“Cô giáo làng” làm phim “hay như Hollywood”

Rosita Clarke, một giáo viên ở Anh chưa có kinh nghiệm làm phim đã cùng 130 học sinh trung học thực hiện bộ phim nhựa dài 110 phút.
Rosita Clarke, một giáo viên chưa hề có kinh nghiệm làm phim, và 130 học sinh trung học ở miền Nam nước Anh đã cùng nhau thực hiện bộ phim nhựa dài 110 phút dựa theo tiểu thuyết "Far From The Madding Crowd" (1874) của nhà văn Anh Thomas Hardy.

Bộ phim với kinh phí chỉ 11.000 USD này sẽ có mặt ở các rạp chiếu tại Anh và còn được phát hành dưới dạng DVD.

"Far From The Madding Crowd" có bối cảnh ở nông thôn nước Anh thế kỷ 19, kể về cô gái Bathsheba Everdene xinh đẹp được thừa hưởng trang trại của bác mình và có ba người đàn ông theo đuổi. Đó là Gabriel Oak “kiên nhẫn”, William Boldwood “ám ảnh” và Francis Troy “trơ tráo”.

Cô giáo Rosita Clarke ở Trường Trung học Gryphon (vùng Dorset) phải mất một năm làm việc cật lực để thực hiện bộ phim này với chỉ một chiếc camera. Chị vừa là nhà sản xuất, vừa làm đạo diễn phim. Thế nhưng tác phẩm điện ảnh nghiệp dư của Clarke lại nhận được nhiều lời tán dương sau buổi chiếu ra mắt.

Bộ phim thực sự cảm động, diễn xuất của các diễn viên nghiệp dư mộc mạc, chân thực. Tác giả của bộ phim bộc bạch: “Tôi rất xúc động. Đây là sự đền bù cho những nỗ lực của chúng tôi”.

Tuy nhiên, khi Clarke đưa ra ý tưởng làm phim thì nhiều người tỏ ý nghi ngờ về khả năng thành công của nữ giáo viên này. Nguyên nhân là vì nội dung cuốn tiểu thuyết của Hardy không đơn giản, có các tuyến nhân vật đan xen, rất khó cho những người làm phim không chuyên.

Clarke có cảm hứng làm phim sau khi chị đạo diễn một vở kịch vào năm 2007. “Tôi tự nhủ với mình rằng phải làm một bộ phim nhựa”, Clarke cho biết. Chị đã bỏ ra cả kỳ nghỉ Hè để nghiền ngẫm cuốn tiểu thuyết của Hardy và rồi hoàn thành kịch bản phim trong hơn hai tuần. Tháng 8/2008, bộ phim bắt đầu được bấm máy.

Do phim được quay khi học sinh đã tựu trường nên êkíp thực hiện chỉ làm việc vào dịp cuối tuần, các ngày nghỉ và những buổi chiều sau giờ học. Lịch quay không ảnh hưởng đến việc học tập của các diễn viên vì họ có lòng đam mê. Chẳng những kết quả thi cử không giảm sút mà các em còn có thêm hứng thú đến trường.

Chưa có kinh nghiệm nên Clarke phải sục sạo trên mạng và đọc sách để tìm hiểu về việc làm phim như cách sử dụng ánh sáng, chọn góc quay... Chị còn nhờ cậu con trai Sunny 21 tuổi, sinh viên khoa Sản xuất truyền thông, tư vấn và biên tập kịch bản.

Để có được khoản tiền làm phim, Clarke đã vận động các ngân hàng và siêu thị ở địa phương tài trợ. Tiền chỉ có vậy nhưng chị luôn tự nhủ rằng phải làm bộ phim đầu tay thật hay.

Tuy nhiên, trong vai trò một cô giáo thì Clarke nhường vinh quang cho các học trò: “Tôi tự hào về các em. Tôi được làm việc với các học sinh hết sức tài năng. Lòng nhiệt tình và sự tự giác nơi các em đóng vai trò lớn trong sự thành công của bộ phim này”./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục