Cơ hội hợp tác giữa ngành dệt may Việt Nam-Ấn Độ

Tại buổi giao lưu thương mại tổ chức ngày 19/6, doanh nghiệp dệt may của Việt Nam và Ấn Độ đã gặp gỡ, thiết lập quan hệ đối tác.
Ngày 19/6, chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở Thành phố Chí Minh phối hợp với Hội đồng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm dệt cotton Ấn Độ (TEXPROCIL) tổ chức "Giao lưu thương mại Việt Nam-Ấn Độ ngành dệt may.”

Đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam lần này gồm các công ty hàng đầu trong lĩnh vực dệt, sản xuất các loại sợi, vải, hàng may mặc, hàng dệt may gia dụng...

Ông Amit Ruparelia, Chủ tịch TEXPROCIL, cho biết từ ba năm trở lại đây, nhập khẩu các mặt hàng cotton từ Ấn Độ vào Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi và Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp lớn về nguyên liệu thô, gồm cotton, sợi cotton...

Hiện nay, Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm dệt kim, dệt may phục vụ sản xuất các mặt hàng vải gia dụng có chất lượng cao để xuất khẩu đi các nước.

Thông qua buổi giao lưu lần này, ông Amit Ruparelia hy vọng các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, thiết lập thành công các quan hệ đối tác, tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành dệt may của hai nước.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng văn phòng phía Nam Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng doanh nghiệp hai nước cần phải thiết lập hệ thống kho, xưởng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu, phân phối, đảm bảo nguồn cung và giá cả.

Bên cạnh đó, Ấn Độ đang tập trung phát triển công nghệ, kỹ thuật để thúc đẩy sản xuất cho ngành dệt may, nên các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tận dụng ưu đãi trong các hiệp định thương mại để đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu đi các thị trường khác.

Hiện Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm xuất nhập khẩu hàng dệt may trên thị trường quốc tế với nhu cầu rất lớn về nguồn nguyên liệu vải, sợi cotton chất lượng. Các nguyên liệu sản xuất chính của dệt may Việt Nam như bông chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, sau đó là Ấn Độ, Brazil, vải từ Trung Quốc... Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu nguyên liệu Việt Nam ngày càng có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu./.

Mỹ Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục