Cổ đông muốn minh bạch doanh thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ

Cienco1 muốn minh bạch doanh thu thu phí tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ do không có những số liệu cặn kẽ về tình hình doanh thu, lượng xe qua trạm.
Cổ đông muốn minh bạch doanh thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ ảnh 1Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hàng loạt dự án giao thông được đầu tư và đưa vào khai thác trong thời gian theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn ngao ngán vì việc tăng mức thu phí, thu hồi vốn để đảm bảo phương án tài chính và minh bạch doanh thu của các trạm thu phí của nhà đầu tư.

Thậm chí, mới đây ngay cả thành viên trong liên danh nhà đầu tư của tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) cũng không có những số liệu cặn kẽ về tình hình doanh thu, lượng xe qua trạm.

Cienco 1 là nhà đầu tư của dự án mở rộng, nâng cấp đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác thu phí kể từ tháng 10/2015. Bên cạnh việc thu phí hoàn vốn cho dự án, Tổng công ty đang cùng các nhà đầu tư khác tập trung triển khai nâng cấp mở rộng toàn tuyến cao tốc giai đoạn 2 của dự án.

Do thời gian vừa qua của dự án có những thông tin phản ánh việc thu phí chưa minh bạch trong điều kiện nhân sự của Cienco 1 trong bộ máy điều hành thu phí hiện tại không đủ để kiểm soát. Hơn nữa, từ tháng Một đến nay, Cienco 1 đã có nhiều lần gửi văn bản đề nghị cung cấp báo cáo tình hình thu phí với mức thu cụ thể theo từng ngày nhưng hầu hết bị Ban điều hành Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ (MPC) bác bỏ.

Vì vậy, để quản lý tình hình trong quá trình thu phí, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhân dân và các cổ đông tham gia đồng thời làm minh bạch về tài chính, Cienco 1 đã gửi Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho thành lập tổ kiểm tra giám sát công tác quản lý khai thác thu phí đường cao tốc bằng cách sử dụng hệ thống công nghệ hiện đại, lắp đặt các camera ghi hình tại các trạm, kiểm soát lưu lượng xe và xác định doanh thu thu phí tại dự án.

“Ngoài việc làm rõ các nghi vấn thất thoát, nếu lưu lượng phương tiện được phản ánh chính xác qua doanh thu thu phí thì thời gian hoàn vốn của dự án sẽ ngắn lại nên đối tượng hưởng lợi cao nhất từ chính là Nhà nước và người tham gia giao thông,” lãnh đạo Cienco 1 cho hay.

Bên cạnh đó, Cienco 1 cam kết việc lắp đặt hệ thống thiết bị nằm ngoài phạm vi của dự án không làm ảnh hưởng đến hoạt động thu phí của BOT. Tuy nhiên, phía MPC đã và đang có những hành vi ngăn cản cổ đông đặt camera ghi hình kiểm đếm số phương tiện đi trên đường cao tốc.

Theo lãnh đạo Cienco 1, với hình thức thu phí khá thủ công (phát vé giấy) tại các trạm thu phí hoàn vốn cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ như hiện nay, nguy cơ thất thoát phí là không thể loại trừ nên rất cần sự giám sát độc lập của nhiều bên.

Cổ đông muốn minh bạch doanh thu phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ ảnh 2Cienco 1 tự giám sát phương tiện lưu thông qua các trạm phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. (Ảnh: Cienco 1 cung cấp)

“MPC cung cấp những số liệu doanh thu các trạm thu phí theo tháng rất sơ sài, thiếu các số liệu về chủng loại xe qua các trạm thu phí mỗi ngày, trong khi đây là công cụ quan trọng phản ánh thực tế thu phí,” đại diện lãnh đạo Cienco 1 cho hay.

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, đơn vị chiếm 17% cổ phần cho rằng, đơn vị không cảm thấy có vấn đề gì với cách điều hành hiện tại của MPC.

“Là cổ đông góp vốn, các đơn vị thành viên cũng đều có người của mình trong bộ máy hoạt động MPC. Thu chi thế nào thì các bên cũng đều nắm được cả,” ông Khôi chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề Cienco 1 muốn làm rõ “nghi vấn” thất thoát phí và minh bạch hóa các hoạt động thu phí tại tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Hội đồng quản trị quyết định vấn đề trong công ty BOT đó, có báo cáo tài chính hàng tháng, quý, năm. Khi hạch toán thì có số liệu, bên ngân hàng cho vay thì người ta cũng nắm được số liệu đó để còn thu hồi vốn.

“Sắp tới có đại hội cổ đông thì trong đại hội đó sẽ có những giải pháp đảm bảo tính minh bạch đó. Đại hội cổ đông chưa có ý kiến gì. Điểm nào phía Cienco 1 cảm thấy nghi ngờ, chưa thỏa đáng thì có quyền khiếu nại tiếp, sau đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ làm rõ vấn đề bởi các nhà đầu tư không thể khách quan bằng Tổng cục Đường bộ,” Thứ trưởng Trường cho hay.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm, nếu MPC không có gì khuất tất hoàn toàn có thể để Cienco1 với tư cách cổ đông tham gia cùng quản lý, kiểm đếm phương tiện đi trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.

“Việc làm này sẽ giải tỏa bức xúc nội bộ đồng thời tạo niềm tin cho người dân, dư luận về việc thu phí trên tuyến đường này,” ông Liên cho hay./.

Dự án đầu tư, nâng cấp đường Pháp Vân-Cầu Giẽ do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát và Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành làm chủ đầu tư.

Với tỉ lệ góp vốn 65%, Công ty Minh Phát giữ vị trí Tổng giám đốc tại công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ (MPC), là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành, quản lý tuyến cao tốc. Số vốn còn lại của Cienco 1 và Phương Thành lần lượt là 18% và 17.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục