Chuyển nhượng Premiership: Khủng hoảng, chợ vẫn đông?

Tình hình băng giá tồi tệ nhất trong 18 năm qua ở xứ sở sương mù khiến kỳ chuyển nhượng mùa Đông lay lắt sang thêm ngày hôm qua để nhiều bản hợp đồng kịp hoàn tất. Nó phần nào giúp phiên chợ thêm sôi nổi và khi khép lại, kỷ lục 150 triệu bảng năm ngoái bị phá vỡ.

Tình hình băng giá tồi tệ nhất trong 18 năm qua ở xứ sở sương mù khiến kỳ chuyển nhượng mùa Đông lay lắt sang thêm ngày hôm qua để nhiều bản hợp đồng kịp hoàn tất. Nó phần nào giúp phiên chợ thêm sôi nổi và khi khép lại, kỷ lục 150 triệu bảng năm ngoái bị phá vỡ.
 
Cho đếnhiện tại, Premier League vẫn chưa chính thức thông qua vụ chuyển nhượng Andrei Arshavin từ Zenit St Petersburg sang Arsenal. Nếu Arsene Wenger kịp có cầu thủ sẽ khoác áo số 23 tại Emirates này, tổng giá trị chuyển nhượng sẽ là 175 triệu bảng. Đây là một con số khá hài lòng trong bối cảnh có những lo ngại rằng thị trường sẽ èo uột bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
 
Theo thống kê của hãng tư vấn kinh doanh Deloitte, trong hơn 1 tháng qua, các đội bóng đã ném 160 triệu bảng vào chuyện mua sắm cầu thủ. Nó cho thấy xu hướng chi tiêu ngày càng tăng nếu so sánh với các thị trường mùa Đông những năm trước (năm 2008 là 150 triệu, năm 2007 là 60 triệu, năm 2006 là 70 triệu, năm 2005 là 50 triệu, năm 2004 là 50 triệu và năm 2003 là 35 triệu).
 
Có được con số ấn tượng năm nay, Premier League phải cảm ơn Tottenham và Manchester City. Chỉ riêng hai đội bóng này đã chiếm hơn nửa với hơn 50 triệu bảng cho Manchester City và 45 triệu bảng cho Tottenham. Hãy thử tượng nếu vụ shopping đình đám Kaka của “trọc phú” Manchester City thành công thì với trị giá tới 150 triệu bảng, chỉ riêng hợp đồng đó đã bằng cả thị trường mùa Đông năm ngoái!
 
Xu hướng đắt giá cũng xuất hiện khi có tới 6 bản hợp đồng hơn 10 triệu bảng (nếu tính cả vụ Arshavin là 7). Trước năm nay, Premier League mới chỉ ghi nhận 6 vụ chuyển nhượng có giá trị hơn 10 triệu bảng trong mùa Đông kể từ khi phiên chợ giữa mùa giải này ra đời tháng 1/2003. Tổng 6 chữ ký trên 8 chữ số này chiếm tới 90 triệu bảng, tức hơn nửa giá trị của cả kỳ chuyển nhượng. Nhưng đáng nói là không có cái tên nào thực sự thuyết phục được người hâm mộ rằng họ xứng đáng với khoản tiền “hoành tráng” đó. Người ta thậm chí còn cười cợt khi Man City chi tới 14 triệu bảng cho Craig Bellamy và 11 triệu bảng cho Wayne Bridge.
 
Những con số “ảo”
 
Premier League có thể tự hào khi quyền lực “shopping” của mình một lần nữa được khẳng định. Tổng cộng thị trường chuyển nhượng mùa Đông của La Liga, Serie A, Bundelisga và Ligue 1 cũng không bằng được một mình giải Ngoại hạng. Song, nếu phân tích kỹ, đằng sau những con số hoành tráng đó, người ta vẫn thấy nét nhăn nhó bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu không buông tha cả sân cỏ.
 
Tổng giá trị chi tiêu thực tế của Premier League (tổng tiền mua trừ đi tổng tiền bán) chỉ là 32,92 triệu bảng, chưa bằng phân nửa con số này năm ngoái là 67,5 triệu bảng. Phần lớn các vụ mua bán vẫn chỉ diễn ra lòng vòng trong nội bộ (chiếm 85 triệu bảng). Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là việc đồng bảng Anh mất giá quá nặng nề chỉ còn ngang ngửa đồng euro, khiến các cầu thủ châu Âu đắt hơn tới 25% so với mùa Đông năm ngoái.

Giờ đây, các câu lạc bộ phải bỏ ra thêm 2,5 triệu bảng cho một vụ chuyển nhượng chỉ là 10 triệu bảng hồi tháng Giêng 2008. Điều đó lí giải tại sao lực lượng ngoại binh đến Premier League giảm mạnh chỉ còn chiếm 40% tổng số vụ chuyển nhượng trong tháng qua (cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này là hơn 60%).
 
Tình trạng kinh tế u ám chung cũng khiến nhiều đội bóng chọn lựa hình thức mượn cầu thủ thay cho mua đứt. Năm nay, số vụ mượn cầu thủ tăng lên chiếm tới 37% tổng số vụ chuyển nhượng trong khi năm ngoái chỉ là 17%. Một trong những vụ mượn cầu thủ đáng chú ý xảy ra trong ngày cuối cùng của thị trường mùa Đông là Chelsea có được Ricardo Quaresma.
 
Không chỉ Chelsea, những “đại gia” còn lại cũng im ắng. Arsenal mua Arshavin trong thế chẳng đặng đừng. Liverpool bán vội Robbie Keane và không có thêm gương mặt nào. Manchester United tiếp tục chính sách đầu tư trẻ với bộ đôi Toran Tosic và Adam Ljacic từ Partizan Belgrade.
 
Tạm biệt thị trường chuyển nhượng mùa Đông. Đón chào sự lên ngôi của những ông Vua shopping mới như Man City. Nhưng nếu phải nhận định một cách chính xác tháng hỗn loạn vừa qua thì thật khó. Có người cho rằng sức khỏe “tiền bạc” của Premier League vẫn vững vàng dù toàn cầu khủng hoảng nhờ hợp đồng bản quyền truyền hình hậu hĩnh và lượng khán giả đến sân vẫn ổn định. Nhưng cũng có nhận xét rằng quyền lực này đang lung lay. Có lẽ, phải chờ đến kỳ chuyển nhượng mùa Hè, bức tranh tài chính của bóng đá Anh mới rõ nét hơn./.
 
Trung Sơn (TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục