Chuyện tiền lẻ, tiền mới và vai trò của ngân hàng

Ngân hàng không thể đáp ứng đủ nhu cầu đổi tiền lẻ người dân vì sẽ tạo ra sự “dư thừa” và mất cân đối về cơ cấu mệnh giá sau Tết.

Tuy nhiên, việc "kinh doanh" đồng tiền của Nhà nước "siêu lợi nhuận" đang diễn ra công khai đã cho thấy cần đến biện pháp quản lý của các ngành, các cấp liên quan chứ không thể chỉ đơn giản coi đó là việc "đổi tiền chẵn, lấy tiền lẻ!"
Cứ đến hẹn lại lên, thị trường tiền lẻ, tiền mới giáp Tết lại "sốt sình sịch" do nhu cầu đổi tiền mới để lì xì con trẻ chúc phúc trong dịp Tết theo phong tục cổ truyền Việt Nam  và đi lễ chùa chiền trong ngày đầu năm. Chuyện nhà nhà, người người... đua nhau đi đổi tiền lẻ, tiền mới đã trở thành một "quy luật" bất biến.

Tuy nhiên, lựợng tiền lẻ, tiền mới do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành vào những tháng cuối năm có hạn nên hiện tượng "khát" tiền lẻ, tiền mới vẫn xảy ra triền miên. Những loại tiền mệnh giá nhỏ đặc biệt là từ 5.000 đồng trở xuống bỗng trở thành một vật phẩm “đắt giá” trong ngày Tết, nhất là ở thành phố lớn.

"Ðau đầu" cả ngân hàng lẫn nhân viên, người nhà

Loại tiền mà các "thượng đế" cần nhất là những tờ tiền mới có mệnh giá 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000, 20.000 đồng.

Chị Cao Hải Vân là nhân viên Ngân hàng Công thương, dù không có nhu cầu nhiều về tiền lẻ, tiền mới nhưng bao giờ cũng trong tình trạng "khát" tiền vì những người xung quanh nhờ đổi hộ.

"Vợ chồng nhiều lúc bất hòa cũng chỉ vì thứ tiền này. Ngay cả khi đang say giấc đêm đông cũng có chuông điện thoại của người quen gọi để nhờ đổi tiền mới mệnh giá càng nhỏ càng tốt. Thực sự đến những ngày Tết là tôi bị áp lực ghê gớm, công việc chuyên môn đã bù đầu, nay lại phải nhờ cậy chỗ nọ, chỗ kia để đổi. Chỉ mong trên Ngân hàng Nhà nước dội về toàn tiền lẻ, tiền mới thôi," chị Vân than thở.

Không chỉ riêng những người làm trong ngân hàng mới được “quan tâm” trong những ngày này, mà ngay cả những người là anh, chị em của người làm trong ngân hàng hoặc những người có nhiều mối quan hệ với ngân hàng những ngày này cũng bận rộn với việc nhiều người nhờ đổi tiền hộ không kém.

Năm nào cũng thế, biết chị Lê Kim Nhung có mối quan hệ với các ngân hàng thông qua giao dịch hàng ngày nên đồng nghiệp gần như là “ép” chị Nhung phải đổi hộ tiền, buộc chị phải lấy thế “khách hàng thân thiết” để nhờ vả nhân viên ngân hàng. Chị Nhung cho biết, nhiều khi cũng ngại lắm nhưng cũng vì nể mọi người trong cơ quan nên đành muối mặt vậy.

Nhiều cán bộ ngân hàng than vãn, đổi một vài triệu đồng đã khó, mà đổi đến vài trục triệu đồng lại càng khó hơn. Thôi thì đủ lý do để đổi, nào là mừng tuổi ông bà, nào là mừng tuổi con cháu. Đặc biệt hơn là đi mừng tuổi cô giáo và lãnh đạo bằng tiền lẻ.

Mừng tuổi và chúc Tết bằng các phong bao tiền mệnh giá nhỏ được ví như "kem đánh răng collgate ba tác động." Trong thời buổi giá cả tăng vù vù, mua gói quà trị giá 100.000 đồng, hay 200.000 đồng không thể trông đợi nó sang và đẹp. Còn với tiền lẻ mới chỉ với hai cọc mệnh giá 500 đồng, hay hai cọc mệnh giá 1.000 đồng là có thể ung dung bỏ vào bì thư tặng đối tượng. Ngay cả lời nói để trao quà xem ra cũng dễ dàng hơn. Thậm chí, người nhận quà còn mừng quýnh lên ấy chứ. Bởi ai mà chẳng có mẹ, có vợ, có họ hàng và Tết thì ai chẳng cần tiền đi lễ hay mừng tuổi.

"Thượng đế" nào đổi được tiền lẻ, tiền mới?

Đã 7 năm nay, cứ gần Tết là phó giám đốc phụ trách kho quỹ của Agribank Hà Nội Lê Đình Nhâm có thêm một đầu việc: Lập danh sách phân chia tiền mới, tiền lẻ. Công việc này được thực hiện trên một bảng excel  trước Tết đến cả tháng và luôn phải "điều chỉnh." Khi có tiền mới về, dựa trên bảng tính này ông Nhâm lại phân chia ra lượng và loại tiền cụ thể cho từng đơn vị thậm chí đưa ra những phiếu phát tiền mà phải có chữ ký của ông mới được xuất.

Mặc dù có sử dụng dịch vụ của SeAbank nhưng bà Phạm Thị Liên ở Nam Đồng không dễ gì thuyết phục nhân viên ở phòng giao dịch của ngân hàng này đổi cho 2 triệu đồng tiền lẻ. Vừa nghe nói đến việc đổi tiền, nhân viên ở đây đã từ chối khéo: “Cô ơi, hiện giờ chúng cháu cũng còn chưa đổi được đồng nào chỉ có các sếp mới có chỉ tiêu đổi tiền lẻ thôi, nên mong cô thông cảm ra ngoài đổi giúp cháu nhé.”

Đề cập vấn đề đổi tiền lẻ, nhân viên một chi nhánh của SHB cũng trả lời thẳng thắn: “Khách thường không đổi được tiền lẻ đâu chị ạ, chỉ có khách VIP hoặc phải có người quen mới thể đổi được.”

Một vị lãnh đạo của Techcombank cũng cho biết, do số lượng tiền tập trung vào một số mệnh giá nên cũng rất khó khăn cho phía ngân hàng. Chúng tôi phải ưu tiên cho những khách hàng đã có nhiều giao dịch với ngân hàng trước đã.

Một số chi nhánh các ngân hàng lại dùng việc đổi tiền lẻ để thu hút khách gửi tiền tiết kiệm. Nhân viên một chi nhánh của Ngân hàng SeABank cho biết: Bọn em không có tiền lẻ đổi cho khách vãng lai, mà chỉ có chính sách đổi tiền lẻ cho những khách hàng gửi tiền tiết kiệm, gửi nhiều thì đổi càng được nhiều.”

Vai trò của ngân hàng Nhà nước và nhà quản lý

Ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, cùng với việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước thường chi ra một lượng nhất định tiền mới, trong đó có tiền mệnh giá nhỏ để đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, ông Thành không tiết lộ cụ thể lượng tiền là bao nhiêu.

Ông Thành cho rằng, nếu mọi người cùng đổi tiền trong một thời gian ngắn để sử dụng trong ngày Tết thì nhu cầu tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ tăng đột biến, tạo áp lực rất lớn đối với cơ quan phát hành và hệ thống ngân hàng. Như vậy khi Tết qua đi sẽ taọ ra sự “dư thừa” và mất cân đối lớn về cơ cấu mệnh giá, ảnh hưởng đến công tác điều hòa lưu thông tiền mặt của hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước. Do đó Ngân hàng Nhà nước phải chủ động điều hòa nhu cầu Tết và cơ cấu tiền mặt để hạn chế những tác động bất lợi này đối với lưu thông tiền tệ.

Nhưng trong khi ngay các ngân hàng thương mại không có tiền mới, tiền lẻ đổi cho khách hàng thì ngoài "chợ đen" các mệnh giá "tuyệt hiếm" lại không hề thiếu. Ví dụ, khi gần như không ngân hàng nào cả nhà nước lẫn thương mại không hề có mệnh giá 20.000 đồng tiền mới, thì tại trước cửa đền Công đồng Bắc Lệ (Bắc Giang) mệnh giá này nguyên đai nguyên kiện niêm phong của ngân hàng được bày bán công khai. Theo quan sát của phóng viên nhẩm nhanh cũng cỡ vài trăm triệu đồng. Các mệnh giá khác, từ 500 đồng đến 50 nghìn đồng, tiền nào cũng có.

Nói về "nghịch lý" này, ông Thành khẳng định, việc một số cá nhân lợi dụng nhu cầu về tiền mới của dân chúng để làm dịch vụ đổi tiền cũ lấy tiền mới hưởng chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật về tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước đã có quy định bằng văn bản quán triệt cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống không được lợi dụng việc đổi tiền cũ lấy tiền mới vì các mục đích trục lợi cá nhân và  chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đổi tiền hưởng chênh lệch, gây ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc "kinh doanh" đồng tiền của Nhà nước "siêu lợi nhuận" đang diễn ra công khai đã cho thấy cần đến biện pháp quản lý của các ngành, các cấp liên quan chứ không thể chỉ đơn giản coi đó là việc "đổi tiền chẵn, lấy tiền lẻ!"

Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục