"Đại gia phá sản" lớn thứ 5

CIT - vụ phá sản lớn thứ năm trong lịch sử Mỹ

Với tổng tài sản 71 tỷ USD, nghĩa vụ pháp lý lên tới 65 tỷ USD, ngân hàng CIT  là vụ phá sản lớn thứ năm trong lịch sử nước Mỹ.
CIT, ngân hàng chuyên thực hiện cho vay với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và là ngân hàng lớn nhất cấp tín dụng các nhà bán lẻ, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngày 1/11.

Với tổng tài sản 71 tỷ USD và nghĩa vụ pháp lý lên tới 65 tỷ USD, đây là vụ phá sản lớn thứ năm trong lịch sử nước Mỹ, sau sự sụp đổ của các "đại gia" Lehman Brothers (691 tỷ USD), Washington Mutual (327,9 tỷ USD), WorldCom (103,9 tỷ USD) và General Motors (91 tỷ USD).

Đệ đơn xin bảo hộ phá sản là giải pháp tốt nhất để ngân hàng với lịch sử 101 năm tồn tại và phát triển này có cơ hội tái cơ cấu hoạt động nhằm giảm bớt 10 tỷ USD trong khoản nợ 29 tỷ USD, giảm đáng kể nhu cầu thanh khoản trong 3 năm tới đồng thời tăng tỷ lệ vốn và lợi nhuận.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch CIT Jeffrey M. Peek cũng khẳng định việc tái cơ cấu sẽ cho phép ngân hàng này tiếp tục cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như các nhà bán lẻ, hai lĩnh vực tối quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Khách hàng vay tiền của ngân hàng này lên tới gần 800 công ty sản xuất và khoảng 300.000 nhà bán lẻ. Hiện CIT đang hoạt động tại hơn 50 nước trên thế giới.

Tháng 12/2008, CIT đã nhận 2,33 tỷ USD tiền cứu trợ của chính phủ. Mới đây, ngân hàng này lại nhận 4,5 tỷ USD từ một số nhà đầu tư sau khi bị Chính phủ Mỹ từ chối cung cấp tiền giải cứu lần thứ hai. Tuy nhiên, khó khăn tài chính buộc CIT vẫn phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản.

Các quan chức của CIT cho biết chỉ có công ty chủ quản đệ đơn xin phá sản, còn hầu hết các chi nhánh quan trọng vẫn tiếp tục hoạt động.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng Mỹ tiếp tục làm cho 9 chi nhánh của tổ hợp ngân hàng cổ phần liên bang FBOP Corp. phải đóng cửa hoạt động vào ngày cuối của tháng 10/2009, đưa tổng số các ngân hàng "sập tiệm" tại Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay lên 115.

Theo Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), các ngân hàng bị đóng cửa trong 4 năm tới sẽ tiêu tốn khoảng 100 tỷ USD quỹ bảo hiểm của FDIC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục