Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong thực hiện Hiệp định Paris

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh những cơ hội và thách thức, cũng như giải pháp của Việt Nam trong thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong thực hiện Hiệp định Paris ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Bên lề lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện cho Việt Nam tham dự lễ ký, đã có cuộc trả lời phỏng vấn TTXVN.

Bộ trưởng đã nhấn mạnh những cơ hội và thách thức, cũng như giải pháp của Việt Nam trong thực hiện thỏa thuận này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Là một quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán, bão, lũ lụt, và những hệ luỵ như nước biển dâng, xâm nhập mặn, Việt Nam hoan nghênh việc các Bên tham gia ký kết Hiệp định Paris.

Với Việt Nam, việc tham gia ký kết cũng như sẽ sớm phê duyệt Hiệp định này, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Đồng thời, với việc tham gia ký kết Hiệp định, Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội và chuyển hóa thách thức do biến đổi khí hậu gây ra thành những cơ hội mới, phục vụ phát triển đất nước theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.


- Việc triển khai thực hiện Hiệp định Paris sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội gì, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Trần Hồng Hà:
Mặc dù sẽ chỉ bắt đầu có hiệu lực từ sau năm 2020, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng ngay từ bây giờ Hiệp định Paris đã và đang mở ra những cơ hội to lớn, bao gồm:

Một là, thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng gắn với xây dựng văn hóa cácbon thấp và hài hòa với môi trường, khí hậu; góp phần giải quyết các mối đe dọa an ninh toàn cầu, khu vực và quốc gia là hệ quả của những căng thẳng, thậm chí là xung đột do biến đổi khí hậu gây ra.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật hướng tới mô hình phát triển cácbon thấp trên phạm vi toàn cầu, cũng như tăng cường liên kết khu vực, hợp tác giữa các quốc gia để đạt được kỳ vọng cao là giữ mức tăng nhiệt độ trung bình vào cuối thế kỷ này dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hướng tới mục tiêu giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C.

Ba là, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về năng lượng sạch, giảm đầu tư vào những dự án phát thải lớn, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm từng bước thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Bốn là, đa dạng hóa nguồn lực huy động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua phát triển cơ chế thị trường, trong đó có định giá cácbon, trao đổi tín chỉ cácbon sẽ được thiết lập với cơ chế đầu tư và thanh toán theo kết quả và sản phẩm.

Năm là, thúc đẩy đầu tư vào ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội bền vững bằng cách tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sự tham gia tích cực và xây dựng của các thành phần trong xã hội.

Sáu là, tăng cường sức chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tạo cơ chế để các bên đề xuất kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như các yêu cầu về nguồn lực để triển khai thực hiện.

Hơn bao giờ nào hết đây là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại mô hình phát triển chủ yếu dựa vào chi phí lao động thấp, tài nguyên thiên nhiên để từng bước chuyển sang mô hình phát triển xanh, thân thiện môi trường.

Đồng thời đây là lúc có thể tranh thủ được nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ của các nước tiên tiến, qua đó đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ phát thải cácbon thấp, chống chịu cao, công nghệ thông minh với biến đổi khí hậu.


- Xin Bộ trưởng cho biết những những thách thức mà Hiệp định đặt ra với Việt Nam?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Bên cạnh những thuận lợi, những thách thức đặt ra đối với Việt Nam cũng rất lớn. Cụ thể là:

Thứ nhất, khó có thể thay đổi ngay nhận thức, thói quen với mô hình phát triển dựa vào năng lượng cácbon đen, giá thành phù hợp đã ăn sâu, bám rễ trong một thời gian dài để chuyển sang phát triển dựa vào năng lượng sạch, chi phí và giá thành cao hơn trong khi nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và tài chính còn khó khăn, thiếu hụt và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế để triển khai thực hiện Thỏa thuận.

Thứ hai, chưa có cơ chế ràng buộc pháp lý đối với cam kết về đóng góp tài chính, do đó chưa có gì đảm bảo thực hiện thành công cam kết huy động mỗi năm 100 tỷ USD kể từ năm 2020 trở đi cho các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như việc hỗ trợ tiếp cận công nghệ xanh miễn phí hoặc chi phí thấp cho các nước đang phát triển như Việt Nam.

Thứ ba, sẽ hình thành những rào cản trên thị trường quốc tế do những quy định và yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn cácbon trên phạm vi toàn cầu, nhất là đối với các loại sản phẩm, dịch vụ sử dụng nhiều tài nguyên, phát thải cácbon lớn.

Thứ tư, yêu cầu phải đổi mới rất cơ bản về thể chế, chính sách cho phù hợp với những quy định quốc tế, đặc biệt là các cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự minh bạch trong các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, biến đổi khí hậu sẽ vẫn diễn ra phức tạp, khó lường do những cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để thực hiện Hiệp định chưa đủ để đảm bảo mức tăng nhiệt độ trung bình vào cuối thế kỷ này dưới mức 2 độ C.

Đặc biệt, trong tương lai gần, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp và chăn nuôi. Vì vậy, một mặt chúng ta sẽ cần nhiều nguồn lực hơn cho thích ứng và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, trong khi vẫn phải nỗ lực đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, phải tăng cường đầu tư vào cải tiến, đổi mới công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo để thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, thực hiện nghĩa vụ của một Bên tham gia Hiệp định, Việt Nam phải thay đổi cách thức tiến hành kiểm kê khí nhà kính cũng như chế độ báo cáo, chuyển từ những mục tiêu tương đối sang các mục tiêu định lượng rõ ràng và tiêu chuẩn cao hơn. Điều đó cũng sẽ kéo theo nhu cầu lớn về nguồn lực. Đây là thách thức rất lớn đối với nước ta.


- Vậy làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ Hiệp định Paris, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Trần Hồng Hà:
Để triển khai thực hiện các nội dung của Hiệp định Paris trong giai đoạn tới, chúng ta cần phải tập trung vào một số giải pháp như sau:

Một là, cần chỉ ra được những thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, bao gồm cả những cơ hội và thách thức do ứng phó với biến đổi khí hậu khi thực hiện Hiệp định Paris. Trong đó, cần coi chuyển đổi mô hình tăng trưởng cácbon thấp, chống chịu cao là một trong những giải pháp tất yếu để phát triển đất nước nhanh hơn, tốt hơn, tránh được bẫy thu nhập trung bình khi tài nguyên thiên nhiên, nhất là than đá, dầu mỏ còn lại không nhiều và không khuyến khích sử dụng.

Đồng thời, cần nhấn mạnh yêu cầu thay đổi hành vi và lối sống của toàn xã hội nhằm hướng hình thành mô hình sản xuất và thói quen tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đồng thời hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó giảm dần thiệt hại về người, tài sản.

Hai là, chủ động rà soát các cơ chế, chính sách trên cơ sở các nội dung của Hiệp định, từ đó sửa đổi bổ sung, ban hành những cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với những quy định mới hình thành trên quy mô toàn cầu và khu vực trong tương lai.

Trước mắt, cần sớm nghiên cứu những nội dung của Hiệp định, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp theo quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; lồng ghép vào quá trình xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các Bộ, ngành và địa phương ngay từ giai đoạn 2016-2020 để chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn sau năm 2020.

Về lâu dài, cần chủ động luật hóa những quy định mang tính ràng buộc của Hiệp định vào chính sách, pháp luật của Việt Nam, tiến tới xây dựng Luật biến đổi khí hậu.

Cần sớm ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp để tăng cường thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; có lộ trình phù hợp nhằm tiến tới xóa bỏ các cơ chế, chính sách hỗ trợ giá đối với nhiên liệu hóa thạch kể từ sau năm 2020; thực hiện bù giá đối với các dự án phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế chất thải, sản xuất điện từ chất thải.

Ba là, tăng cường việc tuân thủ, thực thi các quy định của quốc tế và đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu. Sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống các chỉ tiêu và công cụ phục vụ việc đánh giá, giám sát; xây dựng và vận hành hệ thống báo cáo thống nhất về các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, việc huy động và sử dụng nguồn hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội, người dân nhằm đảm bảo tính minh bạch trong triển khai thực hiện.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát thải cácbon thấp, thích ứng chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Sớm hình thành và phát triển một số chuyên ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn như vật liệu thông minh với biến đổi khí hậu, chuyển hóa năng lượng, năng lượng tái tạo.

Năm là, phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Sớm hoàn thành nghiên cứu, thử nghiệm việc phát triển thị trường trao đổi tín chỉ cácbon trong nước và tham gia thị trường cácbon toàn cầu để đa dạng hoá nguồn lực để đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và đóng góp tự nguyện về tài chính với cộng đồng quốc tế.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương lớn, chính sách quan trọng liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, nổi bật là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đó là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng vào việc tận dụng thành công các cơ hội và chuyển hóa được những thách thức do Thoả thuận mang lại, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Ngay sau Lễ ký kết này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để trình phê duyệt Hiệp định; đồng thời tiến hành xây dựng lộ trình thực hiện Hiệp định, trong đó ưu tiên xây dựng sớm kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với hướng dẫn chung của Liên hợp quốc, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa các chiến lược, chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu như Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược và kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu…


- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục