Chuyên gia tại Singapore: Việt Nam đang trong quá trình 'Đổi mới 2'

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Minh Khương nhận định Việt Nam đang có những bước tiến rất ngoạn mục về hội nhập kinh tế, tại Việt Nam đã dấy lên một không khí cải cách mới, có thể tạm gọi là “Đổi mới 2.”
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngay sau khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng bế mạc, phóng viên TTXVN tại Singapore đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư-Tiến sỹ Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá về kết quả hội nghị và những ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế và đối ngoại của Việt Nam nhiệm kỳ mới.

Theo Phó Giáo sư Vũ Minh Khương, mặc dù được tiến hành trong một thời gian rất ngắn và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, Đại hội XIII vẫn diễn ra một cách trôi chảy, qua đó mang lại niềm tin nhất định và có thể xem là một thành công bước đầu.

Ông cũng cho rằng cần đợi 5 năm tới để có thể đánh giá cụ thể hơn về kết quả Đại hội.

Phó Giáo sư Vũ Minh Khương nhận định Việt Nam đang có những bước tiến rất ngoạn mục về hội nhập kinh tế. Tại Việt Nam đã dấy lên một không khí cải cách mới, có thể tạm gọi là “Đổi mới 2.”

Trong toàn xã hội, trong toàn Đảng đã ý thức rất rõ về khí thế trỗi dậy của dân tộc để đi đến phồn vinh, thịnh vượng, để trong vòng 25 năm tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm độc lập.

[Các nhà ngoại giao tin tưởng Việt Nam tiếp tục vững bước đi lên]

Trong bối cảnh này, ông Vũ Minh Khương cho rằng Việt Nam cần ưu tiên có một bộ máy công quyền ưu tú, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, điều phối được toàn bộ quá trình phát triển.

Ở cấp độ vi mô, các doanh nghiệp, người dân rất năng động, đã có những bước tiến rất ngoạn mục trong thời gian vừa qua và thực sự đáp ứng rất tốt với các chính sách tốt của chính phủ kiến tạo dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tiến sỹ Vũ Minh Khương cũng nêu bật 3 ưu tiên chiến lược lớn mà Việt Nam cần lưu ý.

Thứ nhất, Việt Nam cần chuyển từ tháo gỡ khó khăn sang xây dựng nền móng cho một quốc gia hiện đại, làm mọi việc để có thể trở thành một nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong vòng 25 năm tới.

Thứ hai, bên cạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, Việt Nam cần đồng thời tập trung hỗ trợ các doanh nghiêp tiến lên lập nên những kỳ tích mới.

Thứ ba là cần tuyển chọn được những cán bộ thực sự ưu tú phục vụ công cuộc phát triển của đất nước.

Về đối ngoại, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương cho rằng trong quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Đông Nam Á và các nước khác, Việt Nam cần chú trọng một kết quả tổng lực từ các mối quan hệ này, tức là không chỉ về ngoại giao mà còn cả về kinh tế và an ninh, để có thể tối đa hóa được những lợi ích../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục