Chuyện “thời tiền sử” của ngành di động Việt Nam

Khởi đầu khó khăn, sau 20 năm MobiFone trở thành một trong những mạng di động lớn nhất Việt Nam với hàng triệu khách hàng thân thiết.
20 năm trước mạng di động đầu tiên của Việt Nam - MobiFone khởi thủy chỉ có một tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm BTS tại Hà Nội với những chiếc máy điện thoại đầu tiên mệnh danh là cục gạch di động với giá đến cả nghìn USD. Công nghệ cho mạng di động đầu tiên? Từ năm 1991 đến 1993, ở châu Âu đã triển khai công nghệ di động tế bào công nghệ số GSM. Tuy nhiên, ở thời điểm đó công nghệ này còn đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa được thương mại hoá rộng rãi. Lúc này, thế giới đã đưa vào sử dụng các hệ thống di động tế bào khoảng 20 năm nhưng hầu hết dùng công nghệ analog. Khi ấy, Tổng cục Bưu điện đứng trước tình huống nhu cầu thông tin di động đã xuất hiện nhưng lựa chọn công nghệ nào phù hợp với Việt Nam? Nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng Tổng cục Bưu điện đã quyết định chọn công nghệ số để thẳng tiến tới công nghệ hiện đại và đồng bộ mạng lưới từ nội hạt, truyền dẫn đều sử dụng công nghệ số. Vì vậy, công nghệ thông tin di động được chọn lựa là GSM. Cũng tại thời điểm đó, có một số ý kiến đề xuất nên chọn công nghệ di động vệ tinh toàn cầu với ưu điểm là đi khắp nơi trên thế giới đều có thể sử dụng được cho dù thiết bị đầu cuối to hơn các công nghệ khác một chút. Thời kỳ này, công nghệ di động vệ tinh được đầu tư mạnh ở Mỹ và châu Âu. Các nhà cung cấp dịch vụ đã bắn khoảng hơn 60 quả vệ tinh tầm thấp (tương tự như trạm phát sóng di động - BTS) lên quỹ đạo vệ tinh cách trái đất khoảng 10.000km (vệ tinh) để đảm bảo sự chuyển vùng cho các thuê bao di động. Ông Mai Liêm Trực, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện cho biết: “Mặc dù quyết tâm đi theo con đường công nghệ số GSM, song thực tiễn lúc đó rất khó khăn do công nghệ này đang gặp khó khăn trong thương mại hóa, thiết bị đầu cuối chưa hoàn thiện và giá cực kỳ đắt đỏ, tới hàng nghìn USD/chiếc.” Vị chuyên gia này cũng cho hay, ngoài các yếu tố về thị trường, công nghệ, thiết bị đầu cuối thì vấn đề được đưa ra cân nhắc đó là chọn mạng GSM sẽ giúp quản lý tốt hơn và triển khai mạng di động vệ tinh. Vì vậy, quan điểm của Tổng cục Bưu điện là vẫn phải xây dựng mạng di động thông tin mặt đất GSM. Sau này, chính sự thận trọng đó đã giúp chúng ta tránh được rủi ro khi công nghệ di động vệ tinh thất bại. Trong khi đó, giá thành thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối giảm đi rất nhanh nên mạng GSM được thương mại hóa và phát triển mạnh trên toàn cầu. “Bài học rút ra là không phải vấn đề công nghệ mà chính thị trường sẽ quyết định sự thành công cho nhà khai thác như MobiFone,” ông Mai Liêm Trực nói. Thử nghiệm di động: Vui như trảy hội Sau khi quyết định chọn công nghệ GSM cho mạng di động đầu tiên của Việt Nam, Tổng cục Bưu điện đã giao cho Bưu điện Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai. Ông Hoàng Thanh Chung, Nguyên Phó Giám đốc Bưu điện Hà Nội nhớ lại, sau khi khảo sát lựa chọn địa điểm cùng với các chuyên gia Alcatel (Pháp), mạng sơ bộ ban đầu được hình thành gồm 7 trạm thu phát sóng (BTS). Do thiết bị nhập về chậm hơn dự kiến nên đến tháng 5/1993 mới lắp đặt thiết bị và điều chỉnh, cuối tháng 7/1993 chính thức vận hành thử nghiệm. Chỉ là những lần kiểm tra thử nhưng không khí ở các nhà trạm BTS đã vui như hội. Chuyên gia, kỹ thuật viên bắt tay nhau chúc mừng khi lần đầu được nghe giọng nói của người thân khi đi trên đường. Ông Chung cũng cho biết thời điểm đó các thiết bị đầu cuối cực kỳ khan hiếm vì lô hàng đầu chỉ có 71 máy, vừa to vừa nặng, sau đó thêm 114 máy nữa nên thời đó ai sử dụng điện thoại di động được coi là “VIP”, “đại gia”. Sau đó ít lâu, MobiFone được thành lập và mạng di động GSM đầu tiên của Việt Nam được Bưu điện Hà Nội bàn giao cho MobiFone vận hành, khai thác.
Chuyện “thời tiền sử” của ngành di động Việt Nam ảnh 1
Sự kiện chúc mừng thuê bao thứ 30.000 của mạng MobiFone – năm 1996 (Nguồn: VMS)

Thành lập mạng di động đầu tiên Ngày 16/4/1993, MobiFone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức được thành lập. Ở thời điểm đó, thông tin di động còn là khái niệm xa lạ với đa số người tiêu dùng. Trong hai năm đầu tiên, MobiFone gặp phải nhiều khó khăn bởi kinh nghiệm xây dựng và khai thác mạng chưa có, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Mạng MobiFone ban đầu chỉ có một tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm BTS tại Hà Nội và một tổng đài 6.400 số với 6 trạm BTS tại khu vực phía Nam, phủ sóng 4 địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Long Thành, Vũng Tàu. Ở thời điểm đó số lương thuê bao của mạng di động này không nhiều do vùng phủ sóng hạn chế và giá cước cũng như thiết bị đầu cuối còn đắt. Điện thoại di động rất khan hiếm, giá thành mỗi chiếc máy khoảng 1.000 USD. Khan hiếm máy đã đành, tiền thuê bao và cước cuộc gọi cũng rất đắt, phí hòa mạng 200 USD/ thuê bao, thuê bao tháng khoảng 30USD, cước cuộc gọi cho nội hạt Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội là 0.3USD/ phút; Riêng với các cuộc gọi liên tỉnh, mức cước phí là 0.3USD/ phút + cước liên tỉnh. Ông Mai Liêm Trực cho hay, lúc mới thành lập, MobiFone trực thuộc Tổng cục Bưu điện và nằm ngoài VNPT. Khi thành lập các Tổng công ty 91, Tổng cục Bưu điện chủ trương đưa MobiFone vào VNPT cùng với các công ty trong khối công nghiệp. Từ 1995, khi MobiFone chính thức thành lập Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Comvik (Thụy Điển) để cùng xây dựng và khai thác mạng thông tin di động, mạng này bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Comvik đã chuyển giao kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, nguồn vốn... giúp MobiFone khẳng định đẳng cấp trên thị trường. Sau 20 năm phát triển tại thị trường Việt Nam, di động đã trở thành dịch vụ không thể thiếu với hầu hết người dân Việt Nam. Phát biểu tại buổi làm việc mới đây với MobiFone, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, thị trường viễn thông Việt Nam năm 2012 rất khắc nghiệt, có nhiều doanh nghiệp phải ra đi hoặc hoạt động cầm chừng. Thế nhưng, viễn thông vẫn là ngành ngẩng cao đầu thắng trên sân nhà và liên tục giảm giá dịch vụ cho người dùng. Những năm qua, ngành viễn thông đã đưa điện thoại di động từ vật xa xỉ trở thành bình dân, mang tri thức thông tin đến với bà con vùng sâu, vùng xa và nối liền khoảng cách biển đảo với đất liền. Viễn thông cũng là ngành đi đầu trong việc thực hiện tốt nhất cuộc vận động người Việt dùng hàngViệt. Và MobiFone đã góp phần quan trọng làm nên kết quả đó trong suốt 20 năm qua./.
16/4/2013 đánh dấu bước phát triển 20 năm xây dựng và phát triển củaMobiFone – đơn vị cung cấp dịch vụ di động đầu tiên của Việt Nam. Hãy cùng điểm lại những dấu mốc quan trọng của MobiFone trong thời gian qua:

- 1993:Thành lập Công ty Thông tin di động, Giám đốc: Ông Đinh Văn Phước

- 1994:Thành lập Trung tâm Thông tin di động Khuvực I & II

- 1995: Công ty Thông tin di động ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Tập đoàn Kinnevik/ Comvik (ThụyĐiển)

Thành lậpTrungtâmThông tin di động Khu vực III

- 2005: Công ty Thông tin di động ký thanh lý Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Tập đoàn Kinnevik/ Comvik.

Ông Lê Ngọc Minh lên làm Giám đốc Công ty thay Ông Đinh Văn Phước (về nghỉ hưu)

- 2006: Thành lập Trung tâm thông tin di động Khu vực  IV

- 2008: Thành lập Trung tâm thông tin di động Khu vực V& Trung tâm  Dịch vụ Giá trị Gia tăng Kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty

Tính đến tháng 04/2008, MobiFone đang chiếm lĩnh vị trí số 1 về thị phần thuê bao di động tại Việt Nam.

- 2009: MobiFone chính thức cung cấp dịch vụ 3G;

Thành lập Trung tâm Tính cước và Thanh khoản.

- 7/2010: Chuyển đổi thành Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

- 2011: Đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước trao tặng

- 2013: Kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục