Cơ hội lớn cho đầu tư dài hạn tại Việt Nam

Hơn 200 CEO trong nước và quốc tế đã tham dự cuộc giao lưu doanh nhân quốc tế 2009 để chia sẻ kinh nghiệm, bàn bạc các giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Điều bất ngờ là các doanh nghiệp tỏ ra không quá lo lắng.

Hơn 200 CEO trong nước và quốc tế đã tham dự cuộc giao lưu doanh nhân quốc tế 2009 để chia sẻ kinh nghiệm, bàn bạc các giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Điều bất ngờ là các doanh nghiệp tỏ ra không quá lo lắng.
 
Lạc quan
 
“Bây giờ là thời điểm tốt nhất để đầu tư ở Việt Nam”. Đó là khẳng định của ông Stuart Dean, Tổng giám đốc ASEAN tập đoàn General Electric, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới hiện nay với doanh số lên tới 250 tỷ USD.
 
Ông Daen cho biết, một năm trước, tập đoàn quyết định xây dựng một nhà máy tại Hải Phòng. Sau 6 tháng xảy ra khủng hoảng tài chính, tới nay chi phí xây dựng nhà máy chỉ còn khoảng phân nửa so với dự toán ban đầu. Bên cạnh đó, ông đánh giá cao khả năng thích ứng của lao động Việt Nam, “chỉ sau 3 tuần đi đào tạo ở nước ngoài, năng suất lao động của lao động Việt Nam đã tăng tới 25%.”
 
Không quá lo ngại việc suy giảm kinh tế sẽ kéo theo những hệ lụy cho nền kinh tế Việt Nam năm 2009, các CEO tham dự hội thảo đều bày tỏ một tâm lý khá lạc quan. Viện trưởng viện kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phân tích, kinh tế Việt Nam chưa rơi vào vòng xoáy suy thoái đang diễn ra trên toàn cầu. Chính phủ Việt Nam thực hiện kích cầu khác với các nước khác khi kích cầu vì suy giảm dưới tiềm năng chứ không phải vì suy thoái kinh tế.
 
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Việt Nam hiện đang có nhu cầu rất lớn về hàng hóa, các loại dịch vụ, cung cấp nguyên phụ liệu. “Đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong nước, quốc tế cân nhắc”, ông Hoàng nói thêm, việc tiếp cận các nguồn vốn vay hiện rất thuận lợi, lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn. Và quan trọng hơn hết, theo ông Hoàng, đó là hệ thống chính trị của Việt Nam ổn định, người dân đang có sự đồng thuận rất lớn với các chủ trương của chính phủ.
 
Chính phủ cần quyết liệt hơn
 

Cũng với một tâm lý rất tự tin, ông Phan Hữu Thắng, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, “chúng ta đã nắm được tình hình và chủ động được trong các giải pháp. Do đó, mặc dù chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2009 thấp hơn nhiều con số thu hút được năm 2008 nhưng số vốn thực hiện sẽ bằng hoặc hơn”. Theo ông Thắng, cho tới thời điểm này, chưa xảy ra tình trạng xin rút vốn ra khỏi thị trường Việt Nam và dòng vốn FDI vẫn đang tiếp tục vào, kể cả nguồn vốn đổ vào lĩnh vực đang hết sức nhạy cảm là bất động sản. “Vấn đề là quyết định của chúng ta như thế nào mà thôi,” ông nói.
 
Vấn đề được các CEO tham dự giao lưu hết sức quan tâm là các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp hiện nay. Ông Võ Trường Thành, tổng giám đốc công ty Trường Thành cho rằng, sự hỗ trợ thường, liên tục của chính phủ giá trị hơn nhiều so với 1 tỷ USD hỗ trợ lãi suất.
 
Còn đại diện công ty Kirby thì đề nghị, chính phủ và các Bộ cần có sự hỗ trợ thông tin liên quan tới các dự án đầu tư nước ngoài một cách một cách liên tục, rõ ràng. “một dự án đầu tư nước ngoài, nhất là các cụm công nghiệp đều gắn với rất nhiều dịch vụ đi kèm như ăn uống, bảo vệ, tuyển dụng…Đó là các cơ hội. Tuy nhiên hiện nay các thông tin này gần như các doanh nghiệp phải tự tìm qua các kênh khác nhau một cách rời rạc, không đầy đủ.
 
Cũng về vấn đề minh bạch thông tin, ông Phùng Tuấn, luật sư điều hành của Vietnam Consulting & Investment đề nghị Chính phủ nên có một trang web công khai các thông tin liên quan tới gói kích cầu để mọi người đều có thể tham khảo, theo dõi hiệu quả của hoạt động này.
 
Ông Martin Rama, kinh tế trưởng của ngân hàng quốc tế tại Việt Nam sau khi đánh giá lại toàn bộ các quyết sách của chính phủ từ đầu năm 2008 tới nay đã đưa ra nhận xét, Việt Nam có thể đứng vững nếu có các quyết sách vĩ mô tốt, các giải pháp phù hợp và quan trọng nhất là giải được các yếu điểm, quản lý tốt đầu tư công. Ông này cũng nhìn nhận, các giải pháp của chính phủ là cần thiết và hợp lý trong ngắn hạn. Đây là lý do chính yếu nhất giúp Việt Nam không trở thành một “Thái Lan thứ hai” khi lạm phát tăng cao vào đầu năm 2008.
 
Cũng tại cuộc giao lưu, đại diện các ngân hàng tỏ ra lo ngại trước những rủi ro nhất định khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất vay vốn của Chính phủ. Cụ thể, ngân hàng nhà nước chỉ ứng trước 80% số tiền hỗ trợ lãi suất. 20% còn lại sẽ thanh toán khi quyết toán cuối năm.
 
Trong thời gian thực hiện cho vay bù lãi suất từ 8 đến 9 tháng thì 20% số tiền bù lãi suất là số vốn rất lớn với ngân hàng thương mại. Chưa kể tới việc doanh nghiệp sử dụng một hồ sơ vay vốn để vay nhiều ngân hàng khác nhau; vay vốn rồi gửi ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất… rủi ro tăng nợ xấu là rất rõ trong khi chưa có cơ chế nào để khuyến khích các ngân hàng tham gia cho vay bù lãi suất./.
 
Đồng Hưng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục