Xưa, xẩm là loại hình âm nhạc của các nghệ sỹ hát rong và là món ăn tinh thần của tầng lớp bình dân. Nay, đến với không gian “Chuyện xẩm” - một chương trình nghệ thuật hát xẩm do các nghệ sỹ bậc thầy về cổ nhạc của Việt Nam thể hiện, khán giả không khỏi ngạc nhiên trước sự độc đáo cũng như tính nhân văn của loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống nổi tiếng này.
Trong không gian ấm cúng của một tư gia ở khu phố cổ Hà Nội, không âm thanh phụ trợ, không trang hoàng lộng lẫy, chỉ với manh chiếu cùng trang phục quần nâu, áo vải, khăn mỏ quạ,... nghệ sỹ nhân dân Thanh Hoài và nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch đã tái hiện lại một cách đầy đủ và sinh động nhất đời sống cũng như cái hồn của nghệ thuật hát xẩm bằng chất giọng và những ngón đàn điêu luyện của mình.
Xin được lược qua đôi chút về nguồn gốc của loại hình nghệ thuật hát xẩm. Đó là một môn nghệ thuật xuất phát từ tầng lớp quần chúng lao động, từ những người dân nghèo. Bởi vậy, cái đặc trưng riêng biệt nhất của xẩm chính là sự mộc mạc, dân dã ở câu từ và cái chất đời thường nhưng sâu sắc trong nội dung của từng bài hát.
Nội dung của xẩm thường kể về những câu chuyện sinh hoạt đời thường, mang tính châm biếm, đả kích thói hư tật xấu của xã hội, từ đó đề cao giá trị giáo dục, nhân văn.
Chính vì lẽ đó, xẩm không cầu kỳ ở trang phục cũng như sân khấu như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Bất cứ đâu cũng có thể trở thành sân khấu của hát xẩm - góc chợ, góc đường, những không gian đông người qua lại... Và bất cứ ai cũng có thể ngân nga đôi câu hát xẩm để nói lên những tự sự của mình với cuộc sống.
Chương trình nghệ thuật “Chuyện xẩm” đã khiến những khán giả trẻ cả trong và ngoài nước vô cùng thích thú.
Với những khán giả trẻ trong nước, họ được hiểu, được tận mắt nhìn thấy một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần về một thời kỳ của chính cha ông họ. Còn với những khán giả trẻ nước ngoài, họ được khám phá, trải nghiệm một nét văn hóa độc đáo mà ở đất nước họ không bao giờ có.
Nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch tâm sự: “Chúng tôi biểu diễn mộc như thế này để biểu đạt được cái hồn xẩm của ông cha ta ngày xưa. Ở không gian này, chúng tôi chỉ cần hát rất nhẹ thôi nhưng khán giả cũng có thể cảm nhận được những âm thanh dù nhỏ nhất.”
Có lẽ vì thế mà hiệu ứng của “Chuyện xẩm” được thấy rõ ngay sau buổi biểu diễn. Đó là sự thích thú và màn giao lưu rất hào hứng của khán giả với các nghệ sỹ.
Chia sẻ về ý tưởng tổ chức đêm nhạc "Chuyện xẩm," chị Vũ Ngọc Trâm - chủ của Manzi Art Space (không gian nghệ thuật Manzi) cho biết: “Manzi muốn tạo cơ hội cho mọi người có dịp được thưởng thức một không gian nhạc âm nhạc dân tộc thực sự, nguyên chất của ngày xưa mà thế hệ cha ông vẫn biểu diễn. Theo tôi, thích hay không thích là cảm nhận của mỗi người, nhưng là người Việt Nam thì phải ít nhất một lần được biết và được trải nghiệm không gian thuần chất của âm nhạc truyền thống dân tộc.”
Với mong muốn cho giới trẻ được trải nghiệm một lần không gian nguyên bản của văn hóa truyền thống, chị Trâm đã xây dựng Manzi thành một không gian văn hóa, một địa chỉ quen thuộc của không chỉ người dân Hà thành mà với cả du khách khi đến với thủ đô Hà Nội.
"Chuyện xẩm" là một chương trình âm nhạc truyền thống nằm trong chuỗi chương trình “Chuyện nhạc” của Manzi Art Space, được tổ chức trong khuôn viên của một tòa biệt thự Pháp ở địa chỉ số 14, phố Phan Huy Ích, Hà Nội.
Chuỗi “Chuyện nhạc” của Manzi đem đến cho người nghe sự khám phá thú vị về những chủ đề âm nhạc truyền thống thuần chất của Việt Nam cũng như những vấn đề văn hóa dân tộc liên quan đến loại hình nghệ thuật đó.