Cơ hội cho người cùng giới

Sửa đổi Luật Hôn nhân: Cơ hội cho người cùng giới

Bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới nếu hiện thực thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho cộng đồng LGBT.
“Chính thức bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính đồng thời đưa ra những quy định để giải quyết những vấn đề về quan hệ tài sản, quan hệ con cái trong những trường hợp những người cùng giới tính chung sống với nhau như vợ chồng.”
Đó là một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo luật sửa đổi được tiến sỹ Bùi Minh Hồng, vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp nêu tại Hà Nội sáng nay (17/9), trong khuôn khổ Hội thảo lấy ý kiến cộng đồng về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và Gia đình năm 2000. Theo đó, đa số các chuyên gia đều thống nhất quan điểm cần phải tôn trọng những quyền được chung sống như vợ chồng của những người cùng giới tính, coi đây là một quyền tự do. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 một mặt không thay đổi quy định về khái niệm kết hôn được thể hiện trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nhưng những nội dung này có thể xem như một cải cách trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Các chuyên gia tán thành phương án nếu Nhà nước không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính thì cũng không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục và cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng của những người cùng giới tính cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung. Cho đến thời điểm này đã có 18 quốc gia trên thế giới chính thức thừa nhận quan hệ hôn nhân cùng giới tính. “Chúng tôi mong muốn và tin rằng mình có quyền kết hôn với người mình yêu bởi pháp luật Việt Nam luôn cam kết bảo vệ quyền con người, chống phân biệt đối xử. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng trong xã hội hiện còn nhiều luồng quan điểm khác nhau về vấn đề này. Vì thế trong thời điểm này, chúng tôi mong muốn ít nhất các cặp đôi cùng giới sống chung được đối xử hoàn toàn bình đẳng như các cặp đôi khác giới sống chung, dù có hay không có đăng ký kết hôn.” Đó là khẳng định mong muốn có hôn nhân bình đẳng của hầu hết đại diện cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Hội thảo. Cũng tại sự kiện, đại diện nhóm soạn thảo Dự thảo luật sửa đổi không chỉ trình bày cụ thể và giải thích ý nghĩa pháp lý của các sửa đổi, bổ sung mà nhiều vấn đề cũng được đưa ra hỏi đáp, trao đổi thẳng thắn và cởi mở như: quan hệ gia đình của hai người cùng giới có được thừa nhận không, hai người cùng giới có được phép tổ chức lễ cưới không, việc nhận con nuôi và mang thai hộ được quy định ra sao, tài sản chung và riêng được giải quyết như thế nào... Đại diện cho các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết: “Là những tổ chức, cá nhân hoạt động vì quyền bình đẳng của các nhóm thiểu số, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của chính phủ trong việc bảo vệ quyền cho người đồng tính, song tính và chuyển giới. Chúng tôi mong đợi điều này được thể hiện đầy đủ trong các điều khoản có liên quan của luật Hôn nhân-Gia đình sửa đổi.”./.
Một cuộc hội thảo tham vấn cộng đồng tương tự sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 21/9/2013. Những ý kiến đóng góp sẽ là nguồn thông tin giá trị và kịp thời cho quá trình thảo luận và ra quyết sách của các nhà lập pháp trong kỳ họp Quốc hội khóa XIII vào tháng Mười tới đây.

Tại các sự kiện đều có đại biểu từ Quốc hội, Bộ Tư pháp, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế tới dự để trao đổi và lắng nghe ý kiến của cộng đồng LGBT.
Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục