Chuyên gia quốc tế nêu bật bài học từ sự phát triển của Việt Nam

Việt Nam đã và đang chủ động xây dựng những mối quan hệ kinh tế vững chắc với các nước phương Tây, với việc hoàn tất các hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ, Canada, Australia và châu Âu.
Chuyên gia quốc tế nêu bật bài học từ sự phát triển của Việt Nam ảnh 1Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trong bài viết mới đây trên báo Inquirer, ông Richard Heydarian, chuyên gia về chính trị, quan hệ quốc tế và Biển Đông thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Stratbase ADR (ADRi), khẳng định Việt Nam hiện là động lực kinh tế mang lại những bài học hữu ích cho các nước tương đồng.

Theo chuyên gia Heydarian, Việt Nam đã và đang chủ động xây dựng những mối quan hệ kinh tế vững chắc với các nước phương Tây, với việc hoàn tất các hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ, Canada, Australia và châu Âu, cũng như các nước phương Đông, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Ấn Độ và Nga.

Tác giả viết: “Trong hơn một thập kỷ qua, tôi đã chứng kiến Việt Nam chuyển mình như thế nào trong từng khía cạnh khác nhau của cuộc sống thường ngày. Trong khi xe tay ga từng chiếm ưu thế trên mọi con đường, giờ đây xe hơi Đức, xe thể thao đa dụng và xe sản xuất trong nước đã trở nên phổ biến ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.”

Chuyên gia Heydarian cũng nhắc đến sự kiện đáng chú ý rằng đầu năm nay, công ty ôtô VinFast của Việt Nam thông báo sẽ thành lập một khu phức hợp nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở Bắc Carolina để sản xuất xe điện cùng với nhiều thứ khác.

Một điểm ấn tượng khác được nhắc đến là việc các gã khổng lồ về công nghệ toàn cầu đang đặt cược vào Việt Nam. Mới đây nhất, lần đầu tiên trong lịch sử, Apple thông báo rằng các sản phẩm Macbook và Apple Watch sẽ được sản xuất thông qua Luxshare Precision Industry và Foxconn tại Việt Nam.

Ngày nay, hầu hết tất cả sản phẩm có thương hiệu, từ thời trang (Armani Exchange) và thể thao (Adidas) tới điện tử (Samsung), mang trên mình nhãn hiệu “Made in VietNam.” Đối với một đất nước đã phải vật lộn với nhiều thập kỷ chiến tranh tàn khốc trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, đây là một sự thay đổi lớn lao.

[Chuyên gia châu Âu đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam]

Tác giả nhấn mạnh có thể rút ra ba bài học từ sự phát triển của Việt Nam.

Bài học đầu tiên và quan trọng nhất là việc người Việt chú trọng đến giáo dục cơ bản, đặc biệt là toán và khoa học. Mặc dù vẫn là một quốc gia tương đối nghèo nhưng Việt Nam đã đứng thứ 8 trên thế giới khi lần đầu tiên được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có trụ sở tại Paris, đưa vào Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (Pisa) đầy uy tín. Điều đó có nghĩa là học sinh ở quốc gia Đông Nam Á này đánh bại phần lớn các quốc gia giàu có hơn về trình độ cơ bản đối với toán, khoa học cũng như khả năng đọc hiểu.

Nước láng giềng Philippines, vốn có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam cho đến gần đây, xếp cuối trên bảng Pisa.

Trong báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình trạng “khó khăn trong học tập,” đánh giá về khả năng đọc hiểu của học sinh tiểu học, tỷ lệ của Việt Nam chỉ là 18% trong khi Philippines lên tới 91%.

Chuyên gia quốc tế nêu bật bài học từ sự phát triển của Việt Nam ảnh 2Dây chuyền sản xuất ôtô của Công ty cổ phần liên doanh ôtô Hyundai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián Khẩu (Ninh Bình). (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Bài học thứ hai từ Việt Nam là sự kết hợp tối ưu giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực dịnh vụ như Ấn Độ và Philippines, hoặc các ngành công nghiệp khai thác như ở Indonesia, Việt Nam đồng thời trở thành một cường quốc cả về nông nghiệp và sản xuất.

Nhờ các chính sách chủ động về thương mại, công nghiệp và nông nghiệp, quốc gia Đông Nam Á này đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất của các loại lương thực chính như gạo, cũng như các thiết bị điện tử có giá trị gia tăng cao. Không chỉ vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 tấn công thế giới, buộc các nước phải áp đặt các biện pháp hạn chế, phong tỏa, nền kinh tế định hướng xuất khẩu này thậm chí đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương vào năm 2020.

Các chương trình quản lý dân số hiệu quả và nền kinh tế đa dạng của Việt Nam cũng giải thích tỷ lệ đói nghèo tương đối thấp so với các nước khác như Philippines. Mặc dù vẫn có vẻ mộc mạc, các thành phố lớn của Việt Nam không có sự bất bình đẳng gây nhức nhối, vốn rất dễ dàng cảm nhận trong các khu ổ chuột lớn ở nhiều nước trong khu vực như Manlia, Jakarta và Bangkok.

Bài học thứ ba từ Việt Nam là cách tiếp cận độc đáo với thế giới bên ngoài. Theo chuyên gia Heydarian, một mặt quốc gia Đông Nam Á đã “toàn cầu hóa” và mở cửa với thế giới dưới sự cải cách kinh tế Đổi Mới mà không làm ảnh hưởng đến các giá trị xã hội đích thực, văn hóa ẩm thực phong phú và kiến trúc khác biệt. Hơn thế nữa, Việt Nam đã chủ động xây dựng quan hệ kinh tế mạnh mẽ với tất cả các nước, từ phương Tây đến phương Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục