Chuyện về người phụ nữ đầu tiên gia nhập Biệt động Sài Gòn

Tác phẩm 'Nụ cười Chim Sắt' của Võ Thu Hương viết về một trong những người phụ nữ đầu tiên gia nhập Biệt động Sài Gòn.

Gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, một phần lịch sử được hé lộ qua tác phẩm 'Nụ cười Chim Sắt' do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Chim Sắt và những người bạn, người thân trong câu chuyện này là những con người bằng xương bằng thịt đi ra từ cuộc sống.

“Chim Sắt,” biệt danh của cô gái trong câu chuyện này là một trong những người phụ nữ đầu tiên gia nhập Biệt động Sài Gòn và tham gia những trận đánh lớn lúc bấy giờ. 11 năm, cô bị đày ba lần ra Côn Đảo, trải qua những tháng năm tuổi trẻ khốc liệt ở các nhà tù Sài Gòn, Biên Hòa, với những đòn tra tấn dã man của địch, nhưng vẫn giữ vững ý chí và tinh thần đấu tranh cách mạng. Để rồi hôm nay, người phụ nữ anh dũng đã từng lập nhiều chiến công hiển hách lẫn gánh chịu những mất mát trong thời chiến ấy, trở lại hình ảnh một người mẹ, người vợ thầm lặng, giản dị, nhỏ bé giữa đời thường.

Chân thật và xúc động, cuốn sách giàu tình tiết này tái hiện một phần cuộc đời từ ấu thơ tới những ngày tuổi xuân, một hành trình dài để làm nên số phận mang tên “Chim Sắt” không thể nào quên.

Tác giả của 'Nụ cười Chim Sắt' - nhà báo, nhà văn trẻ của báo Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím và Nhi Đồng Võ Thu Hương, cho biết nguyên mẫu của nhân vật "Chim Sắt" là cô Lê Thị Thu Nguyệt (sinh năm 1944 tại Tân Định, Sài Gòn). Chị gặp cô Nguyệt lần đầu trong một dịp đi viết bài nhân kỷ niệm 30/4. Với những gì cô kể, chia sẻ thì viết xong một bài báo vẫn cảm giác như còn "mắc nợ" nếu không viết tiếp. Câu chuyện của cô Nguyệt và nhiều cô, chú biệt động, cựu tù Côn Đảo về thời thanh xuân, tuổi thơ của họ mà chị được nghe kể suốt thời gian làm báo thực sự là tư liệu quý để mình bắt tay vào viết tác phẩm này.

Võ Thu Hương chia sẻ thêm, viết một tác phẩm về quá khứ nhưng thú thực, nhiều câu chuyện khiến chị không làm chủ được mình, vừa gõ phím vừa khóc vì đồng cảm với nhân vật. Có lẽ sẽ có nhiều bạn trẻ như chị, thế hệ sinh ra sau chiến tranh nhưng có thể đồng cảm được với thế hệ đi trước, không chỉ bằng những chiến công, những con số, địa danh lịch sử mà bằng chính những câu chuyện giản dị làm nên những số phận.

Chị mong rằng các bạn sẽ chia sẻ được thêm điều gì đó về sự vượt khó vươn lên, sự chịu đựng, dũng cảm, thủy chung... như những nhân vật trong 'Nụ cười Chim Sắt.' Đó cũng là điều khiến chị coi 'Nụ cười Chim Sắt' là tác phẩm có ý nghĩa nhất so với những tác phẩm đã in của mình.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đánh giá câu chuyên này không hẳn thật mới, nhưng tại sao lại cuốn hút? Phải chăng tác giả biết chọn những trường đoạn, những chi tiết đắt nhất - phục chế được đời sống thị dân ở khu phố nghèo, đến miền Trung gió cát, nhà tù Côn Đảo… cùng những trận đánh đã đi vào trang sử, được kể với giọng điệu và ngôn ngữ văn chương.

Những nhân vật trong 'Nụ cười Chim Sắt' lần lượt hiện lên, tạo ấn tượng cho người đọc. Số phận của họ được thể hiện không chỉ bằng lòng quả cảm, xả thân cho nghiệp lớn mà còn mang tính cách dung dị trong đời sống thường nhật lúc bấy giờ.

Nói về tác phẩm 'Nụ cười Chim Sắt,' nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận định nếu không có câu chuyện kể của cựu tù Côn Đảo này, hẳn chúng ta không thể biết đã từng có những không gian sống, những cuộc đời thật đẹp tồn tại giữa hai làn đạn. Lịch sử, đôi khi vì lý do nào đó mà bị vùi lấp, bị lãng quên.

Buổi ra mắt sách và giao lưu với tác giả, nhân vật "Chim Sắt" sẽ diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên ngày 8/12. Nhân dịp ra mắt, tác giả nhân vật và bè bạn tặng 100 cuốn 'Nụ cười Chim Sắt' cho bộ đội Trường Sa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục