Chuyện kiều hối và sự "kích cầu" thị trường nhà đất

"Câu chuyện kiều hối" giờ đã khác trước nhiều, khi kiều bào ta không chỉ gửi tiền về cho thân nhân tiêu dùng mà còn chuyển về cho những dự án đầu tư trong nước, trong đó có việc mua nhà, đất.

Việc Nhà nước có những quy định thông thoáng hơn cũng tạo thuận lợi cho kiều bào mua và sở hữu nhà, đất trong nước. Thế nhưng, thực tế điều này có làm tăng "nhiệt" thị trường bất động sản?
Tết cổ truyền đang đến rất gần. Bà con kiều bào đang hướng về quê hương bằng tình cảm và bằng cả những hy vọng đầu tư mới. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng vụ Quan hệ kinh tế-Khoa học công nghệ (Ủy Ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) xung quanh vấn đề kiều hối.

- Có một vấn đề nhiều người có quan tâm nhưng không mấy ai hiểu thật rõ đó là “câu chuyện về kiều hối,” xin ông có thể cho biết đôi nét về kiều hối hiện nay?


Ông Tạ Nguyên Ngọc: Bây giờ kiều hối đã không còn được hiểu đơn giản như ngày xưa nữa. Trước đây, kiều hối là ngoại tệ được người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi về cho thân nhân. Thời đó, chủ yếu là ngoại tệ kiều bào gửi về giúp đỡ gia đình ở trong nước có thêm tiền chi tiêu, sinh sống.

Bây giờ thì “câu chuyện kiều hối” đã khác. Ngay đối tượng gửi về cũng khác, không giới hạn trong những người Việt định cư ở nước ngoài mà cả người Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài. Vì có người hàng chục năm sinh sống, làm việc ở nước khác vẫn giữ hộ khẩu, quốc tịch Việt Nam.

Vì thế, kiều hối của người Việt Nam gửi về nước hiện còn là tiền đầu tư làm ăn chứ không chỉ gửi để thân nhân tiêu dùng.

- Con số thống kê kiều hối gần đây ra sao, thưa ông?


Ông Tạ Nguyên Ngọc: Thực tế, cũng rất khó thống kê chính xác. Con số nào đưa ra cũng là thống kê chưa đầy đủ. Hiện nay, 3.228 doanh nghiệp của kiều bào ta kê khai lượng ngoại tệ đầu tư cũng đưa đến con số 5-7 tỷ USD.

Nhưng ngay như một doanh nghiệp đầu tư ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã đưa ra con số 6-7 tỷ USD. Cũng cần hiểu là vốn đăng ký khác với vốn thực tế triển khai. Vì không ít khi đưa ra con số đầu tư mấy tỷ đô nhưng sau đó lại không đưa vào thực hiện được, hoặc thay đổi với mức vốn đầu tư thấp hơn nhiều.

Đầu tháng 12/2010 có nguồn đưa ra con số trên 7 tỷ USD, rồi gần đây có báo cáo bổ sung thêm để thành trên 8 tỷ USD vẫn là con số thống kê chưa đầy đủ. Thực chất con số này vẫn là con số cộng gộp từ báo cáo của các ngân hàng mà thôi. Cụ thể, hết tháng 11/2010, ước đoán 7,6 tỷ USD, đến tháng Mười hai cộng thêm hơn 700 triệu USD thì thành ra khoảng 8,3 tỷ USD. Trong khi đó thực tế, có nhiều số tiền chuyển qua các hình thức khác nữa.

- Xin ông cho biết về các hình thức chuyển tiền áp dụng phổ biến trên thực tế?

Ông Tạ Nguyên Ngọc:  Ví dụ như không chỉ có tiền gửi qua ngân hàng, bưu điện, khai báo khi mang qua cửa khẩu mà tiền mang về là tiền “cầm tay” nhưng chưa đến giới hạn phải khai báo cũng nhiều. Người nhà gửi về qua người thân, mà cầm dưới 7.000 USD thì không phải khai báo. Đó là chưa kể một hình thức cũng khá phổ biến như các gia đình trong nước có con học ở nước ngoài. Kiều bào ta ở bên đó chi cho người học, ở đây trả lại cho thân nhân của kiều bào…

- Có cách nào thu hút được nguồn kiều hối để có thể “nắm” một nguồn tài chính cho hoạch định kinh tế lớn?


Ông Tạ Nguyên Ngọc:
Sẽ là không thực tế nếu kêu gọi công khai hay thu hút nguồn lực kinh tế từ kiều hối. Song phải khẳng định rằng đây là nguồn tài chính lớn, ít nhiều có ý nghĩa bổ sung nguồn ngoại tệ, đóng góp tốt cho nền kinh tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì phần lớn các gia đình rút ra rồi đầu tư vào bất động sản, bổ sung cho nguồn vốn kinh doanh và không loại trừ có tham gia vào thị trường chứng khoán.

Nếu bây giờ có ai kêu gọi đầu tư đảm bảo an toàn mà lãi suất rất cao thì có thể thu hút được. Song thực tế không có được như vậy nên nguồn kiều hối vốn mang tính tư nhân rất khó thu hút  tập trung. Tuy nhiên, kiều hối luôn góp phần không nhỏ vào việc giúp kinh tế tăng trưởng.

- Vâng, “dân giàu nước mạnh” đang là một mục tiêu của chúng ta, nhưng việc đầu tư vào bất động sản của kiều bào gần đây có biến động gì lớn không, thưa ông?

Ông Tạ Nguyên Ngọc: Không có biến động lớn. Chắc nhà báo muốn nhắc đến Nghị định 71 về cho phép kiều bào tham gia mua bất động sản. Song phải nói ngay rằng nếu kiều bào ta có điều kiện mua nhà đất thì đã mua rồi, không phải đợi đến khi được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam mới mua.

Kiều bào đã gửi, nhờ thân nhân đứng tên mua mua nhà và quyền sử dụng đất từ trước. Tuy nhiên, cũng có thể thấy việc được công khai, chính thức sở hữu nhà và quyền sử dụng đất sẽ bớt được mọi tranh chấp, khiếu kiện và thuận lợi hơn.

- Như vậy là khác với dự đoán của các văn phòng tư vấn nhà đất về việc Việt kiều sẽ đổ xô về mua nhà ở và quyền sử dụng đất?
   
Ông Tạ Nguyên Ngọc: Theo chúng tôi tìm hiểu thì không có biến động đột biến gì. Thị trường bất động sản cũng không vì kiều bào được phép sở hữu chính thức mà "nóng" lên như đã có kiểu dự báo “kích cầu.” Tôi muốn nói thêm là giá nhà đất ở trong nước khá cao và số đông kiều bào ta cũng không thật giàu có đến mức để sẵn tiền chờ có quy định được sở hữu bất động sản là ào ào về nước mua nhà khiến “sốt” thị trường nhà, đất.
 
- Xin trân trọng cảm ơn ông!


Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục