Cơ hội cho lao động Việt

Điều dưỡng Việt đi Nhật: Cơ hội mới, thách thức lớn

Cơ hội để có việc làm hấp dẫn tại Nhật Bản cho điều dưỡng, hộ lý đang rộng mở nhưng cũng kèm theo thách thức lớn về chất lượng.
Nếu những năm trước, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có tới hơn 90% là lao động phổ thông, không có trình độ thì xuất khẩu lao động trong thời gian gần đây đang dần chú trọng vào việc nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động thay vì chỉ chạy theo số lượng. [Sẽ có thêm điều dưỡng, hộ lý được đi Nhật làm việc] Đặc biệt, những cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam sang làm việc cũng đang dần hé mở. Cụ thể, những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý Việt sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi, tạo nên hy vọng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề điều dưỡng, hộ lý tại các nước phát triển. Cơ hội việc làm hấp dẫn Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng điều dưỡng viên, hộ lý của Nhật Bản rất lớn đòi hỏi nước này phải tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc trong lĩnh vực này. Đây không chỉ là cơ hội việc làm thu nhập cao mà còn giúp nâng cao trình độ cho các điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam. Ông Nimonjima Osamu, Giám đốc Tổ chức phát triển Mạng lưới Nhân lực Châu Á của Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi hiện thiếu khoảng 40.000 điều dưỡng viên và thiếu 100.000-150.000 hộ lý. Trước đây, Chính phủ Nhật Bản không muốn tiếp nhận nhân viên y tế từ nước ngoài, song chỉ dựa vào nguồn nhân lực trong nước thì lại không đủ.” Theo ông Nimonjima Osamu, để bổ sung nguồn nhân lực trong ngành y tế, Nhật Bản đã mở cửa tiếp nhận điều dưỡng và hộ lý đến từ 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines và Indonesia. Gần đây, Bộ Y tế Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản vừa thông báo, trong những năm tới, nếu việc thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Nhật Bản làm việc có kết quả tốt thì mỗi năm Nhật Bản sẽ có nhu cầu tiếp nhận 500 điều dưỡng và hộ lý Việt Nam. Trong tháng 6/2013, khi triển khai lấy ý kiến về nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý Việt Nam, đã có 125 cơ sở y tế Nhật Bản đăng ký tham gia chương trình và đề nghị tiếp nhận đợt đầu tiên là 245 ứng viên hộ lý và 59 điều dưỡng viên Việt Nam vào năm 2014. Con số này gấp đôi số lượng ứng viên đã được tuyển chọn khóa 1 và đang đào tạo tiếng Nhật là 150 người cho thấy cơ hội việc làm tại Nhật là rất lớn.
Điều dưỡng Việt đi Nhật: Cơ hội mới, thách thức lớn ảnh 1

Điều dưỡng viên Việt Nam có cơ hội làm việc tại Nhật Bản với thu nhập 40 triệu đồng/tháng. (
Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)
Đặc biệt, Trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác kinh tế Việt-Nhật, các chỉ tiêu về bằng cấp, trình độ đã được đưa vào Thỏa thuận phái cử ứng viên điều dưỡng và hộ lý Việt nam sang Nhật. Đây là lần đầu tiên có thỏa thuận hợp tác lao động giữa hai Chính phủ công nhận các tiêu chuẩn về bằng cấp của Việt Nam. Việc Nhật Bản công nhận tiêu chuẩn về bằng cấp của Việt Nam lần này sẽ tạo những cơ hội việc làm cho lao động có trình độ của Việt Nam.
Những thách thức lớn...
Từ lâu nay, trình độ lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế, không đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của việc tuyển dụng lao động có trình độ cao của các nước. Vì vậy, những cơ hội việc làm hấp dẫn tại Nhật Bản cho điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam cũng kèm theo những thách thức lớn đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các ứng viên để đáp ứng được yêu cầu của nước tiếp nhận. Để hỗ trợ đào tạo lao động trước khi sang Nhật học tập và làm việc, Nhật Bản đã tài trợ toàn bộ tiền học phí, ăn ở, sinh hoạt cho các ứng viên tham gia chương trình học tiếng Nhật trong vòng 12 tháng tại Việt Nam và 3 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản. Đây là một cơ hội được đào tạo miễn phí hiếm có đối với lao động có trình độ muốn đi làm việc ở nước ngoài. Theo ông Ichikawa Tomotake, Giám đốc Trung tâm đạo tạo tiếng Nhật ARC Academy tại Việt Nam: “Đối với một lao động chất lượng cao, tất nhiên kỹ năng công việc là vấn đề tiên quyết, tuy nhiên, với chúng tôi, quan trọng nhất lại là khả năng giao tiếp. Theo chúng tôi, với người lao động ở nước ngoài thì ngôn ngữ cũng như khả năng giao tiếp của họ tại nơi làm việc là vấn đề quan trọng. Đây cũng chính là yếu tố để các doanh nghiệp tại Nhật Bản đánh giá cao các thực tập sinh Việt Nam so với lao động của các quốc gia khác.” Một cơ hội tốt nhưng cũng là thách thức lớn đối với các ứng viên Việt Nam sang Nhật học tập và làm việc vì khác với các chương trình thực tập kỹ năng, khác thực tập sinh Việt nam chỉ được tạm trú tại Nhật Bản 3 năm và nếu không thi đỗ chứng chỉ nghề quốc gia của Nhật Bản thì phải quay về nước, không được phép ở lại làm việc. Vì vậy, lao động Việt Nam chỉ có thể đảm bảo năng lực cạnh tranh đối với các quốc gia phái cử khác và có cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật Bản bằng việc chứng tỏ năng lực ngoại ngữ, tay nghề tốt. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phải đạt được kết quả ngoại ngữ tốt, anh Phạm Đình Tới, học viên lớp điều dưỡng viên Nhật Bản cho biết: “Bản thân em cũng xác định là phải cực kỳ nỗ lực vì tiếng Nhật rất là khó nên ngoài việc học trên lớp ra mình phải tự tìm tài liệu đọc thêm ở trên mạng, qua những website mà mình có thể tìm được những tình huống vào đời sống.” Bà Yoko Tsuruya, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí và lựa chọn trường đào tạo tiếng Nhật hàng đầu tại Nhật Bản là Academy để đào tạo tiếng Nhật cho các ứng viên khóa 2 năm 2013 trong vòng 12 tháng tại Việt Nam. Với những hỗ trợ thiết thực như vậy, chúng tôi cho rằng thành tích của các ứng viên Việt Nam sẽ đạt kết quả tốt.” Có thể ở lại làm việc lâu dài và hợp pháp tại nước sở tại với điều kiện làm việc tốt và thu nhập cao là sự khác biệt giữa lao động có kỹ năng cao và lao động phổ thông. Vì vậy, lao động có trình độ cao hoàn toàn có thể chủ động nắm bắt cơ hội này. Thỏa thuận đưa điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản nếu thực hiện thành công sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể ký các hiệp định hợp tác đưa lao động chất lượng cao đi làm việc tại các nước tiên tiến khác trên thế giới./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục