Chuyên gia: Vai trò của đồng USD sẽ giảm xuống trong 10 năm tới

Theo chuyên gia, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số - hiện đang được thử nghiệm ở cấp độ bán lẻ tại Trung Quốc - có thể sẽ trở thành một phương thức thanh toán của hệ thống thanh toán quốc tế.
Chuyên gia: Vai trò của đồng USD sẽ giảm xuống trong 10 năm tới ảnh 1Đồng USD tại Washington D.C. (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Đồng USD sẽ đóng ít vai trò chi phối hơn trong 10 năm tới so với hiện nay do thị phần của nền kinh tế Mỹ trên thế giới ngày càng nhỏ hơn, đồng USD được “vũ khí hóa” và việc sử dụng các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.

Đó là nhận xét của ông Jeffrey Sachs - Giáo sư Kinh tế đồng thời là Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại Trường Đại học Columbia (Mỹ).

Đưa ra nhận định ngày 7/4, ông Jeffrey Sachs cho biết thị phần của Mỹ trong nền kinh tế thế giới sẽ ít hơn và vai trò của đồng USD sẽ tự nhiên giảm đi, bởi sự phát triển của các đồng tiền mạnh khác.

Hiện tại, hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD, trong đó có tới 50-60% giao dịch thanh toán quốc tế là bằng đồng USD hoặc dựa trên đồng USD, và khoảng 50% dự trữ quốc tế dựa trên đồng USD.

Thị phần mua hàng của Mỹ trong nền kinh tế thế giới vào khoảng 15%, do đó vai trò của đồng USD lớn hơn nhiều so với vai trò của nền kinh tế Mỹ, và mang tính chất lịch sử. Vai trò của đồng USD phản ánh sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là trong thế kỷ 20 - ông Sachs cho hay.

Khi đồng USD đã trở thành “vũ khí” chính trị của Mỹ trong chính sách dự trữ ngoại hối với nhiều nước trong đó có Iran, Nga và Venezuela, nhiều quốc gia không muốn giữ tiền bằng đồng USD nữa.

Nguyên nhân là do những lo ngại liên quan đến việc Mỹ sẽ tịch thu tiền tệ của họ, đặc biệt nếu họ có bất đồng chính sách đối ngoại nào đó với Mỹ - ông Sachs cho biết.

Thêm vào đó, vai trò của đồng USD chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại dựa trên đồng USD vì các khoản thanh toán phần lớn được giải quyết thông qua các ngân hàng thương mại.

[Đồng USD đối mặt triển vọng yếu đi khi chênh lệch lãi suất giảm dần]

Trong tương lai, các khoản thanh toán này sẽ được giải quyết thông qua các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, hiện đang được thử nghiệm ở cấp độ bán lẻ tại Trung Quốc, có thể sẽ trở thành một phương thức thanh toán của hệ thống thanh toán quốc tế - theo nhận định của ông Sachs.

Các nước Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ và Nam Phi trong tháng qua đều đang tìm kiếm những phương thức thanh toán thay thế, vì họ không muốn sử dụng hệ thống ngân hàng bằng USD.

Vai trò của đồng USD sẽ giảm đi và vai trò của đồng nhân dân tệ, đồng rupee, đồng rouble và các loại tiền tệ khác sẽ tăng lên trong tương lai - ông Sachs nhận định.

Một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga công bố đầu năm 2023 cho thấy lần đầu tiên đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã vượt qua đồng USD để trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất ở Nga.

Theo báo cáo, phần lớn các giao dịch ở Nga hiện được thực hiện bằng nhân dân tệ thay vì USD.

Sự chuyển đổi từ đồng USD sang đồng nhân dân tệ cho thấy Nga và Trung Quốc đang ngày càng phát triển mối quan hệ kinh tế và hợp tác trong các giao dịch thương mại và tài chính.

Trung Quốc tiếp tục nâng cao vị thế trong nền kinh tế toàn cầu và đồng nhân dân tệ của nước này cũng có vai trò ngày càng lớn.

Hiện đồng USD vẫn là một trong những loại tiền tệ phổ biến nhất và vẫn đóng vai trò quan trọng trong thương mại thế giới. Tuy nhiên, việc giảm thị phần ở Nga có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với vị thế của đồng USD trên thế giới - báo cáo cho biết.

Chuyên gia: Vai trò của đồng USD sẽ giảm xuống trong 10 năm tới ảnh 2Đồng nhân dân tệ đang có vai trò ngày càng lớn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một diễn biến liên quan, theo kết quả thăm dò mới đây của hãng tin Reuters đối với các chiến lược gia ngoại hối, giới đầu tư nhận định đồng USD sẽ suy yếu so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong năm nay, chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa các nước không còn nới rộng.

Diễn biến đó sẽ khiến đồng bạc xanh rơi vào thế phòng thủ sau nhiều năm tăng giá liên tiếp.

Mặc dù bắt đầu năm 2023 với nền tảng khá yếu, đồng USD đã bật mạnh trở lại vào tháng Hai với mức tăng gần 3% trong tháng. Thị trường khi đó kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cao hơn so với dự báo trước đây.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực của Mỹ vào tháng Ba đã buộc Fed phải hạ thấp những kỳ vọng đó, đẩy đồng bạc xanh giảm giá và xóa gần như toàn bộ mức tăng của tháng Hai.

Giới chuyên gia nhận định xu hướng đó có thể sẽ tiếp tục trong ngắn và trung hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục