Cơ hội giải quyết khủng hoảng Honduras đang nhạt

Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ cho rằng cánh cửa giải quyết cuộc khủng hoảng tại Honduras qua thương lượng sẽ khép lại.
Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Miguel Insulza cho biết phái đoàn ngoại trưởng OAS đã không thuyết phục được Chính phủ lâm thời Honduras cho Tổng thống bị phế truất Manuel Zelaya trở lại cầm quyền.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Mỹ Washington sau khi trở về từ Honduras cùng với phái đoàn 7 ngoại trưởng các nước OAS, ông Insulza nói: "Tôi tin vẫn còn chỗ cho thương lượng nhưng nó đang hẹp dần".

Ông Insulza cho biết Tổng thống lâm thời Honduras Roberto Michelleti đã thừa nhận "sai lầm" khi trục xuất ông Zelaya khỏi lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, phái ủng hộ ông Micheletti phản đối hoàn toàn việc đưa ông Zelaya trở lại cầm quyền mặc dù vẫn có một vài nhóm và tổ chức tại nước Trung Mỹ bày tỏ muốn đàm phán về việc này kèm theo điều kiện.

Tổng Thư ký Insulza cho rằng cánh cửa giải quyết cuộc khủng hoảng tại Honduras qua thương lượng sẽ khép lại cùng với thời hạn cuộc bầu cử dự kiến ngày 28/11 đang tới gần.

Theo ông Micheletti, chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu ngày 1/9 tới và khi cuộc bầu cử này diễn ra, chính phủ lâm thời sẽ từ chức. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Insulza nêu rõ nhiều nước trong khu vực sẽ không thừa nhận kết quả bầu cử và ông Micheletti đã sai lầm khi nghĩ rằng cuộc bầu cử sẽ giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện tại.

Cùng ngày, Tổng thống Cộng hòa Dominican Leonel Fernández, đã đề xuất loại Honduras khỏi Hiệp định tự do thương mại Mỹ-Trung Mỹ-Cộng hòa Dominican, như một biện pháp gây sức ép với Chính phủ lâm thời để ông Zelaya có thể quay lại cầm quyền.

Phát biểu tại hội nghị các đảng chính trị ở Trung Mỹ và Caribbean, Tổng thống Fernández nói nếu biện pháp trên được áp dụng thì trong vòng hai hoặc ba tuần ông Zelaya sẽ trở lại nắm quyền.

Nhà lãnh đạo Cộng hòa Dominican cho rằng cuộc khủng hoảng tại Honduras không chỉ là vấn đề của riêng nước này mà là vấn đề của châu Mỹ và toàn thế giới. Nếu không giải quyết, nó sẽ trở thành tiền lệ cho các cuộc đảo chính tại các quốc gia khác tại Mỹ Latinh, khu vực chưa bao giờ chứng kiến trật tự dân chủ được duy trì ba thập kỷ liên tiếp.

Tổng thống hợp hiến Zelaya mới đây cũng phê phán Mỹ nhẹ tay đối với chính phủ tiếm quyền và cho rằng nếu Mỹ thực sư muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng này thì họ sẽ có cách ngay lập tức, vì Mỹ chiếm 70% trao đổi thương mại của Honduras.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Honduras thông báo một phái đoàn của Chính phủ lâm thời nước này đã sang Mỹ để trình bày về những nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính 28/6, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này.

Đây là phái đoàn thứ ba của ông Micheletti tới Mỹ, tuy nhiên ai sẽ đón tiếp phái đoàn này tại Mỹ không được tiết lộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục