Cơ hội cho VN-Index tăng điểm trong ngắn hạn

Thị trường chứng khoán đã có tuần giao dịch giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, cơ hội tăng ngắn hạn của thị trường đã bắt đầu hé lộ tại hai phiên hồi phục bất ngờ vào cuối tuần.

Diễn biến giao dịch tại hai phiên này cho thấy, ban đầu VN-Index bị bên bán lấn át "đè" xuống dưới ngưỡng kỹ thuật 430 điểm, nhưng sau đó lại đảo chiều ngay khi nhận được lực đỡ từ dòng lệnh mua.
Thị trường chứng khoán đã có tuần giao dịch giảm điểm thứ 3 liên tiếp, VN-Index mất 25,93 điểm trong tuần (giảm tương ứng 5,62%) đóng cửa tuần tại mốc 435,44. Tuy nhiên, cơ hội tăng ngắn hạn của thị trường đã bắt đầu hé lộ tại hai phiên hồi phục bất ngờ vào cuối tuần.

Diễn biến giao dịch tại hai phiên này cho thấy, ban đầu VN-Index bị bên bán lấn át "đè" xuống dưới ngưỡng kỹ thuật 430 điểm, nhưng sau đó lại đảo chiều ngay khi nhận được lực đỡ từ dòng lệnh mua.

Tổng khối lượng đặt bán của thị trường phiên ngày 2/7 trên 63,5 triệu đơn vị (giảm 18% so với phiên trước đó), sang đến ngày 3/7 giảm còn 42,6 triệu đơn vị (tiếp tục giảm tới 32,98% so với ngày 2/7).

Tổng khối lượng đặt mua phiên ngày 2/7 là 72,5 triệu đơn vị (tăng 41,05% so với phiên trước đó), phiên ngày 3/7 thị trường vẫn duy trì sức dư mua ở mức 61,3 triệu đơn vị (giảm 15,54% so với ngày 2/7).

Dấu hiệu trên cho thấy lực bán đã bắt đầu chững lại, song lực cầu giảm cũng đang chỉ ra dòng tiền không chú tâm nhiều vào tích lũy mà nó mang đến sứ mệnh trợ lực thị trường là nhiều hơn.

Cũng tại hai phiên này, khối lượng mua-bán bình quân mỗi lệnh đạt trên 2.000 đơn vị, cho thấy sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn trên thị trường là chủ yếu. Có lẽ, các nhà đầu tư lướt sóng đang tạm thời hoãn binh.

Cơ hội cho VN-Index tăng ngắn hạn

Theo như nhận định từ các chuyên gia phân tích độc lập tại Công ty Tư vấn và Đầu tư S&D thì việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ rút lui tạm thời khỏi thị trường đã khiến cho áp lực bán ra giảm hẳn. Như vậy, chỉ cần một lực cầu vừa phải là cũng đủ để giúp thị trường hồi phục. Sự hồi phục là dấu hiệu cho thấy giai đoạn tăng trở lại sẽ diễn ra trong tuần sau và thị trường có thể sẽ giao dịch trong dải 422 điểm đến 450 điểm.

Không đi vào chi tiết các thành viên tham gia thị trường, nhưng các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán IRS lại chú ý tới sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư đến các nhóm chứng khoán trên thị trường.

Cụ thể, phiên cuối tuần thị trường đã chứng kiến sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, các cổ phiếu thị giá thấp cũng đã bắt đầu rục rịch tạo sóng. Đây hoàn toàn có thể là những tín hiệu đầu tiên cho một tuần kế tiếp hứng khởi hơn.

Cũng theo IRS, nhiều người tỏ ra lo ngại khi khối lượng giao dịch trên thị trường đang tương đối thấp. Tuy nhiên, điều đó cũng chứng tỏ nguồn cung cổ phiếu đã yếu đi khá nhiều. Nếu phiên thứ hai đầu tuần tới thị trường có thêm những diễn biến tích cực thì có thể xem như một tín hiệu rõ ràng về việc nhà đầu tư không thể đợi giá các cổ phiếu xuống những mức thấp hơn nữa trước khi mua vào.

Liệu có “sứt đầu mẻ trán”?


Nỗi băn khoăn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện tại là tỷ suất giữa cơ hội có được trong tuần tới có lớn hơn rủi ro họ vấp phải trong chu kỳ thanh toán T+3?

Theo S&D, mặc dù thị trường báo hiệu cơ hội tăng ngắn hạn song một khi chứng khoán về được mức giá cao thì nguy cơ bị bán ra sẽ là nhanh chóng. Vì vậy, lướt sóng theo chiến thuật T+… càng ngắn càng tốt vì trong trường hợp VN-Index chỉ tăng 2 hoặc 3 phiên thì nhà đầu tư chậm chân sẽ gặp rủi ro.

Để chắc ăn hơn, theo IRS, xu hướng thị trường sẽ khá tích cực nếu VN-Index đột phá qua vùng 450 điểm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào trước ngưỡng này nếu các phiên tiếp theo VN-Index vẫn đóng cửa ở mức cao hơn mở cửa đồng thời khối lượng giao dịch khởi sắc lên mức 45-50 triệu đơn vị/phiên.

Không quá lạc quan trước diễn biến thị trường như hiện nay, các chuyên gia chứng khoán tại Công ty chứng khoán KLS vẫn tiếp tục khuyên nhà đầu tư của mình chờ đợi là thượng sách.

Theo phân tích kỹ thuật của KLS thì hiện nay ở nhiều mã cổ phiếu đã có dấu hiệu bán quá nhiều. Rất nhiều cổ phiếu blue-chip đã giảm về mức giá hấp dẫn, do đó một luồng tiền nhỏ đang quay lại bắt đáy thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần kiên nhẫn theo dõi sát diễn biến cung cầu để nhận ra được tín hiệu tăng trưởng bền vững kịp thời. Chỉ khi thanh khoản được cải thiện, lúc đó thị trường chứng khoán mới giảm bớt rủi ro.

Bản thân nhà đầu tư Lê Trọng Nghĩa trên sàn IRS thì lại cho rằng, hiện tại thị trường vẫn rất xấu, bản thân ông không nhận thấy sự lạc quan.

“Lướt sóng tại thời điểm bây giờ rất nguy hiểm, mất nhiều được ít. Càng chơi càng mất, kể cả là chơi T+0 hay T+1 cũng là mạo hiểm, bởi theo nguyên lý vẫn bị tồn hàng lũy tiến đến T+3”, ông Nghĩa nói./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục