Chuyện mạng tuần qua: Chuyện không còn là của Công Phượng

Nghi án "Công Phượng quá tuổi" có lẽ đã không còn là chuyện của làng bóng đá mà đã trở thành vấn đề xã hội có sức tác động rất lớn từ sau những loạt phóng sự của chương trình Chuyển động 24h trên VTV.
Chuyện mạng tuần qua: Chuyện không còn là của Công Phượng ảnh 1Chương trình VTV24 phát sóng lúc 11 giờ 15 ngày 16/11 có phát phóng sự về chuyện tuổi thật của Công Phượng (Ảnh chụp màn hình)

Nghi án "Công Phượng quá tuổi" có lẽ đã không còn là chuyện của làng bóng đá mà đã trở thành vấn đề xã hội có sức tác động rất lớn từ sau những loạt phóng sự của chương trình Chuyển động 24h trên VTV.


Hàng trăm bài báo, vô số status và comment xuất hiện trên mạng về nghi vấn tuổi của Công Phượng và dần định hình “chiến tuyến” mà người viết tạm gọi là phe “vì tài năng” và phe “vì sự thật”. 

Cả hai đều đưa ra những lý lẽ của mình và khi câu chuyện chưa đến hồi kết thì bí ẩn về số tuổi của Công Phượng vẫn là một bức màn kỳ lạ. Nhưng nếu xét trên khía cạnh đạo đức hay pháp lý, thì dường như Công Phượng chỉ là nạn nhân trong vụ việc này, bất chấp việc anh sinh năm 1993 hay 1995.

Sai sót tư pháp?

Nếu việc gian lận tuổi Công Phượng là có thật thì đó cũng chẳng là điều gì mới mẻ trong bóng đá Việt Nam cũng như ở một số trường hợp khác ngoài bóng đá.

Nếu chương trình Chuyển động 24h của VTV chứng minh được có việc gian lận tuổi Công Phượng thì sẽ có không ít cán bộ tư pháp cấp xã, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Các hồ sơ khai sinh, học bạ của Công Phượng hay bất kỳ công dân Việt Nam nào đều là tài sản quốc gia. Người được giao nhiệm vụ gìn giữ tài sản ấy không thể mở mồm nói mất là được. 

Nhưng việc gian lận tuổi Công Phượng (giả sử là có) cũng không phải là trách nhiệm của cầu thủ này. Bởi nếu tính thời điểm năm 2005 thì Công Phượng chỉ là một cậu bé 12 tuổi - lứa tuổi chưa phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Và giả sử rằng việc gian lận tuổi Công Phượng vì một lý do nào đó thì có lẽ vụ việc không phải chỉ là trách nhiệm của một hay vài cán bộ tư pháp trong khu vực huyện Đô Lương.

Phải chăng đó là lỗi của những người mắc bệnh thành tích, hay lỗi của những người biến trẻ em thành công cụ thỏa mãn bệnh thành tích của mình!

Ngược lại, nếu Công Phượng đúng thực sự sinh năm 1995 là đó là lỗi của các cán bộ tư pháp xã, huyện. 

Khủng hoảng truyền thông

Có một sự thật là dù nghi án Công Phượng quá tuổi chưa được làm rõ song đã xuất hiện một cuộc khủng hoảng truyền thông, không chỉ trên mạng xã hội mà cả trên mặt báo. Các báo đưa các thông tin đối nhau chằm chặp và các nhà báo thì lên mạng xã hội tranh luận với nhau, lẫn với độc giả. Thậm chí là chỉ trích nhau dưới “lớp áo” tranh luận.

Nhưng thay vì phải dùng luận cứ, luận chứng để chứng minh lý lẽ của mình đúng. Tiếc thay, khi những người tham gia bắt đầu sỉ vả nhau bằng những tính từ và những góc nhìn cảm tính thì cuộc tranh luận đã biến thành tranh cãi. Và thứ dễ xuất hiện nhất trong một cuộc tranh luận giàu cảm tính là phương pháp ngụy biện, ngay cả trên mặt báo.

Khi viết về chuyện này, một tờ báo uy tín đã giật tít “Có gì mà ầm ĩ?” và trong bài báo có đoạn “Nói như "bầu" Ðức, ai muốn biết tuổi thật của Công Phượng "thì cứ về quê cầu thủ này, gặp Công an xã mà hỏi". Một câu nói có thể là "ngang tàng", nhưng dù sao nó cũng thể hiện những đặc điểm của một xã hội pháp quyền: Kết luận sự việc này thuộc về cơ quan chức năng; và HAGL đã nắm chắc những cơ sở hậu thuẫn cho sự trong sạch của họ - những người chỉ quản lý Công Phượng theo giấy khai sinh và chứng minh nhân dân. Nếu muốn kết tội, cần phải đưa ra được bằng chứng thật sự thuyết phục.” Thật chí lý!

Nhưng cũng trong bài báo ấy lại trích nguyên văn câu của ông Đoàn Nguyên Đức: “Công Phượng không đá bóng giỏi, không nổi tiếng thì chắc không có rắc rối gì đâu. Thậm chí tôi cũng không loại trừ có những thành phần ganh ghét dựng chuyện để hạ thấp danh dự của nhau. Tôi thấy chuyện này cứ để công an vào cuộc điều tra thì biết ngay, ai sai nấy chịu. Tôi dám khẳng định một điều, chúng tôi không hề gian dối hay tiếp tay cho những tiêu cực này. Nói thật nhé, ngày mai nếu có ai chứng minh Công Phượng bỗng dưng 30 tuổi thì cũng chẳng sao cả. Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG có tiêu chí đào tạo cầu thủ giỏi, không quan tâm tới chuyện tuổi tác.” Vẫn thật chí lý, trừ việc nếu U19 Việt Nam vừa rồi không phải bị loại từ vòng bảng mà trở thành nhà vô địch U19 châu Á và sau đó Công Phượng bị phát hiện gian lận tuổi thì danh dự của bóng đá Việt Nam liệu có còn...

Dù vậy, ít ra thì ông Đoàn Nguyên Đức không rút lại lời nói như cách một số tờ báo rút đi một vài chi tiết trong bài viết hoặc “đổ thừa” bị "hack" những lời phản cảm khi giới thiệu chương trình của mình.

Và nếu vì nhân danh đạo đức để một số khác kêu gọi Công Phượng hãy lên tiếng thì xin thưa: Chả có ai khi mới lọt lòng mẹ đã có nhận thức mình sinh chính xác ngày tháng năm nào.

Thế nên, cũng chả trách việc nhiều nhà báo than thở rằng điều đáng quan tâm hơn đối với xã hội không phải là chuyện tuổi của Công Phượng, mà là những vấn đề nóng đang được nêu lên tại diễn đàn Quốc hội.

Lời tòa soạn: Mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung cũng như báo chí nói riêng, như một kênh thông tin với những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Chuyên mục “Chuyện mạng tuần qua” được lập ra nhằm phản ánh khách quan những vấn đề đang được cộng đồng mạng quan tâm, quan điểm trong bài viết không phản ánh quan điểm của tòa soạn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục