Cố họa sỹ Văn Giáo, người họa sỹ trọn đời vẽ tranh Bác Hồ

Triển lãm tranh diễn ra nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của người họa sỹ nổi tiếng với những tác phẩm hội họa về Bác Hồ và phong cảnh quê hương đất nước.
Cố họa sỹ Văn Giáo, người họa sỹ trọn đời vẽ tranh Bác Hồ ảnh 1Tác phẩm "Tìm gặp người thân" do họa sỹ Văn Giáo vẽ năm 1958. (Nguồn: gia đình họa sỹ Văn Giáo)

Từ 6-14/10, Triển lãm tranh với chủ đề “Văn Giáo trên những nẻo đường” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Triển lãm tranh là kết quả của quá trình dày công tìm kiếm, sưu tầm của gia đình cố họa sỹ Văn Giáo như một cuộc tổng kiểm kê gia tài nghệ thuật để xuất bản một tuyển tập tranh hoàn chỉnh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của người họa sỹ nổi tiếng với những tác phẩm hội họa về Bác Hồ và phong cảnh quê hương đất nước.

Họa sỹ Văn Giáo mất ngày 10/1/1996. Sự ra đi của ông đã đặt dấu chấm lặng cho một kỷ nguyên hội họa cách mạng Việt Nam trải dài suốt 5 thập kỷ.

Họa sỹ Văn Giáo được biết đến là một tác giả hầu như dành chọn cả đời cho đề tài Bác Hồ. Một thể loại tranh chân dung nhân vật lãnh tụ theo tiêu chí thẩm định “Giống cho đời nay và đẹp cho đời sau,” đòi hỏi cao bản lĩnh về hình.

Ông cũng trực tiếp đến sống và vẽ những nơi Bác sống, làm việc như: quê hương xứ Nghệ, Pác Bó, Cao Bằng. Ông đã để lại cho đời nhiều tranh đẹp về Bác đi vào lòng người, đi vào lịch sử mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Văn Giáo là một họa sỹ sớm thành công về thể loại tranh phong cảnh quê hương, có nhiều tác phẩm đẹp nhờ biết xử lý ánh sáng tinh tế.

Họa sỹ đã thành công trong thể loại tranh này, bởi khả năng xử lý ánh sáng tinh tế mà không phải ai cũng có thể đạt được. Qua những thể nghiệm đầu tay, những tác phẩm của ông đã sớm bộc lộ khả năng cầm bút chơi đùa với ánh sáng một cách tinh tế, hiệu quả: ưa thích cảnh đẹp, say sưa với những phản quang phong phú và màu sắc nồng nàn.

Chỉ với một cảnh vật nhưng ở trong các không gian ánh sáng đa dạng: bình minh, trưa Hè, hoàng hôn hay cả đêm tối, tất cả đều đem lại cho người xem cảm thụ về cuộc sống khác nhau.

Chất liệu mà họa sỹ Văn Giáo xử lý nhuần nhuyễn nhất chính là bột màu. Trong sáng tạo mỹ thuật tất cả chất liệu đều bình đẳng. Khó thay khi sử dụng chất liệu bột màu để diễn hình, diễn màu, phải biết dự báo được khi khô sao cho đúng độ về màu và hình mới đẹp. Tranh bột màu của Văn Giáo không chỉ là sở trường mà đã trở thành một thương hiệu mang tên Văn Giáo.

Tựu chung, họa sỹ Văn Giáo đã để lại cho đời những đóng góp nhất định cho một đề tài Bác Hồ, một thể loại tranh phong cảnh, một chất liệu bột màu. Chúng ta nhớ về ông là nhớ tới ba đặc điểm nghệ thuật trên, đã hình thành một chân dung nghệ thuật hoàn chỉnh của cố họa sỹ Văn Giáo.

Xem các tác phẩm trong triển lãm “Văn Giáo trên những nẻo đường” này, người xem sẽ thấy dấu chân Văn Giáo in trên khắp nẻo đường theo chiều đất nước từ Bắc chí Nam. Đó chính là hiệu quả của một phong cách sáng tác: Đi-vẽ-triển lãm. Đã thực sự đưa tác giả, tác phẩm kịp thời đi vào đời sống. Định hình, định vị một phong cách hiện thực tâm trạng giàu những phẩm chất cách mạng và trữ tình.

Độc giả có thể xem một số tác phẩm nổi bật đã làm nên danh tiếng của cố họa sỹ Văn Giáo, dưới đây:

[Những tác phẩm làm nên danh tiếng của họa sỹ Văn Giáo]

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục