Cơ bản khống chế dịch bệnh, Long An bắt tay vào khôi phục kinh tế

Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, 9 tháng năm 2021, Long An vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 41 dự án, tổng số vốn lên đến gần 3,3 tỷ USD.
Cơ bản khống chế dịch bệnh, Long An bắt tay vào khôi phục kinh tế ảnh 1Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út chủ trì đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp hai huyện Bến Lức và Cần Đước. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Dịch bệnh cơ bản được khống chế, tỉnh Long An đang từng bước khôi phục lại nền kinh tế và chuẩn bị cho những bước phát triển mới.

Đội ngũ lãnh đạo cùng các đơn vị, địa phương của tỉnh đang nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đồng thời tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư tạo tiền đề cho sự phát triển trong những giai đoạn tiếp theo.

Khôi phục nền kinh tế

Long An là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 với hơn 32.000 ca nhiễm. Từ ngày 13/7, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn đều tạm dừng hoạt động; sản xuất công nghiệp đình trệ, các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa đứt gãy; hoạt động thương mại giảm sút nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rút lui khỏi thị trường.

Trong 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm 3,38%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ giảm 4,19% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, dịch bệnh tại Long An dần dần được kiểm soát.

Ngay từ giữa tháng 9/2021, khi tình hình dịch bệnh "hạ nhiệt," địa phương bắt đầu nới lỏng giãn cách và bắt tay thực hiện ngay các chính sách, giải pháp nhằm khôi phục lại nền kinh tế.

Có thể nói, đây là địa phương đi đầu ở khu vực phía Nam trong việc mở cửa, cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động. Đến nay, có khoảng 50% tổng số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, riêng trong lĩnh vực sản xuất thì con số này chiếm trên 70%.

Trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh, chính quyền tỉnh Long An liên tục tổ chức các hoạt động đối thoại, tiếp xúc với hàng trăm doanh nghiệp tham gia bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Đồng thời, tỉnh cũng thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp đến các doanh nghiệp kiểm tra công tác phòng, chống dịch, cũng như lắng nghe, xử lý các đề xuất của doanh nghiệp.

[Doanh nghiệp chuyển sang “3 xanh” để thích ứng tình hình mới]

Đặc biệt, chính quyền địa phương có cơ chế quan tâm, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp. Các hoạt động này phần nào tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại thuận lợi hơn.

Bà Ninh Thị Bích Thùy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép TVP, cho biết: “Trong giai đoạn dịch khó khăn vừa qua, tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất “3 tại chỗ."

Từ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân đến các sở, ngành đã tổ chức các buổi đối thoại doanh nghiệp, nắm bắt khó khăn để cùng tháo gỡ. Tỉnh đã đồng hành cùng doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng cố gắng cùng chính quyền tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh."

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm: Ủy ban Nhân dân tỉnh thường xuyên yêu cầu các đơn vị, địa phương kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngay từ lúc mới bắt đầu thực hiện khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thành lập 10 đoàn công tác do lãnh đạo các sở, ngành dẫn đầu trực tiếp đến các doanh nghiệp để kiểm tra phương án phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đồng thời nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp và xử lý trong phạm vi thẩm quyền.

Đối với các kiến nghị vượt thẩm quyền, các đoàn công tác báo cáo trực tiếp để lãnh đạo xử lý ngay. Với các cơ chế, giải pháp đang triển khai, Long An phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức cao nhất, đạt từ 3-4%.

Chuẩn bị cho bước phát triển mới

Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh ở Long An cơ bản được khống chế. Song song với hoạt động khôi phục lại nền kinh tế, địa phương tiếp tục chuẩn bị những tiền đề quan trọng cho bước phát triển ở các giai đoạn tiếp theo; trong đó, hoạt động thu hút đầu tư rất được chú trọng.

Với những lợi thế sẵn có như vị trí chiến lược nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ của miền Tây Nam bộ, giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh; quỹ đất phù hợp cho phát triển công nghiệp; kết cầu hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ…

Đặc biệt, hệ thống chính trị của địa phương luôn xác định rõ quan điểm “đồng hành cùng doanh nghiệp," tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Thời gian qua, Long An luôn là điểm sáng trong thu hút đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh hiện có gần 13.500 dự án đăng ký hoạt động với tổng số vốn gần 349.000 tỷ đồng; trong đó có hơn 1.100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 9,3 tỷ USD.

Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, 9 tháng năm 2021, Long An vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 41 dự án, tổng số vốn lên đến gần 3,3 tỷ USD.

Ông Trần Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Tuấn cho biết: “Lý do chúng tôi đầu tư tại Long An là do địa bàn gần Thành phố Hồ Chí Minh, có địa thế tốt để đầu tư. Đồng thời, lãnh đạo Long An tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển của doanh nghiệp. Hiện tại, Thái Tuấn đã đầu tư ba dự án ở các khu công nghiệp tại Long An. Dự án nhà máy giặt ủi công nghệ cao vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, hai nhà máy may công nghệ cao và nhà máy sản xuất vải may mặc với tổng vốn khoảng 2.600 tỷ đồng đang thực hiện."

Cơ bản khống chế dịch bệnh, Long An bắt tay vào khôi phục kinh tế ảnh 2Hoạt động tại một doanh nghiệp ở Long An. (Ảnh: TTXVN)

Ngay sau khi “xanh hóa," ngày 9/10 vừa qua, tỉnh Long An đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư, trao giấy chứng nhận cho nhiều dự án đầu tư quy mô lớn trên địa bàn. Có thể kể đến dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng; dự án logistics của Tập đoàn Daiwahouse (Nhật Bản), vốn đầu tư hơn 29,9 triệu USD; dự án SLP PARK Xuyên Á của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sea Fund I Investment 5 PTE (Singapore), vốn đầu tư 10,8 triệu USD… Đây chính là điểm nhấn trong việc thu hút đầu tư, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo sau thời kỳ khôi phục hoạt động kinh tế.

Ông Đỗ Hải Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Saigontel-Long An, chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Nam Tân Tập cho biết: “Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược giáp với Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội rất tốt để mời gọi các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ. Với sự cam kết hỗ trợ tốt nhất, nhanh chóng nhất cho doanh nghiệp đi vào hoạt động, sản xuất từ lãnh đạo tỉnh, chúng tôi sẽ gấp rút thực hiện các thủ tục đưa dự án vào hoạt động sớm nhất, từ đó mời gọi các nhà đầu tư có chất lượng nhất về đầu tư tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hiện tại, chúng tôi đã có các nhà đầu tư của Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đăng ký tại khu công nghiệp. Một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư."

Hiện tại, các cấp chính quyền tỉnh Long An đang tập trung lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo ra định hướng, chiến lược dài hạn để thu hút đầu tư. Đồng thời, tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp nhằm gia tăng quỹ đất tiếp nhận đầu tư; tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; tăng cường cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực…

Trên cơ sở thành quả chống dịch COVID-19 đạt được cùng với việc triển khai mạnh mẽ các chiến lược thu hút đầu tư, Long An đang nỗ lực xây dựng môi trường “an toàn, thân thiện, hấp dẫn” cho các nhà đầu tư.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết Long An luôn xác định quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, khó khăn của doanh nghiệp chính là khó khăn của chính quyền tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công, niềm vui, sự động viên, khích lệ đối với hệ thống chính trị tỉnh. Quan điểm này đã được khẳng định từ nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này tiếp tục nâng lên trở thành tư duy xuyên suốt trong cả hệ thống chính trị.

"Chúng tôi luôn lắng nghe, thấu hiểu, cầu thị trong việc tiếp nhận các phản ánh của doanh nghiệp. Nếu có sự cản trở, làm khó thì sẽ có chấn chỉnh kịp thời để làm sao để doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Long An hoạt động thuận lợi nhất, thành công nhất," Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục