Chuyên gia: Sức mạnh quân sự và kinh tế củng cố vị thế bá chủ của Mỹ

Bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự khổng lồ và các ngành công nghiệp quốc phòng của mình, Mỹ kiểm soát các quốc gia thông qua việc biến các quốc gia trở thành những nước phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ.
Chuyên gia: Sức mạnh quân sự và kinh tế củng cố vị thế bá chủ của Mỹ ảnh 1Binh sỹ Mỹ tại tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria ngày 23/3/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ New Straits Times mới đây đăng bài bình luận của tác giả Mohamed Ghouse Nasuruddin, giảng viên Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế thuộc Đại học Sains Malaysia, trong đó đánh giá về sức mạnh của Mỹ cũng như chính sách toàn cầu của cường quốc số một thế giới này.

Theo nội dung bài viết, Mỹ “nắm” cả thế giới trong tay thông qua hàng loạt biện pháp về kinh tế, quân sự và giáo dục. Mỹ tự cho mình là người bảo vệ thế giới tự do.

Bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự khổng lồ và các ngành công nghiệp quốc phòng của mình, Mỹ kiểm soát các quốc gia thông qua việc biến các quốc gia trở thành những nước phụ thuộc vào sức mạnh quân sự cứng và mềm của Mỹ.

Mỹ không do dự trong việc tiến hành các hoạt động công khai hoặc can thiệp quân sự trực tiếp nhằm lật độ các chế độ được bầu dám đe dọa vị thế của Mỹ. Mỹ tự cho mình quyền sử dụng sức mạnh trong các chiến dịch quân sự.

Kho vũ khí hạt nhân áp đảo của Mỹ có vai trò ngăn chặn các quốc gia có ý định thách thức vị thế siêu cường toàn cầu của Mỹ.

[Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chế tạo máy bay tiêm kích F-35]

Để theo đuổi chương trình hành động toàn cầu của mình, Mỹ đã thiết lập hệ thống các căn cứ quân sự tại châu Âu, châu Á, Trung Đông và các đảo ở Thái Bình Dương.

Mỹ cũng gián tiếp mở rộng ảnh hưởng quân sự bao trùm của mình thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo nhân lực quân sự cấp cao cho các nước đang phát triển và phát triển.

Những nhân lực này sau khi nắm giữ các vị trí trọng yếu trong quân đội tại các nước sẽ giành ưu ái cho việc mua sắm vũ khí Mỹ và các hình thức hợp tác khác với Mỹ.

Mỹ nuôi dưỡng những tài sản hải ngoại như vậy để tiếp tục củng cố sự kiểm soát và mạng lưới của mình, thậm chí là sự lệ thuộc của các nước, chủ yếu là ở châu Á và Trung Đông cũng như một số nước Nam Mỹ.

Những nước mua trang thiết bị quân sự bị trực tiếp kéo vào vòng ảnh hưởng quân sự của Mỹ bởi Mỹ kiểm soát công tác bảo dưỡng và thay thế phụ tùng, thậm chí là triển khai các tài sản quân sự.

Tuy nhiên, Mỹ không bán những vũ khí quân sự tiên tiến nhất của mình cho các nước này, thay vào đó chỉ là các vũ khí đời cũ, trong khi một số nước với ngân sách quốc phòng ít ỏi thậm chí chỉ được nhận các loại vũ khí đã bị loại biên hoặc hết hạn.

Một khía cạnh quan trọng trong sự thống trị và quyền lực toàn cầu của Mỹ nằm ở sức mạnh kinh tế. Mỹ triển khai các nguồn lực kinh tế khổng lồ của mình để chi phối kinh tế thế giới. Mỹ áp đặt trừng phạt, được các đồng minh hỗ trợ, lên các nước “cứng đầu” dám thách thức hoặc đe dọa quyền lực toàn cầu của mình.

Iran, nước mà Mỹ cho là một quốc gia bất hảo dám đe dọa vị thế siêu cường của Mỹ tại Trung Đông, đã phải gánh chịu những lệnh trừng phạt hà khắc. Trung Quốc đã phải đối mặt với sự “phẫn nộ” khi Mỹ coi nước này là mối đe dọa mới nổi đối với sự thống trị về công nghệ của Mỹ thông qua Huawei.

Mỹ kích hoạt các biện pháp kinh tế, tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ và cấm bán công nghệ Mỹ cho Huawei. Động thái sau (cấm bán công nghệ) chỉ được dỡ bỏ sau khi Washington nhận thấy nó có thể tác động tiêu cực đến chính nước Mỹ.

Ở Trung Đông, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015. Mỹ tăng cường sự hiện diện của các lực lượng quân sự tại khu vực này bằng cách phái các tàu sân bay đến khu vực, thiết lập phi đội máy bay Stealth tại Qatar cũng như tăng cường binh sỹ. Đây là một nỗ lực nhằm buộc Iran phải quỳ gối cũng như nhằm kiểm soát nguồn dầu mỏ tại Trung Đông.

Sự chống đối và lo sợ đối với Iran đã trở nên kịch tính hơn khi nước này quyết định không sử dụng đồng USD và ủng hộ đồng euro trong giao dịch thương mại. Mỹ đã sử dụng đồng tiền của mình như một vũ khí nhằm kiểm soát các quốc gia cứng đầu.

Đồng USD đã trở thành một công cụ quyền lực và là một biện pháp ngăn chặn khi mà các hoạt động thương mại và tài chính trên thế giới chủ yếu được giao dịch bằng đồng tiền này. Tác động của việc này là vô cùng to lớn khi các nước không thể sử dụng đồng USD để giao thương với thế giới.

Thêm vào đó, Mỹ còn kiểm soát một loạt thể chế tài chính. Các ngân hàng Mỹ thông qua Bộ Ngân khố chi phối lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng chủ chốt của Mỹ mở chi nhánh và kết nối chặt chẽ với thương mại ở các nước. Các nước đều cần đến các ngân hàng Mỹ để mua bán USD và giao thương quốc tế. Khó có thể loại bỏ vị trí của đồng bạc xanh trong gần như tất cả các giao dịch quốc tế.

Chuyên gia: Sức mạnh quân sự và kinh tế củng cố vị thế bá chủ của Mỹ ảnh 2Đồng USD. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mỹ sẽ đàn áp bất cứ nước nào thách thức sự thống trị của đồng USD. Mỹ có quỹ, mạng lưới và hệ thống truyền thông để làm suy yếu đồng tiền của bất kỳ nước nào, qua đó gây hỗn loạn về kinh tế và bất ổn về chính trị cho quốc gia đó. Và thông qua đồng USD, Mỹ có thể thao túng tỷ giá theo chương trình hành động của mình.

Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để củng cố vị thế bá chủ toàn cầu và tạo dựng một mạng lưới kiểm soát cơ chế thương mại quốc tế cũng như các hoạt động mua bán vũ khí, chi phối các chương trình giáo dục, hệ thống bảo trợ hiệu quả thông qua hàng loạt chương trình viện trợ và tuyên truyền.

Theo nội dung bài viết, tương lai có thể xuất hiện một kịch bản khác với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường về kinh tế và quân sự cũng như các quốc gia mới nổi, những nước có thể không chấp thận hệ thống với vị trí bá chủ thuộc về Mỹ.

Tuy nhiên, chắc chắn Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các vũ khí quân sự và kinh tế của mình để làm suy yếu các quốc gia thách thức vị thế siêu cường của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục