CLCS xem xét đệ trình về thềm lục địa ở Biển Đông

Thư của Chủ tịch Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) cho biết đệ trình của Việt Nam về thềm lục địa ở Biển Đông đã được xem xét.
Thư của Chủ tịch Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) gửi Chủ tịch Hội nghị lần thứ 20 các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLS) cho biết, trong các phiên họp lần thứ 24 và 25, ủy ban đã xem xét các đệ trình của các nước ven biển, trong đó có đệ trình của Việt Nam về thềm lục địa ở Biển Đông.

Đệ trình của Việt Nam là một trong 51 đệ trình liên quan đến những đòi hỏi về giới hạn thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, được gửi lên Hội nghị lần thứ 20 UNCLS.

Hội nghị lần thứ 20 các nước thành viên UNCLS diễn ra từ ngày 14-18/6 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ.

Công ước được thông qua năm 1982 và có hiệu lực quốc tế năm 1994, được coi như “Hiến pháp của các đại dương” với 320 điều khoản và 9 phụ lục chi phối tất cả các vấn đề biển và đại dương cũng như hàng hải trên các đại dương.

Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về các đại dương và luật biển được trình bày tại hội nghị đã cung cấp tổng thể các vấn đề về đại dương và luật biển nhằm giúp Đại hội đồng Liên hợp quốc kiểm điểm và đánh giá hàng năm việc thực hiện Công ước và những diễn biến có liên quan.

Về những thách thức đối với các đại dương, Tổng thư ký Liên hợp quốc đặc biệt nhấn mạnh đến mối đe dọa cướp biển đối với an ninh hàng hải, cuộc sống của các thủy thủ và an toàn vận tải quốc tế.

Ông cũng nhấn mạnh những tác động bất lợi của các hoạt động của con người đến các đại dương và biển, như hệ sinh thái biển đang bị tổn thương, ô nhiễm biển.

Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu của hệ sinh thái biển và ven biển cũng như của các cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua việc tăng cường khả năng thích nghi và giảm sức ép và các mối đe dọa khác.

Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ đối phó với những thách thức đa dạng của các đại dương và biển trong khuôn khổ pháp lý của UNCLS và các công cụ pháp lý khác có liên quan.

Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi tăng cường tri thức khoa học, chia sẻ thông tin về tác động của con người đến các đại dương và biển, tăng cường năng lực và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng sinh học biển bên ngoài các khu vực thuộc quyền pháp lý của các quốc gia đối với hệ sinh thái biển, thịnh vượng kinh tế, an ninh lương thực toàn cầu và cuộc sống bền vững.

Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu ý tới số lượng lớn các đệ trình của các nước lên CLCS, và nhấn mạnh việc tìm ra các giải pháp thực tiễn cho các vấn đề này nhằm đảm bảo có những đề nghị kịp thời mô tả thềm lục địa vượt ngoài giới hạn 200 hải lý, đã trở thành một ưu tiên.

Những nội dung trong chương trình nghị sự của Hội nghị các nước thành viên UNCLS còn có các vấn đề về nhân sự và ngân sách liên quan đến Tòa án quốc tế về luật biển (ITLS) cũng như báo cáo của Tổng Thư ký Cơ quan quyền lực đáy biển quốc tế (ISA) và Chủ tịch CLCS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục