Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ĐBSCL

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đề xuất các doanh nghiệp ĐBSCL cần liên kết môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư trong nước nói chung sẽ có những thay đổi lớn.
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ ĐBSCL ảnh 1Chế biến sản phẩm cơm dừa sấy khô xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 3/4, tại Tiền Giang, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã tổ chức Hội thảo “Hiệp định thương mại: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Đồng bằng sông Cửu Long.”

Đây là dịp để các doanh nghiệp, nhà quản lý, điều hành kinh tế trong khu vực nhìn nhận tiềm năng và lợi thế trước thời cơ và vận hội mới, khi các hiệp định thương mại quốc tế đang tác động mạnh đến nền kinh tế cũng như tình hình xuất khẩu cả nước.

Theo tiến sỹ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực kinh tế quan trọng của cả nước, chiếm 19,5% về dân số. Khu vực này hiện có trên 51.000 doanh nghiệp với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 11,5 tỷ USD.

Thời gian qua, môi trường kinh doanh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của vùng được cải thiện mạnh, có Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng, VCCI, Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh thực sự là chỗ dựa để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển đúng định hướng.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nhiều mối quan hệ liên kết kinh tế thông qua các Hiệp định thương mại TPP, APEC, FTA mà trong đó Việt Nam là một nhân tố tích cực.

Các Hiệp định thương mại đang đàm phán thực sự mang tới những cơ hội lớn, môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng hơn; doanh nhân có thể trở thành doanh nhân toàn cầu và dễ dàng tiếp cận các đối tác, có lợi thế trong tái cơ cấu doanh nghiệp, quảng bá, xúc tiến thương mại, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa Đồng bằng sông Cửu Long cần ý thức đầy đủ thách thức lớn phải đối mặt. Đó là các quy tắc ứng xử từ TPP đối với dệt may và các sản phẩm khác có thể vô hiệu hóa các ưu đãi về thuế quan, rào cản thương mại, sự phức tạp về sở hữu trí tuệ, khả năng cạnh tranh...

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đề xuất các doanh nghiệp cần liên kết môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư trong nước nói chung sẽ có những thay đổi lớn.

Việc cải cách cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo nền tảng thuận lợi cải thiện môi trường thành chuỗi doanh nghiệp - nông dân - xuất nhập khẩu trong ngoài nước, đầu tư nguồn nhân lực khoa học công nghệ...

Năm 2015 là năm hội nhập quốc kinh doanh; tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tạo thuận lợi đối với các nhà đầu tư, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhanh hơn...

Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre) kiến nghị một số các giải pháp phát triển và mở rộng thị trường như cải cách thủ tục hành chính cần đi vào thực chất, Chính phủ tạo hành lang pháp lý phù hợp với quốc tế, có chính sách tốt về đất đai, kiểm soát chặt chẽ về số lượng, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm và nông sản nhập khẩu...

Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, Tổng Thư ký Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lưu ý, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đánh giá thực tế thời cơ và thách thức, quan tâm tới vấn đề trọng tâm để nâng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trước các thời cơ mà các hiệp định thương mại mang lại.

Các doanh nghiệp quan tâm cập nhật chính sách, tình hình kinh tế, các hiệp định thương mại, tham vấn pháp luật; tăng cường liên kết trong quan hệ đối tác kinh doanh cũng như tận dụng sự hỗ trợ của các hiệp hội nhằm tạo sức mạnh cho doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục