Có bốn kịch bản để quy hoạch phát triển ĐBSCL

Có 4 kịch bản kinh tế xã hội cho vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long nhưng vấn đề đặt ra là kịch bản nào sẽ sát nhất với thực tế.
Ngày 24/4, tại Hà Nội, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Hà Lan phối hợp với Trường Đại học Thủy Lợi tổ chức Hội thảo quốc tế về “Quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.”

Tham dự Hội thảo có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Joops Scheffers; Giáo sư Martijin Van de Groep, Cố vấn trưởng dự án “ Mekong Delta Plan”; đại diện Trường Đại học Thủy Lợi, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam và Hà Lan…

Giáo sư Martijin Van de Groep, Cố vấn trưởng dự án “Mekong Delta Plan” cho biết, dự án này đã được Chính phủ hai nước Việt Nam và Hà Lan ký kết, tạo tiền đề phát triển lâu dài về ứng phó với biến đối khí hậu. Hà Lan coi Việt Nam là một đối tác, phía Hà Lan hỗ trợ và tư vấn để thực hiện dự án.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận khái quát về đặc điểm và ảnh hưởng của lũ lụt đến các hoạt động dân sinh, kinh tế miền sông nước Tây Nam bộ; thống kê các trận lũ lớn đã xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây và tác động nặng nề của lũ lụt; phân tích về tình hình lũ lụt...

Theo tài liệu nghiên cứu, có 4 kịch bản kinh tế xã hội cho vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long gồm: "An toàn lương thực" - sản xuất gạo và cá là sự ưu tiên hàng đầu; "Chuyên môn hóa nền kinh tế nông nghiệp"- giá trị nông nghiệp gia tăng là ưu tiên; "Công nghiệp hóa hành lang kinh tế" - việc làm trong ngành công nghiệp là ưu tiên và "Công nghiệp hóa nút kép" - tổng sản lượng là ưu tiên.  Dựa vào những phát triển hiện tại ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và các mục tiêu phát triển quốc gia, vùng và ngành, có thể nhìn thấy các viễn cảnh phát triển tương lai.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là kịch bản nào trong số các kịch bản trên sẽ sát nhất với thực tế sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các tác nhân ngoại sinh của quá trình phát triển kinh tế và các lựa chọn và quyết định liên quan đến chính sách chiến lược...

Đồng bằng sông Cửu Long là phần cuối của sông Mekong. Phần lưu vực sông nằm trên lãnh thổ Việt Nam là 39.313 km2, chiếm khoảng gần 5% diện tích toàn lưu vực. Nằm ở cuối một con sông lớn, đồng bằng sông Cửu Long thừa hưởng một nguồn lợi lớn từ phía thượng lưu: nguồn nước, phù sa, tài nguyên thủy sản...

Tuy nhiên nơi đây cũng phải chịu những tác động bất lợi từ phía thượng lưu như lũ lụt gia tăng do chặt phá rừng, cạn kiệt do việc khai thác nguồn nước trong quá trình phát triển và đồng hành với nó là xâm nhập ngập mặn, ô nhiễm nguồn nước...

Những thay đổi này đòi hỏi cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về những vấn đề mà đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đối mặt trong tương lai, từ nay đến năm 2050 và hướng đến năm 2100, khi mà các tác động cực đoan hơn do biến đổi khí hậu gây ra trở nên rõ rệt./.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục