Chuyện học và chơi của các em nhỏ xã vùng cao Cán Chu Phìn

Triển lãm “Em yêu cao nguyên đá” là sự kiện đầu tiên, nơi những cảm nhận và suy nghĩ của trẻ em một xã vùng sâu, vùng xa về cuộc sống xung quanh được thể hiện theo phương pháp kể chuyện bằng hình ảnh.
Chuyện học và chơi của các em nhỏ xã vùng cao Cán Chu Phìn ảnh 1Trưng bày các tác phẩm của các 'nhiếp ảnh gia nhí' ở Cán Chu Phìn. (Ảnh: Hoàng Thị Hoa/Vietnam+)

Những ngày trung tuần tháng 11, chúng tôi có dịp lên xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tham dự triển lãm ảnh mang tên “Em yêu cao nguyên đá.” Điều đặc biệt là những bức ảnh này được thực hiện bởi các “nhiếp ảnh gia” nhỏ tuổi của xóm Cho Do, trong đó có các em đang học, đã thôi học và không đi học.

Kể chuyện bằng hình ảnh

Triển lãm “Em yêu cao nguyên đá” là sự kiện đầu tiên, nơi những cảm nhận và suy nghĩ của trẻ em một xã vùng sâu, vùng xa về cuộc sống xung quanh được thể hiện theo phương pháp kể chuyện bằng hình ảnh (photo voice). Với những chiếc máy ảnh du lịch thông thường, các em vùng cao được hướng dẫn chụp ảnh theo những chủ đề các em quan tâm nhất và kể những câu chuyện gắn liền với bối cảnh chụp những bức ảnh đó.

Bức ảnh của Lầu Mí Co là ngôi trường 2 tầng mái đỏ khang trang được bao bọc xung quanh bởi những khóm ngô mọc chen những khe đá. Đây là một trong ba bức ảnh được nhiều em học sinh bình chọn. Co giải thích: “Em chụp trường của em, trường cơ sở xã Cán Chu Phìn. Em học lớp 7B, lớp em có 28 bạn đều là người Mông. Em rất yêu quý trường và các thầy cô giáo. Em mong muốn được học tiếp sau khi hết cấp hai. Em muốn học để hiểu biết thì người khác mới không chê...”

Vừ Thị Súng (13 tuổi) miêu tả bức ảnh của mình: “Em trai Vừ Mí Dình đang bế con dê con lên trên vách đá để theo mẹ. Vách đá cao, dê con còn nhỏ không theo được. Em năm nay mới học lớp 2, buổi sáng đến trường học, buổi chiều đi học về em phải thả bốn con dê ở nhà đi ăn cỏ. Em nuôi dê lớn để bố bán lấy tiền mua quần áo, giày dép cho em đi học. Ngoài ra em còn đi bẻ ngô giúp bố mẹ.”

Vừ Mí Vừ thì chụp người cô của em đang dệt vải để làm quần áo. Theo em, dệt vải là nghề quen thuộc với những người phụ nữ Mông. Dệt vải từ cây lanh gồm nhiều công đoạn khó khăn và phức tạp. Dệt vải không chỉ đánh giá về sản phẩm của vải mà nó còn thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Mông, tượng trưng cho gia đình, cho sức mạnh của người phụ nữ rất cần được gìn giữ và phát huy...

Chuyện học và chơi của các em nhỏ xã vùng cao Cán Chu Phìn ảnh 2(Ảnh: Hoàng Thị Hoa/Vietnam+)

Thày hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Cán Chu Phìn Hoàng Thanh Hải nhận xét những bức ảnh được tả một cách giản dị, chân thật nhưng cũng rất nghệ thuật, tôn vinh nét đẹp văn hóa đặc sắc, giữ gìn bản sắc, những nét đẹp truyền thống, giá trị sống, ý thức vươn lên của đồng bào nơi đây. Trong khuôn khổ triển lãm còn có gian trưng bày 13 bức tranh của 13 lớp do chính tự các em vẽ, thể hiện tình thầy trò, tình bạn bè, yêu trường, yêu lớp của trẻ em vùng cao rất độc đáo và đa dạng.

Chơi mà học

Cũng chụp ngôi trường Cán Chu Phìn hai tầng mái đỏ nằm giữa đồi quang trong nắng sớm cao nguyên từ bên ngoài vào nhưng Ly Thị Và (18 tuổi) không đến trường. Em cho biết: "Ngày nhỏ không có ai trông em bé nên em phải ở nhà. Thấy các bạn đi học em cũng thích nhưng không ai giúp bố mẹ trông em. Sau này các thầy cô vận động đi học, em không đi vì ngại mình lớn quá. Em chụp bức ảnh này vì thấy trường học đẹp quá, em rất muốn các bạn nhỏ đều được đi học."

Thày Hoàng Thanh Hải bày tỏ ấn tượng về bức ảnh của Ly Thị Và. Thày cho rằng tác giả đã đứng từ xa để chụp về ngôi trường, cùng với dòng kể chuyện của Và chú thích cạnh bức ảnh đã thể hiện sự khát khao được đi học của em. Tuy nhiên do hoàn cảnh khách quan nên em đã ở nhà phụ giúp bố mẹ.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là huy động các em độ tuổi từ 6-14 đến trường theo chuẩn quốc gia. Hiện nhà trường đạt mức huy động là 98%. Những em như Ly Thị Và hiện còn khoảng 2%. Những trường hợp này không nhiều nhưng nhà trường luôn sẵn sàng mở lớp chào đón các em."

Triển lãm ảnh mang tên “Em yêu cao nguyên đá” là một trong những hoạt động thuộc dự án “Hành động cùng trẻ em gái H'Mông,” phối hợp giữa Tổ chức Plan International, Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSee) cùng toàn thể thầy cô giáo và các em học sinh trường Cán Chu Phìn.

Hoạt động này được triển khai trong 8 tháng từ tháng 6/2015 đến tháng 1/2016 với 34 em được lựa chọn tại xã Cán Chu Phìn, trong đó có cả những em chưa được đến trường. Tuy thời gian không nhiều nhưng triển lãm ảnh đã mang đến cho các em cơ hội được bày tỏ mong ước và suy nghĩ của mình, đồng thời tạo thêm cơ hội để các em tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

Nhiều em dù lần đầu tiên cầm trên tay máy ảnh nhưng qua những buổi tập huấn cùng sự hướng dẫn của các tình nguyện viên, các em đã tự tin "tác nghiệp," cho ra đời những bức ảnh đẹp về gia đình, bạn bè và những khoảnh khắc cuộc sống xung quanh mình. Qua triển lãm, những thông điệp hay câu chuyện nhỏ đều được các em gửi gắm qua những bức hình đến xã hội và cộng đồng. Quan trọng hơn cả, các em đã biết đặt niềm tin vào bản thân, tin rằng nếu được hướng dẫn, các em sẽ tự mình làm được tất cả.

Bà Vũ Phương Thảo, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường cho biết tiêu chí chọn các em tham gia chụp ảnh là ngẫu nhiên. Với tiêu chí này, chương trình chọn một số em đang học ở trường và một số ở ngoài trường, một số không đi học, một số thì học xong cấp 2 rồi ở nhà, trong độ tuổi từ 13-18. Các bạn ngoài trường học không nói và viết tiếng phổ thông được thì thông qua cán bộ địa phương để trao đổi. Mục tiêu là đảm bảo các em trên địa bàn được tham gia tất cả các hoạt động. Bên cạnh tiêu chí ảnh đẹp thì em nào cũng phải có ảnh để không bị loại ra khỏi cuộc chơi và chứng tỏ mình cũng xứng đáng như bất kỳ bạn nào, từ đó xây dựng lòng tự tin, sự chủ động của các em.

Chuyện học và chơi của các em nhỏ xã vùng cao Cán Chu Phìn ảnh 3(Ảnh: Hoàng Thị Hoa/Vietnam+)

Nói về việc chơi mà học và cũng là để các em thêm tự tin, thêm phần ham học, tiến tới giảm hẳn tình trạng bỏ học giữa chừng, thày Hiệu trưởng Hoàng Thanh Hải cho rằng đưa văn hóa truyền thống vào trường học là chủ trương của tỉnh Hà Giang, học kỳ hai năm học 2015-2016, trường sẽ đưa vào chương trình chính khóa để các em học những chắt lọc từ văn hóa địa phương. Cụ thể về văn hóa có khèn Mông, khèn lá, múa ô; về thể thao có môn đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến...

Ông Sùng Mí Chả, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cán Chu Phìn cho biết: “Trước đây do nhiều gia đình còn khó khăn nên học sinh đang học phải về nhà giúp bố mẹ bẻ ngô, lấy củi. Kể từ khi có Quyết định 36 của Chính phủ năm 2013 hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì hầu như cán bộ xã và giáo viên không phải vận động nhiều, các cháu đi học đều và tốt hơn trước. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng một số học sinh sau giờ học, ăn uống xong bỏ về nhà, đi chơi.... Việc thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khóa, văn hóa, thể thao sẽ góp phần giữ các cháu ở lại trường để các cháu tập trung tốt hơn, vừa được chơi vừa là học”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục