CIA và Mossad đã ám sát lãnh đạo Hezbollah như thế nào?

Theo điều tra của tờ Washington Post, chính CIA đã phối hợp với Mossad để tiến hành ám sát thủ lĩnh Hezbollah Mughniyah bằng đánh bom xe ở Damascus.
CIA và Mossad đã ám sát lãnh đạo Hezbollah như thế nào? ảnh 1Một em bé giương cao ảnh của Imad Mughniyah (Nguồn: al-akhbar.com)

Trong ngày 12/2/2008, Imad Mughniyah, nhân vật phụ trách các hoạt động quốc tế của Hezbollah, đã bước đi trên một con phố tĩnh lặng ở Damascus, Syria, sau bữa tối tại nhà hàng địa phương. Cách đó không xa, một đội quan sát của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang theo dõi mọi di chuyển của ông.


Khi Mughniyah tiến tới gần một chiếc xe SUV đang đỗ, quả bom nằm ở lốp phụ gắn phía sau xe đã phát nổ, bắn ra những mảnh vỡ chết chóc về một góc hẹp. Mughniyah đã chết ngay lập tức.

Có một chi tiết đặc biệt là quả bom được kích nổ từ xa, bởi các nhân viên thuộc cơ quan tình báo đối ngoại Mossad của Israel, khi ấy đang ngồi ở Tel Aviv. Họ giữ liên lạc liên tục với các điệp viên Mỹ đang ở Damascus.

Một cựu quan chức tình báo nói với tờ Washington Post rằng Mỹ đã giúp chế tạo quả bom trong vụ ám sát trên và còn thử nghiệm nó nhiều lần tại một cơ sở của CIA ở Bắc Carolina. Việc này là để đảm bảo quả bom chỉ phát nổ theo một hướng và không gây ra các thiệt hại phụ.

“Chúng tôi đã cho nổ tới 25 quả bom để đảm bảo mọi thứ theo đúng kế hoạch” – người này nói. Sự hợp tác chặt chẽ giữa tình báo Mỹ và Israel cho thấy tầm quan trọng của mục tiêu – người đàn ông trong nhiều năm trời được cho là nhân vật đứng sau các vụ khủng bố lớn của Hezbollah, gồm cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Beirut (Lebanon) và Đại sứ quán Israel ở Argentina.

Mỹ chưa bao giờ thừa nhận có liên quan tới vụ ám sát Mughniyah, sự kiện được Hezbollah đổ lỗi cho Israel. Cho tới nay cũng có ít chi tiết hé lộ về hoạt động chung của CIA và Mossad trong việc ám sát Mughniyah, gồm chuyện người ta đã cài quả bom ra sao hay vai trò của Mỹ.

Nay sự dính líu của Mỹ đã được xác nhận bởi 5 cựu quan chức tình báo. Tuy nhiên sự việc đặt ra nhiều dấu hỏi về ranh giới pháp lý. Mughniyah đã bị tấn công tại một đất nước không có chiến tranh với Mỹ. Thêm vào đó, ông này bị giết trong một vụ đánh bom xe – một kỹ thuật đã bị luật pháp quốc tế xem là “dùng mưu mô để ám hại người khác.”

“Đây là phương thức giết người thường được khủng bố và tội phạm sử dụng” - Mary Ellen O’Connell, một giáo sư về luật quốc tế tại Đại học Notre Dame nói với Washington Post.

Tờ Post cho biết việc giết Mughniyah cần tới sự cho phép của Tổng thống George W. Bush. Ngoài ra Tổng chưởng lý, Giám đốc tình báo quốc gia, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và lãnh đạo Văn phòng Tư vấn Pháp lý của Bộ Ngoại giao đều phải ký vào văn bản cho phép việc này. Về cơ bản, người ta phải chứng minh Mughniya là mối đe dọa với Mỹ để có thể tiêu diệt được ông ta.

Vào thời điểm bị giết, Mughniyah được cho là đứng sau các hoạt động sát hại hàng trăm người Mỹ, gồm vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Beirut làm 63 người chết. Sự kiện này khiến Mughniyah và lực lượng Hezbollah rơi vào tầm ngắm của CIA.

Trong cuốn sách “Veil” ra mắt năm 1987, phóng viên Bob Woodward của tờ Washington Post nói rằng Giám đốc CIA William Casey từng khuyến khích Saudi Arabia lập kế hoạch giết một lãnh đạo của Hezbollah. Âm mưu của CIA trong việc dùng bom xe ám sát lãnh đạo Hezbollah, Mohammed Hussein Fadlallah, vào năm 1985 đã thất bại và ông này lẩn trốn sang Iran. Tuy nhiên vụ đánh bom làm 80 người chết, trong đó có anh trai của Mughniyah.

Các cựu quan chức tình báo cho biết trong năm 1984, Mughniyah đã tham gia vào vụ bắt cóc và tra tấn William F. Buckley, trưởng trạm CIA ở Lebanon. Mughniyah còn sắp xếp để gửi các băng ghi hình những buổi tra tấn tàn bạo Buckley tới cho CIA. Sau đó Buckley đã bị giết chết.

Năm 1985, tòa án liên bang Mỹ buộc tội Mughniyah đã đánh cướp chuyến bay mang số hiệu 847 của hãng TWA, không lâu sau khi nó cất cánh rời khỏi Athens. Ông này cũng bị buộc tội bày mưu sát hại thợ lặn Robert Stethem của Hải quân Mỹ, người đã đi trên chuyến bay 847. 

Mughniyah bị đưa vào danh sách truy nã gắt gao nhất của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), với số tiền thưởng trị giá 5 triệu USD treo lên đầu ông này. Mughniyah còn bị nghi đã tham gia vào vụ đánh bom tòa tháp Khobar ở Saudi Arabia trong năm 1996, làm 19 lính Mỹ thiệt mạng.

Về phía Israel, Mughniyah là kẻ đứng sau vụ tấn công khủng bố đại sứ quán nước này ở Buenos Aires làm 4 người Israel và 25 người Argentina thiệt mạng. Ông ta còn chỉ đạo vụ tấn công một trung tâm cộng đồng Do Thái ở thành phố vào năm 1994, làm 85 người chết.

Từ năm 2003, Hezbollah, thông qua Iran, đã bắt đầu huấn luyện các nhóm chiến binh người Shiite ở Iraq. Lực lượng này về sau bắt đầu tấn công liên quân do Mỹ cầm đầu ở Iraq. Các chiến binh do Hezbollah đào tạo tỏ ra đặc biệt tinh nhuệ, đã giết hoặc làm bị thương hàng trăm lính Mỹ.

Khi tình hình Iraq tồi tệ hơn và con số thương vong của lính liên quân lên cao nhất vào năm 2006, Mỹ quyết định rằng phải thay đổi tình hình. Chính quyền Bush ban lệnh giết hoặc bắt sống các “điệp viên Iran” đang tấn công lính Mỹ và âm mưu gây bất ổn ở Iraq. Đồng thời họ cũng lên kế hoạch tấn công vào các hoạt động của Hezbollah.

Ngày 20/1/2007, 5 người lính Mỹ bị giết ở Karbala, Iraq. Tháng 3 năm đó, Ali Mussa Daqduq, một quan chức Hezbollah có quan hệ mật thiết với Mughniyah bị bắt giữ. Quá trình thẩm vấn nhân vật này đã khiến người Mỹ hiểu rõ hơn về hoạt động của Hezbollah, bao gồm vai trò của Mughniyah trong việc kết nối Hezbollah với các tay súng Shiite đang làm việc cho Iran.

Giới chức Mỹ đã nghiên cứu cách giết hoặc bắt Mughniyah trong nhiều năm. Các kịch bản này đã được quan tâm trở lại sau những vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ. Chính quyền Bush đã quay sang CIA và Bộ Tư lệnh các hoạt động đặc biệt (JSOC) của quân đội Mỹ, nhờ họ ngăn chặn các nhóm khủng bố lớn, gồm cả các lực lượng không có liên quan tới Al Qaeda.

Một cựu quan chức tình báo đã kể lại một cuộc họp bí mật ở Israel vào năm 2002, giữa các nhân vật trong JSOC và tình báo quân đội Israel. Trong các cuộc thảo luận, phía JSOC đã nêu ra khả năng tiêu diệt Mughniyah và đề xuất này khiến giới tình báo Israel kinh ngạc.

JSOC ban đầu định tổ chức tấn công đột kích, sử dụng lính đặc nhiệm Mỹ, thay vì các hoạt động ám sát bí mật như trước đây. Tuy nhiên sau đó họ thấy khả năng này khó thành công. Kế hoạch giết Mughniyah bị tạm gác lại.

Năm 2006, khi hay tin Mughniyah đang ở Damascus, phía Israel đã chủ động đề nghị CIA hợp tác giết ông này. CIA có một mạng lưới cơ sở ngầm được thiết lập từ lâu ở Damascus và Israel muốn tận dụng mạng lưới này.

Họ cũng muốn được tự tay giết Mughniyah, như đòn báo thù nhằm vào Hezbollah. Người Mỹ thì chỉ quan tâm tới cái chết của Mughniyah nên họ nhanh chóng đồng tình với đề xuất, nhất là khi Hezbollah chắc chắn sẽ chỉ đổ lỗi cho Israel.

Khi xác định được nơi ở của Mughniyah tại Damascus, tình báo Mỹ - Israel bắt đầu nghiên cứu thói quen sống của ông này để tìm điểm yếu. Các điệp viên Mossad đề nghị việc ám sát diễn ra vào buổi tối, khi Mughniyah thường đi dạo mà không có ai bảo vệ. Các điệp viên chìm của CIA sau đó đã mua được một căn hộ nằm gần nhà ông này.

Hoạt động lên kế hoạch ám sát diễn ra rất công phu. Phía Israel đề xuất để bom trong túi da treo trên xe máy. Tuy nhiên đề nghị này không được chấp thuận, bởi người ta sợ quả bom sẽ tạo những hướng nổ không mong muốn. Bom phải được thử nghiệm liên tục để thu hẹp phạm vi vụ nổ.

Một cựu quan chức nói rằng quả bom được thử nghiệm nhiều lần tại Harvey Point, một cơ sở mà về sau CIA đã xây dựng bản sao tòa nhà của Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan. Sau hàng chục cuộc thử nghiệm, họ kết luận rằng quả bom đã đủ độ an toàn để sử dụng và sẽ không khiến người khác bị thương hoặc mất mạng.

Cần biết rằng Mughniyah không phải là người duy nhất cảm thấy có thể tự do hoạt động ở Damascus. Trong chiến dịch, CIA và Mossad đã có cơ hội giết Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lược Quds của Iran, khi ông ta đi bộ cùng và trò chuyện với Mughniyah. Soleimani là kẻ thù lớn của Israel.

“Đã có lúc 2 người này đứng cùng một nơi, trên cùng 1 con phố. Tất cả những gì người ta cần làm là bấm vào một cái nút” – một cựu quan chức tình báo kể. Tuy nhiên các điệp viên CIA không được quyền giết Soleimani.

Khi quả bom nhằm vào Mughniyah phát nổ, khu vực sát thương chỉ mở rộng ra khoảng 6 mét. Hoàn toàn không có ai khác thiệt mạng ngoài ông ta. CIA đã sử dụng công nghệ nhận dạng gương mặt để xác nhận danh tính Mughniyah, lúc ông ta rời khỏi nhà hàng. Việc này diễn ra không lâu trước khi quả bom phát nổ.

Sau vụ tấn công, thủ lĩnh Hezbollah là Nasrallah đã đổ lỗi cho Israel. Phải tới giờ người ta mới biết rằng nước Mỹ đã góp một phần không nhỏ vào sự thành công của kế hoạch ám sát này./.


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục