa đen của những phát biểu đó.

[Thế giới "G âm 2" chứa đựng những hiểm họa đáng ngại gì?]

Phát biểu tại nơi khởi đầu của cuộc Vạn lý Trường chinh năm 1934, vốn cuối cùng dẫn tới chiến thắng của ông Mao Trạch Đông trước Quốc dân đảng 15 năm sau đó, lời của ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tới sức mạnh vĩ đại nhất của Trung Quốc - đó là tầm nhìn xa.

Theo ông Roach, sức mạnh đó đã được thể hiện hồi đầu tháng Bảy vừa qua, trong chuyến thăm của ông tới Trung Quốc.

Qua một loạt cuộc gặp và thảo luận, ông Roach đã rút ra 3 kết luận:

Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế chậm lại không phải là điều khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại như quan điểm của những nhà hoạch định chính sách phương Tây. Đúng là những số liệu mới nhất về GDP của Trung Quốc khá yếu: tăng trưởng theo quý ở mức thấp nhất kể từ khi hệ thống báo cáo thống kể hiện nay được áp dụng năm 1992, và thậm chí còn tồi tệ hơn cả mức được ghi nhận cách đây 10 năm, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,2% trong quý 2/2019 là một sự giảm tốc khá ít, chỉ 0,5 điểm phần trăm, từ tốc độ tăng trung bình 6,7% trong 8 quý trước đó.

Ngược lại, tăng trưởng GDP ở mức 6,6% trong quý 1/2009 là một sự giảm tốc rất đột ngột, giảm tới 5,5 điểm phần trăm từ mức tăng trưởng GDP trung bình 12,1% của 8 quý trước đó. Một sự giảm tốc ít không phải là một điều quá nghiêm trọng đối với tăng trưởng.

Điều này không có gì là ngạc nhiên. Trung Quốc có nhiều "đòn bẩy" chính sách hơn là những "cơn gió ngược" tăng trưởng.

Với nhiều khoảng trống để nới lỏng tiền tệ hơn nữa, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, và nhiều biện pháp kích thích tài chính khác, lo ngại về "tai nạn bất ngờ" trong tăng trưởng kinh tế của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ít hơn nhiều so những gì mà Mỹ mô tả.

Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc đã có một sự thay đổi quan trọng về cấu trúc. Năm 2018, xuất khẩu dòng chỉ đóng góp 0,8% vào GDP của Trung Quốc, đây là sự sụt giảm rất lớn so với 10 năm trước, khi xuất khẩu dòng chiến tới 7,5% GDP.

Là một "ốc đảo" trong nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu, Trung Quốc ngay này ít bị ảnh hưởng từ một cú sốc thương mại so với trước đây. Cho dù Trung Quốc thất bại trong cuộc chiến thương mại hiện nay - một quan điểm vẫn cần phải tranh luận, thì tác động của nó tới tăng trưởng kinh tế tổng thể của Trung Quốc sẽ rất nhỏ.

Kết luận thứ hai ông Roach rút ra từ các cuộc thảo luận gần đây của ông đó là Trung Quốc rất kiên nhẫn và có phương pháp khi đối phó với bất ngờ từ bên ngoài - đặc biệt là các hoạt động chính trị của Mỹ.

Các quan chức Trung Quốc không định đặt cược vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 để từ đó vạch ra cách thức phản ứng chiến lược đối với cuộc xung đột thương mại.

Rõ ràng Trung Quốc rất quan tâm tới kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, tuy nhiên với quan điểm của ông Tập Cận Bình về một cuộc Vạn lý Trường chinh mới, giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài kiểu Chiến tranh lạnh cho dù ai là người đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

Điều đáng nói là nhiều quan chức cấp cao của  Trung Quốc không đồng ý với quan điểm của Mỹ rằng phương hướng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sau năm 2020 sẽ vẫn không có gì thay đổi cho dù có Donald Trump hay không.

Trong trường hợp Tổng thống Trump thất bại, người Trung Quốc sẽ nghi ngờ rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ thay đổi, trở lại cách tiếp cận mang tính đa phương hơn và tập trung vào các liên minh. Hy vọng lớn nhất của họ là khôi phục lại nguyên vẹn tiến trình hoạch định chính sách.

Giống như nhiều người ở Mỹ, người Trung Quốc cảm thấy rất khó để có thể đối phó với những thay đổi bất thường không thể dự đoán trước về thuế quan và các lệnh trừng phạt.

Cho dù một tổng thống Mỹ mới vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, thì một chiến lược có tính mạch lạc và kết nối chặt chẽ của Mỹ sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc giải quyết tranh chấp hiện nay và tạo ra hy vọng về một giải pháp mang tính xây dựng.

Thứ ba, Huawei là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Hãng công nghệ khổng lồ này được cho là "nhà quán quân" của quốc gia, và là biểu tượng cho nỗ lực thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo ở ngay trong nước của Trung Quốc, vốn tập trung vào sự tăng trưởng dài hạn hơn và khát vọng phát triển.

Bằng cách tận dụng "vị trí án ngữ" trong chuỗi cung ứng của Huawei, chiến dịch kiềm chế Trung Quốc của chính quyền Trump được cho là đang tìm cách dập tắt những khát vọng phát triển đó.

Không nghi ngờ gì rằng Huawei đang cảm nhận được sức ép rất lớn khi Mỹ "bót nghẹt" chuỗi cung ứng bằng cách gây áp lực với những nhà cung cấp chíp bán dẫn, các thiết bị khác, và phần mềm hàng đầu của Mỹ, như AMD, IBM, Marvell, Intel, Google, và Microsoft.

Theo ban điều hành của Huawei, thu nhập của công ty này trong năm nay và năm sau sẽ thấp hơn dự đoán khoảng 30 tỷ USD.

Mặc dù các quan chức cấp cao của Mỹ đã gửi đi những tín hiệu lẫn lộn về việc sẽ nới lỏng hạn chế đối với Huawei, song việc Washington "vũ khí hóa" chính sách thương mại của Mỹ đã phát đi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc: nhu cầu cần giải quyết tính dễ bị tổn thương ở chuỗi cung ứng cho các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc hiện đã trở thành ưu tiên chính sách hàng đầu.

Phương Tây trước nay luôn cho rằng Trung Quốc sẽ cần tới 10 năm để có thể xây dựng ngành công nghiệp chế tạo chíp và phần mềm nội địa, nhằm lấp đầy khoảng trống gây ra bởi các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Những người Trung Quốc mà ông Roach đã tiếp xúc hồi đầu tháng Bảy vừa qua cảm thấy rằng khoảng trống này sẽ được lấp đầy sớm hơn thế, có thể chỉ trong 2 năm.

Những lời đe dọa của Tổng thống Trump chống lại Huawei đã trở thành lời kêu gọi thức tỉnh cho chiến dịch "tự lực" của ông Tập Cận Bình.

Hết lần này đến lần khác, tầm nhìn xa của Trung Quốc luôn đối lập hoàn toàn với cách tiếp cận trong ngắn hạn của Mỹ. Chẳng cần phải nói, điều này đã ngày càng trở nên rõ ràng trong 2 năm rưỡi qua với các động thái chính sách của Tổng thống Trump đều được tuyên bố trên Twitter.

Một nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc đã thừa nhận rằng ông kiểm tra những tweet mới của Tổng thống Trump mỗi sáng. Điều này không có gì là ngạc nhiên. Tôn Tử đã đúc kết rất đúng trong cuốn binh thư của ông: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục