Chuyện người Mỹ tìm mộ quân nhân Việt Nam

Câu chuyện kể về chuyến đi của một cựu binh Mỹ sang Việt Nam để tìm mộ các chiến sĩ cộng sản hy sinh trong trận đánh ở Đắc Tô.
Trước giờ biểu diễn “Đêm nhạc truyền thống Việt Nam” tại trụ sở của Hội châu Á ở New York (Mỹ) tối 21/4/2010, chúng tôi được Đại sứ Bùi Thế Giang - Phó trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc - giới thiệu với ông Dermot McGrath - điều phối viên của dự án hợp tác giữa các đối tác Mỹ với Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội.

Ông McGrath đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cảm động về chuyến đi qua nửa vòng Trái đất của ông và một cựu binh Mỹ sang Việt Nam để tìm mộ các chiến sĩ cộng sản hy sinh trong trận đánh ở Đắc Tô thời chiến tranh Việt Nam.

“Tôi làm việc cho Hội Chữ thập Đỏ ở Long Island (New York, Mỹ),” ông Dermot McGrath bắt đầu câu chuyện.

“Bạn tôi, Robert Etherson, nguyên là trung tá của quân đội Mỹ. Hiện nay, Robert và tôi cùng làm việc trong đội cấp cứu của Hội Chữ thập Đỏ. Robert đã tham gia trận đánh ở Đắc Tô năm 1967 và chứng kiến chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968.

Sau khi từ chiến trường Việt Nam trở về năm 1971, Robert luôn nói rằng người Mỹ lẽ ra không nên tham gia vào cuộc chiến này.

Một hôm, chúng tôi nói chuyện với nhau về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Robert rất ít khi nói tới chuyện này, Robert hiểu rằng người Mỹ đã sai lầm khi đưa quân tới Việt Nam, nhưng không muốn thừa nhận sự thật đó.

Năm 2004, tôi đọc một bài báo trên tờ Thời báo New York kể về một quân nhân Việt Nam tự nguyện tới Sứ quán Mỹ ở Hà Nội giúp đội tìm kiếm binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) tìm lại hài cốt của một sĩ quan Mỹ và chuyển bộ hài cốt ấy về cho gia đình anh ta ở bang Texas.

Tôi đưa bài báo ấy cho Robert và hỏi: "Ông còn nhớ nơi chôn cất các binh sĩ quân đội Việt Nam ở Đắc Tô chứ?." Robert gật đầu. "Ông vẫn còn cảm thấy tội lỗi chứ?," tôi hỏi tiếp. "Đúng," Robert thừa nhận.

Và bài báo ấy đã khuyến khích Robert cùng tôi quay lại Việt Nam, giúp tìm hài cốt của những chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong trận Đắc Tô, vì chính Robert đã chôn cất họ.

Năm 2006, tôi cùng Robert trở lại Việt Nam, bằng tiền của chính mình, ông McGrath kể tiếp. Chúng tôi bay từ New York, qua Frankfurt, Singapore rồi tới Hà Nội.

Từ Hà Nội chúng tôi đáp máy bay vào Đà Nẵng rồi từ Đà Nẵng đi Plâyku. Chúng tôi thuê một chiếc xe Jeep cùng một hướng dẫn viên đi Kon Tum rồi từ đó tới Đắc Tô. Chúng tôi đã tìm lại được hài cốt của các chiến sĩ Việt Nam.

Khi đó, Robert đã quỳ xuống trước hài cốt của các chiến sĩ Việt Nam xin tha thứ. Sau chuyến sang Việt Nam ấy, Robert cảm thấy nhẹ nhõm. Như một thứ bệnh nghề nghiệp, ngay trong chuyến đi này, chúng tôi đã tới thăm Bệnh viện Việt Đức, trung tâm giải quyết các ca chấn thương ở Hà Nội.

Là những người phục vụ trong đội cấp cứu của Hội Chữ thập Đỏ, chúng tôi thấy rõ những thiếu thốn về thiết bị cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức và muốn giúp khắc phục một phần tình trạng này.

Ngay khi trở về từ Việt Nam, chúng tôi đã vận động các bệnh viện, các công ty thiết bị y tế và các nhà tài trợ ở khu vực New York trợ giúp, quyên góp và chuyển một số thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu cho Bệnh viện Việt Đức.

Chúng tôi cũng đã tổ chức cho một số bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức sang Mỹ trao đổi về kinh nghiệm cứu thương với các đồng nghiệp Mỹ.

Năm ngoái, chúng tôi lại mở quan hệ với Trường Trung học phổ thông Trưng Vương, Hà Nội và nếu thuận lợi, 15 học sinh của trường sẽ sang Mỹ vào mùa hè này để nghe các bác sĩ và y tá Mỹ tại các bệnh viện ở New York hướng dẫn phương pháp sơ cứu người bị tai nạn giao thông trong thời gian khoảng hai tuần.

Chúng tôi có ý định thực hiện các chương trình trao đổi kiểu này hàng năm, không chỉ nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa những người làm công tác cấp cứu như chúng tôi, mà còn muốn góp phần nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Chúng tôi tin rằng các hoạt động trao đổi này là quan trọng, vì người dân hai nước cần hiểu thêm về văn hóa của nhau. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam cho thấy, chúng tôi đã không hiểu văn hóa Việt Nam.

Tôi sẽ viết một cuốn sách về chủ đề này, để nói với người Mỹ rằng hai nước chúng ta có văn hóa khác nhau và đây là một trong những nhân tố quyết định kết cục của cuộc chiến.”/.

Hữu Nghị (Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục