Chuyên nghiệp hóa hoạt động công chứng, chứng thực

Sau 6 năm thực hiện Luật Công chứng, hoạt động công chứng được phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, hướng tới hội nhập quốc tế.
Sáng 5/9, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về “Hoạt động công chứng, chứng thực - thực trạng và giải pháp” để Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức hữu quan báo cáo, giải trình, cung cấp thông tin về việc quản lý hoạt động công chứng, chứng thực thời gian qua.

Hoạt động này nhằm phục vụ cho hoạt động giám sát của Ủy ban và việc thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng. Phiên giải trình được phát thanh, truyền hình trực tiếp đế cử tri cả nước quan tâm, theo dõi.

Hoạt động công chứng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hoạt động công chứng trong thời gian qua luôn được Bộ quan tâm chú trọng. Sau khi Luật Công chứng được triển khai, hoạt động công chứng được phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, hướng tới hội nhập với hoạt động công chứng của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Số lượng công chứng viên phát triển nhanh, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. So với thời điểm trước khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành, đội ngũ công chứng viên tăng từ 393 công chứng viên lên 1.327 người (tăng 3,4 lần), 564 văn phòng công chứng đã được thành lập trong tổng số 704 tổ chức hành nghề công chứng.

Bên cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những sai phạm trong hoạt động công chứng cũng được Bộ Tư pháp quan tâm, thực hiện, qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong hoạt động công chứng, xử lý 276 trường hợp vi phạm.

Về trách nhiệm bồi thường trong hoạt động công chứng, hiện có 425/564 Văn phòng công chứng đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên của tổ chức mình.

Báo cáo của các địa phương cho thấy đến thời điểm hiện tại chưa xảy ra trường hợp bồi thường nào của các công chứng viên trong hoạt động công chứng. Tuy nhên, trong thực tế đã có một số trường hợp công chứng viên sai phạm đã thỏa thuận bồi thường cho người yêu cầu công chứng theo nguyên tắc tự nguyện mà không đưa đến Tòa án giải quyết...

Hoạt động công chứng cũng đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau 6 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước đã hành nghề được khoảng 7 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được là gần 2.600 tỷ đồng, tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa, các hội công chứng ở địa phương bước đầu đã được thành lập, tiến tới thành lập tổ chức công chứng toàn quốc để phát huy vai trò tự quản của các công chứng viên...

Tuy vậy, hoạt động công chứng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như một bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dẫn đến các sai sót trong hoạt động; một bộ phận tổ chức hành nghề công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân nên thiếu tính ổn định, bền vững.

Bên cạnh đó, một số Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chứng thực của nhân dân, có hiện tượng quá tải trong việc chứng thực bản sao ở một số nơi, một số thời điểm; việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch về bất động sản từ Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Nghị định số 88/2009/NĐ-Cp ban đầu còn lúng túng trong tổ chức thực hiện...

[Thẩm tra dự Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng]

Bộ Tư pháp kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng và xem xét, đưa việc xây dựng Luật chứng thực vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và cử tri cả nước tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát việc thực hiện Luật công chứng, pháp luật về chứng thực và các pháp luật có liên quan...

Hướng đến việc nhờ các hội công chứng quản lý các tổ chức hành nghề công chứng

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Bùi Sỹ Cương, Ngô Văn Minh về vấn đề xã hội hóa hoạt động công chứng, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết việc xã hội hóa hoạt động công chứng mới được thực hiện từ giữa năm 2007 đến nay.

Đây là vấn đề mới nên tư duy và công tác quản lý chưa theo kịp. Khi ban hành Luật Công chứng (2006) chưa lường hết được những phát sinh trong quá trình xã hội hóa, vì vậy thời gian đầu, Bộ Tư pháp và các tỉnh thành phố còn lúng túng trong việc quản lý. Tổ chức hành nghề công chứng khác với các loại hình doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp nếu quá khó khăn có thể giải thể, thậm chí phá sản. Nhưng tổ chức hành nghề công chứng thì "như một sản nghiệp", người quản lý có thể không làm nữa nhưng văn phòng công chứng vẫn phải tồn tại vì trách nhiệm của văn phòng công chứng và công chứng viên đối với khách hàng là suốt đời. Do vậy cần có quy hoạch để phát triển.

Năm 2010, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020." Từ khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch (cuối năm 2012), việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng ở các địa phương đã dần dần đi vào nền nếp.

Đối với cơ chế vận hành hoạt động của các văn phòng công chứng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu rõ: Theo "Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020", Thủ tướng đã có quy định từ nay đến 2015, hạn chế việc thành lập các phòng công chứng Nhà nước.

Đến năm 2020, các phòng công chứng phải chuyển đổi thành các tổ chức hành nghề công chứng. Đồng thời, các phòng công chứng Nhà nước phải dần chuyển sang tự chủ về tài chính theo đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp. Phần lớn các phòng công chứng ở địa phương đã có sự chyển đổi, chỉ có một số nơi như ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, nhà nước phải hỗ trợ nên chưa thực hiện được việc này.

Giải đáp lo ngại của đại biểu Lê Anh Sơn về việc mục tiêu của "Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020" là đến 2020 sẽ có khoảng 1.700 tổ chức hành nghề công chứng sẽ dẫn đến việc quản lý các tổ chức hành nghề công chứng này sẽ dần xa rời sự quản lý của Bộ Tư pháp, đẩy sự rủi ro nhiều cho người dân không, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: Việc quản lý các tổ chức hành nghề công chứng cần hướng tới nhờ các hội công chứng thực hiện sẽ tốt hơn, giống kinh nghiệm đã thực hiện đối với luật sư.

Chấn chỉnh vi phạm trong hoạt động tổ chức hành nghề công chứng

Đại biểu Bùi Sỹ Cương đặt vấn đề công chứng viên là nghề đòi hỏi tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao nhưng thực tế hiện nay chất lượng của các công chứng viên còn rất khác nhau.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết Luật Công chứng đã quy định một số trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng, vì vậy dù nắm được vấn đề nhưng Bộ không thể từ chối việc bổ nhiệm. Sai phạm trong hoạt động công chứng có tới 80% là người được miễn đào tạo hành nghề công chứng.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công chứng, yêu cầu các công chứng viên có nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm.

Qua lớp bồi dưỡng, các công chứng viên sẽ được tăng cường các kỹ năng, kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, một số nơi đã thành lập hội công chứng, hoạt động có hiệu quả, tích cực. Bộ Tư pháp cũng sẽ báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh tiêu chuẩn đầu vào của các công chứng viên; đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, tăng cường quản lý đội ngũ công chứng viên.

Đồng tình với đại biểu Lê Anh Sơn về việc báo cáo của nhiều địa phương chưa phản ánh được đúng thực tế những sai phạm trong hoạt động công chứng hiện nay, Bộ trưởng hà Hùng Cường nhấn mạnh Bộ Tư pháp đã có công văn yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thanh tra toàn bộ văn phòng công chứng hoạt động trên địa bàn.

Tuy nhiên, mới có 8 tỉnh, thành phố báo cáo lại Bộ. Sau khi có báo cáo đầy đủ của tất cả các tỉnh, thành phố, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức thanh tra một số địa phương để đánh giá đúng về hoạt động công chứng.

Về lâu dài, cần có sự kết hợp giữa quản lý nhà nước với hội công chứng. Bộ trưởng nêu rõ cần có quy định về tổ chức Hội công chứng để giúp cho việc quản lý nhà nước về hoạt động công chứng.

Đối với thực trạng giá cả của các tổ chức hành nghề công chứng hiện nay còn bị "thả nổi", không thống nhất, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích theo Luật Công chứng, dịch vụ công chứng được chia thành 3 giá dịch vụ. Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư liên tịch quy định chi tiết các dịch vụ này.

Ngoài mức phí dịch vụ công chứng, thù lao dịch vụ đã được niêm yết rõ ràng còn có mức chi phí khác. Đây là chi phí không được niêm yết mà thực hiện theo phương thức thỏa thuận giữa công chứng viên và khách hàng. Đây chính là kẽ hở dễ lợi dụng. Nếu phát huy tốt hội công chứng tự quản thì vấn đề thu phí công chứng sẽ dần dàn đi vào nền nếp.

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đánh giá cao Chính phủ, Bộ Tư pháp, các tổ chức, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để các tổ chức hành nghề công chứng, chức thực hoạt động, phát triển tốt.

Tuy nhiên việc chất lượng, tiêu chuẩn, yêu cầu trình độ đối với hoạt động này cần được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng như tổ chức hành nghề công chứng cần có giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng bất cập để các tổ chức hành nghề công chứng được phát triển theo quy hoạch, kế hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển chung, tạo thuận lợi cho người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp cần đẩy mạnh việc chuẩn bị, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Công chứng để trình Quốc hội xem xét, thảo luận trong kỳ họp tới./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục