Chuyên gia: Quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ kéo dài 10 năm

Theo cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest J. Moniz, đây là một sự ảo tưởng và có thể mất 10 năm hoặc lâu hơn để làm suy yếu khả năng hạt nhân của Triều Tiên do có sự thiếu tin tưởng lẫn nhau.
Chuyên gia: Quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ kéo dài 10 năm ảnh 1Triều Tiên tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyong. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo Thời báo Hàn Quốc, tất cả các hoạt động đang diễn ra và các nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên đang nằm trong tầm với trước mắt.

Tuy nhiên, theo cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest J. Moniz, đây là một sự ảo tưởng và có thể mất 10 năm hoặc lâu hơn để làm suy yếu khả năng hạt nhân của Triều Tiên do có sự thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Trả lời phỏng vấn của Thời báo Hàn Quốc mới đây, Ernest J. Moniz cho rằng: "Sẽ mất một thập kỷ chứ không phải 1 năm. Chúng ta mới bắt đầu và sẽ còn lâu hơn nữa mới giải quyết được vấn đề này bởi còn thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên... người ta không thể thức dậy và nói họ tin tưởng nhau sau một đêm."

Việc một số báo đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong vòng 2 năm dường như làm Tổng thống Mỹ Donald Trump thấy "phấn khích" theo đuổi, đồng thời lấy đó làm chiến lược để lôi kéo cử tri Mỹ trong các cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Ông Moniz là nhà vật lý hạt nhân, làm việc cho cựu Tổng thống Barrack Obama, người đứng sau thỏa thuận hạt nhân giờ đây đang đổ vỡ với Iran và chính sách không hiệu quả "kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên, tư vấn cho chính quyền Tổng thống Trump: "Xin đừng tin và hãy kiểm chứng, kiểm chứng và kiểm chứng."

Lời khuyên này của ông phỏng theo câu tục ngữ của Nga "Tin tưởng song hãy kiểm chứng" đã trở nên nổi tiếng khi cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan sử dụng trong các cuộc đàm phán giải giáp vũ khí hạt nhân với Liên Xô trước đây.

Moniz lấy dẫn chứng từ Thỏa thuận Mỹ-Triều năm 1994, theo đó Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy sự giúp đỡ về kinh tế, song cuối cùng đã bị đổ vỡ.

Moniz đánh giá: "Đó là một văn bản chết yểu do không bao gồm nhiều sự hạn chế đối với bất kỳ hoạt động nào. Dĩ nhiên là nó đã không thể tồn tại lâu."

[Mỹ kêu gọi các nước thực thi đầy đủ lệnh trừng phạt Triều Tiên]

Nhà vật lý cho rằng thỏa thuận mới với Triều Tiên sẽ giống như "thỏa thuận với Iran dài 150 trang, rất cụ thể và bao gồm các biện pháp kiểm chứng rất chặt chẽ như chứng nhận những hành động phi hạt nhân hóa từng quý một."

Tuy nhiên, Moniz nhận định: "Tôi không phải là một người lạc quan thái quá song chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn có thể đảo ngược. Sẽ rất tồi tệ nếu chúng ta không đủ cởi mở để theo đuổi các cuộc đàm phán có thể dẫn tới những kết quả có ý nghĩa". Ông nhấn mạnh, bí quyết đàm phán phụ thuộc cách tiếp cận “từng bước” giúp Triều Tiên thấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân có kiểm chứng sẽ dẫn tới những sự đảm bảo an ninh quốc gia và nâng cao đáng kể cơ hội phát triển kinh tế của nước này. Ông nhận định: "Sẽ mất nhiều, nhiều năm để xây dựng lòng tin của cả hai bên. Lúc đó, tình hình an ninh khu vực sẽ tốt và Triều Tiên có thể phát triển như một nước gần như bình thường hơn."

Chuyên gia này cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải tính đến lợi ích của Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Khi được hỏi liệu Trung Quốc và Nga có quan tâm như Mỹ và Hàn Quốc trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay không, Moniz cho rằng: "Tôi thấy rõ các nước này không có lợi khi Triều Tiên có vũ khí hạt nhân. Việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phải đặt trong bối cảnh an ninh khu vực. Chúng ta có thể chờ mong Trung Quốc và Nga ủng hộ mục tiêu này song hai nước này sẽ ủng hộ theo hướng xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực mà họ chấp nhận được, nhất là việc Trung Quốc không mong muốn sự hiện diện quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục