“Chuyện tuổi già”: Thử sống chậm để hiểu hơn tâm tư tuổi xế chiều

Bao tâm tư chất chứa những giá trị sống để công chúng có thể 1 lần dành đôi chút thời gian xem, suy ngẫm và ít nhiều rút ra những bài học, kinh nghiệm cho bản thân để sau này không phải nói "giá như."
“Chuyện tuổi già”: Thử sống chậm để hiểu hơn tâm tư tuổi xế chiều ảnh 1Triển lãm đã tái hiện được cuộc sống cũng như tâm tư của những người cao tuổi sống trong trung tâm dưỡng lão. (Ảnh: X.Mai/Vietnam+)

Ghi lại những tâm sự về niềm vui, hạnh phúc, nỗi buồn và sự cô đơn của các cụ già sống trong trung tâm dưỡng lão bằng hình ảnh, là nội dung của triển lãm “Chuyện tuổi già” vừa khai mạc sáng nay (30/9), tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội.

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, 33 nhân vật là những lão niên được lựa chọn để tự kể câu chuyện về đời mình với những ước mơ, tâm sự của tuổi xế chiều.

Bao tâm tư giản dị chất chứa những giá trị sống để công chúng có thể một lần dành đôi chút thời gian xem, suy ngẫm và ít nhiều rút ra những bài học, kinh nghiệm cho bản thân để sau này không phải nói “giá như…”

Bởi trong thực tế xã hội ngày nay, những người cao tuổi luôn thấy lạc lõng giữa cuộc sống hối hả khi những người con, người cháu còn mải ngược xuôi với công việc, học hành. Có những cụ tâm sự rằng họ cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Câu hỏi đặt ra là, đã bao giờ mỗi người trẻ trong chúng ta thử sống chậm lại, đặt mình vào thế giới ấy để thấu hiểu ông bà, cha mẹ mình đang nghĩ gì, mong muốn gì?

Người già sống nhiều bằng ký ức, hay hoài niệm quá khứ. Người già cũng thường chung sống với nhiều nỗi khổ và sự sợ hãi: sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, sợ bệnh tật, sợ chết…

Hiểu điều đó, bằng phương pháp tiếp cận nhân học và photovoice (trao máy ảnh cho nhân vật) của các cán bộ bảo tàng, những câu chuyện đời thực về cuộc sống của người già đã được tái hiện trọn vẹn qua ba chủ đề: Ước mơ, Tâm sự tuổi già, Nơi cuộc sống mới bắt đầu.

Đặc biệt, chủ đề “Nơi cuộc sống bắt đầu” với 28 bức ảnh chọn từ hơn 300 hình do tự tay các cụ ở Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Bách niên Thiên Đức chụp, đã được giới thiệu đến công chúng.

Chị Tú Anh, cán bộ phụ trách dự án cho biết, việc thực hiện photovoice đối với người già là vô cùng khó khăn. Vì các cụ tuổi cao sức yếu, mắt mờ, tay run nên để chụp được một bức ảnh cần hướng dẫn tỉ mỉ và dẫn dắt rất nhiều.

"Chuyện tuổi già."

Những bức ảnh do người già chụp có thể chưa hoàn hảo, thường bị rung, mờ, sai lệch bố cục… nhưng chính những điều đó đã tái hiện chân thực cuộc sống đời thường của các cụ trong trung tâm dưỡng lão. Họ đã tự nói lên câu chuyện về quan niệm sống, về tình bạn, tình yêu, hồi ức về chồng con, gia đình… bằng nhiều cung bậc cảm xúc qua những khoảnh khắc chụp lại.

Ngoài những ước mơ và tâm tư tuổi già, triển lãm cũng thể hiện quan điểm khác nhau của cộng đồng về việc đưa cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão là “tất yếu” hay “bất hiếu” – vấn đề đang được xã hội quan tâm.

“Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đưa bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão. Cứ nghĩ để các cụ ở trong đấy dù đầy đủ thì vẫn thương lắm. Nhưng hiện nay, nhiều gia đình không có thời gian, đến bữa cơm tối cho cả nhà cũng khó. Vì vậy, họ lựa chọn đưa bố mẹ vào trung tâm và thăm hỏi thường xuyên thì vẫn còn có trách nhiệm. Con cái đã không coi bố mẹ ra gì rồi cũng chẳng đưa bố mẹ vào trung tâm vì sợ tốn tiền, như vậy mới là bất hiếu,” chị Lê Thanh Thúy, 32 tuổi ở Lò Đúc, Hà Nội chia sẻ.

Hãy rút ngắn khoảng cách thế hệ, hãy yêu thương và trân trọng người già là thông điệp mà triển lãm muốn gửi gắm tới công chúng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục