Chuyện những ngư dân vượt phong ba bão táp Biển Đông

Những ngư dân ở đảo Lý Sơn chính là những người đang ngày đêm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, họ vẫn còn thiếu nhiều kiến thức và trang thiết bị về y tế.
Chuyện những ngư dân vượt phong ba bão táp Biển Đông ảnh 1Bến đỗ neo đậu của hàng trăm chiếc tàu cá trên đảo Lý Sơn. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Những ngày cuối tháng Năm, trên bầu trời với cái nắng chói chang, Lý Sơn như một hòn đảo đang bừng sáng trong nắng đầy sức sống.

Trong cái nắng gắt gần 40 độ C, vừa đưa tay gạt từng giọt mồ hôi chảy dài trên má, trên trán, anh Dương Đức Thắng (xã An Hải, huyện Lý Sơn) vừa cho hay: “Trên biển khi đi đánh bắt cá hàng tháng trời, trong đoàn cũng có trường hợp bị thương do mắc cánh tay vào mạn thuyền, vào lưới... nhưng chúng tôi cũng sơ cứu được, tuy nhiên có nhiều trường hợp do không có đủ đồ thiết bị y tế nên cũng khó khăn.”

Thiếu kiến thức về y tế

Trải dài trên bờ biển xanh ngắt như ngọc bích, ấn tượng đầu tiên với đảo Lý Sơn là cảnh hàng trăm chiếc thuyền đánh cá đang neo đậu san sát nhau tại những bến đỗ.

Hòn đảo Lý Sơn dường như thanh bình với những con người đang ngày đêm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Tâm sự về những chuyến tàu cá khi ra khơi, ngư dân Dương Đức Thắng (48 tuổi) cho hay, ông đã có gần 30 năm gắn bó với nghề đánh bắt cá trên biển. Nhà ông có ba cha con đều ra khơi trong một chuyến tàu và thường đánh bắt ở khu vực biển Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng chủ yếu ở khu vực biển Hoàng Sa.

Người ngư dân với thân hình cao to, nước da ngăm ngăm sạm đi vì gió và muối biển cho biết, một năm tàu cá của ông đi khoảng 9 chuyến, mỗi chuyến hơn 1 tháng, đa phần hoạt động đánh bắt cá diễn ra ở vùng biển Hoàng Sa. Trên tàu thường có 17 người trong một lần ra khơi.

Nói về những tình huống có thể xảy ra khi tai nạn trên biển, ngư dân Thắng tâm sự: “Mình biết những tai nạn khi đi đánh bắt xa bờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong đó thường hay xảy ra nhất là tai nạn khi lặn. Vì nghề chúng tôi thường phải lặn sâu, một số trường hợp khi ngoi lên vì thiếu ôxy, người và chân tay bị tê liệt, phải hồi sức dần dần.”

Ông Thắng cho hay, hành trang để chăm sóc sức khỏe đội tàu ông thường mang theo gồm thuốc ho, giảm đau, cảm cúm... Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước và ngành y tế để ngư dân yên tâm hơn nữa khi ra khơi.

Ngồi chờ hồi lâu mới đến giờ giải lao của buổi tập huấn cho ngư dân cách sơ cứu khi bị nạn, tôi có dịp hỏi chuyện nghề, chuyện đánh cá với ngư dân Lê Thạnh (45 tuổi, thôn Tây, xã An Hải). Ông Thạnh trải lòng, trong mỗi chuyến đi biển, tai nạn mà đội tàu của ông hay gặp phải nhất là do lặn sâu xuống biển.

“Đi trên biển trong tàu nếu có trường hợp nào bị thương thì mọi người sẽ thấy khu vực nào gần bờ thì đưa nạn nhân vào để kịp thời sơ cứu và cấp cứu. Trên biển anh em biết khả năng tới đâu thì làm tới đó. Tai nạn thường gặp là do lặn. Có trường hợp bị tai biến liệt cơ thể,” ngư dân Thạnh cho hay.

Kể về những trường hợp nguy hiểm do tại nạn xảy ra khi lặn biển, ông Thạnh chỉ rõ, nghề lặn không thể biết trước được nguy hiểm. Có người lặn xuống lâu khi lên bờ gặp tình trạng thiếu ôxy, có người bất tỉnh, mặt mũi xa xẩm thì kịp thời đưa họ cấp cứu, có người lên không bị làm sao nhưng có người lên bị tê liệt chỉ có cách chạy vào bờ để cấp cứu.

Trên tàu cá của ông Thạnh mỗi lần ra khơi có 14-15 người trên đó, có năm đi đánh cá xảy ra 5-6 vụ tai nạn do lặn biển. Tuy nhiên, đây là những vụ bình thường, đội tàu kịp thời hô hấp cho anh em nên không nguy kịch. Đã có trường hợp nặng cả thuyền phải dời khu vực đánh cá để vào đất liền, đảo ngay tức khắc để kịp thời điều trị.

Chuyện những ngư dân vượt phong ba bão táp Biển Đông ảnh 2Ngư dân sửa soạn lại tàu trước khi ra khơi. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Ngư dân Dương Văn Giàu (sinh năm 1975) thì tâm sự tàu của anh hay đi đánh bắt cá ở biển Hoàng Sa. Mỗi năm anh đi 6 chuyến, mỗi chuyến tháng rưỡi với 12 người. Có trường hợp nạn nhân là người nhà bị thương trên tàu thì chính người nhà của người bị thương đó sẽ cảm thấy hoảng loạn và không biết cách sơ cứu, do vậy những người còn lại phải dùng kinh nghiệm của mình để cứu chữa.

Những chia sẻ trên cũng là nỗi niềm trăn trở của hầu hết các ngư dân đang ngày đêm bám biển khi họ vẫn còn thiếu kiến thức và các dụng cụ y tế trang bị trên tàu khi vượt sóng biển ra đại dương xanh.

Thoát khỏi những định kiến

Huyện đảo Lý Sơn nằm phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có lợi thế về kinh tế biển và ngành du lịch.

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm vừa qua, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện đảo Lý Sơn Phạm Thị Hương cho hay, khai thác thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện nay, toàn huyện có 426 chiếc tàu thuyền với công suất 47.045 CV, với tổng số lao động trực tiếp trên biển là 3.112 người, trong đó có khoảng 150 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với tổng số 1.704 lao động. Phần lớn các tàu thuyền đánh bắt xa bờ khai thác chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa với nghề lặn cá, hải sâm là chính.

Bà Hương cho hay, trong năm 2013 có 225 ngư dân và từ đầu năm đến nay có 125 ngư dân khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa bị các lực lượng chức năng Trung Quốc xua đuổi, ngăn cản và đập phá lấy tài sản, ước tổng thiệt hại hơn 4.681 triệu đồng (năm 2013 là 3,8 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2014 là 881 triệu đồng.)

Đặc biệt, gần đây nhất là sau sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên biển Đông, việc đảm bảo an toàn cho những ngư dân đang ngày đêm bám biển làm kinh tế và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc ngày càng trở nên cần thiết.

Vì vậy, vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức ba khóa huấn luyện cấp cứu ban đầu trên biển cho ngư dân tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và tặng 300 tủ thuốc cho 300 tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân huyện đảo Lý Sơn.

Chuyện những ngư dân vượt phong ba bão táp Biển Đông ảnh 3Những ngư dân tham gia vào thực hành các tình huống cấp cứu khi gặp nạn trên biển. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Một bác sỹ của Viện Y học biển Việt Nam cho biết, nhiều ngư dân chưa nắm được những kỹ thuật sơ, cấp cứu đúng. Vì vậy, những chấn thương do tai biến nặng như những ngư dân lặn sâu tới 60 mét, áp suất đè nặng người lớn, khi lên phần lớn những trường hợp được dạy truyền lại không đúng quy trình dẫn tới một loạt tai biến nặng. Nhẹ thì đau cơ khớp, liệt, nặng hơn hôn mê, vỡ phổi tử vong ngay khi lên khỏi mặt nước.

Trong căn phòng cấp 4 với diện tích chừng hơn 30 mét vuông, những bác sỹ tại Viện Y học biển Việt Nam nhiệt tình giảng giải những biện pháp sơ cứu ban đầu khi gặp phải trên biển.

Gần 20 ngư dân chăm chú theo dõi những bước làm để trang bị thêm kiến thức khi đi tàu. Tuy nhiên, khi giảng viên đề xuất hai ngư dân lên biểu diễn, thực hành thật những tình uống ép tim, hô hấp nhân tạo thì tuyệt nhiên không một ai đứng lên. Suốt 15 phút đồng hồ diễn ra trong im lặng như vậy, gần 20 ngư dân chỉ cười trừ và né tránh không muốn lên.

Cảm thấy lạ lùng, bác sỹ Lương Xuân Tuyến - Trưởng khoa Khám, chữa bệnh và quản lý sức khỏe thuyền viên, Viện Y học biển Việt Nam chia sẻ, trong buổi học đầu tiên, nhân viên của Viện hết sức bối rối và cảm thấy như mình đang bị thất bại vì không một ngư dân nào hưởng hứng thực hành.

Tuy nhiên, không thể để tình trạng đó, qua rất nhiều cuộc điện thoại hỏi han, tư vấn, cuối cùng những nút thắt của vấn đề cũng được giải tỏa.

“Những ngư dân họ kiêng không muốn bị băng bó, bị làm nạn nhân của những trường hợp tai nạn thương tích trên biển. Vì vậy, nhân viên của Viện chúng tôi phải đóng là chính những người bị nạn, để cho ngư dân họ diễn tập, thực hành các thao tác sơ cứu khi gặp tình huống xấu.” bác sỹ Tuyến phấn khởi chia sẻ.

Vì vậy, qua khóa học như thế này, những ngư dân sẽ được trực tiếp các bác sỹ chỉ tay, cầm việc thực hành từng các tình huống sơ cứu khi gặp nạn trên biển. Từ đó, những tai nạn thương tích ấy được xử trí đúng cách và giảm được nguy cơ tử vong, giảm được dị tật có thể và giảm đau đớn cho bệnh nhân, kéo dài tuổi đời, tuổi nghề cho ngư dân đi biển.

Hồ hởi chia sẻ cảm nhận sau khóa tập huấn, ngư dân Dương Đức Thắng cho hay: “Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước và ngành y tế để ngư dân yên tâm hơn nữa khi ra khơi. Đặc biệt, sau lớp tập huấn, chúng tôi có thêm kiến thức để xử lý các tình huống tốt hơn để tiên lượng tốt hơn về tình trạng ốm đau, sức khỏe và tai nạn thương tích trên biển để có sức khỏe để bám biển dài ngày.”

Cuộc sống của những người ngư dân vất vả phải đối mặt với nhiều là vậy, còn với những chiến sỹ trên đảo Lý Sơn mặc áo blouse trắng cũng có những khó khăn không kém./.

Bài 2: Những người tiếp sức mạnh đôi bờ hải đảo, đất liền

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục