Cơ hội vào Điện Elysée cho ứng cử viên 39 tuổi sau ầm ĩ của ông Fillon

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh ông Fillon gặp rắc rối với pháp luật, bà Le Pen chưa tỏ rõ ưu thế vượt trội, cơ may của ông Macron - ứng cử viên trẻ mới 39 tuổi - đang gia tăng.
Cơ hội vào Điện Elysée cho ứng cử viên 39 tuổi sau ầm ĩ của ông Fillon ảnh 1Ứng cử viên Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp đang bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa sẽ diễn ra vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Mặc dù các ứng cử viên chính thức của các phe phái đã lộ diện, song cuộc đua vào Điện Elysée được dự báo khó đoán định khi những yếu tố bất ngờ nổi lên khiến tỷ lệ ủng hộ các đảng phái trong các cuộc thăm dò liên tục thay đổi.

Cách đây vài tháng, người dân Pháp vẫn nghĩ rằng bầu cử tổng thống năm 2017 sẽ là cuộc đối đầu giống như năm 2012, tức là giữa ứng cử viên cánh hữu, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy với đối thủ thuộc đảng Xã hội (PS), Tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande.

Tuy nhiên, bất ngờ đầu tiên đã xuất hiện với việc cựu Thủ tướng François Fillon, một nhân vật luôn bị xếp sau trong các cuộc thăm dò dư luận, đã bứt phá ngoạn mục để trở thành đại diện của phe cực hữu ra tranh cử tổng thống.

Ông François Fillon không chỉ đánh bại ứng cử viên kỳ cựu Sarkozy mà còn "hạ" luôn cả Thị trưởng Bordeaux Alain Juppé khi giành chiến thắng áp đảo trong vòng hai cuộc bầu cử sơ bộ cánh hữu.

Trong khi đó, bên cánh tả, sau khi Tổng thống Hollande của đảng PS cầm quyền quyết định không tái tranh cử, cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon thuộc PS, một nhân vật được xem là "khá mờ nhạt," cũng "hạ đo ván" cựu Thủ tướng Manuel Valls, nhân vật trước đó được đánh giá là có triển vọng nhất để trở thành ứng cử viên cánh tả tranh đua chiếc ghế tổng thống.

Hai bất ngờ liên tiếp trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở cả cánh hữu và cánh tả đã hé lộ một tiến trình bầu cử không giống như "kịch bản" ban đầu của giới chuyên gia.

Tuy nhiên, những yếu tố bất ngờ chưa dừng lại. Trong bối cảnh cánh tả vừa chia rẽ và vừa suy yếu, giới phân tích dự báo ứng cử viên lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống năm nay có thể là đại diện của cánh hữu François Fillon và đại diện của phe cực hữu là bà Marine Le Pen.

Thậm chí, ông Fillon, với kinh nghiệm của mình, được đánh giá là nhiều khả năng sẽ đắc cử tổng thống.

Tuy nhiên, gió dường như đã đổi chiều sau khi báo chí Pháp tiết lộ vụ “Penelopegate,” liên quan đến nghi vấn ông Fillon tạo việc làm giả cho vợ con để lĩnh tổng cộng gần 1 triệu euro, hành động bị coi là "chẳng khác nào biển thủ công quỹ".

Từ một ứng cử viên sáng giá, tỷ lệ ủng hộ ông Fillon - đại diện chính thức của phe cánh hữu và trung hữu - đã tụt giảm mạnh xuống chỉ còn 20%, thấp hơn cả ứng cử viên phe cực hữu Marine Le Pen (27%) và ứng cử viên tự do là cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron với 23%.

Thậm chí, trong nội bộ đảng Những người Cộng hòa (LR), ngày càng có nhiều người yêu cầu sử dụng kế hoạch B, ám chỉ việc thay thế ứng cử viên Fillon ngay lập tức.

Cho dù tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng và không từ bỏ cuộc đua, giới phân tích cho rằng cơ hội đắc cử của cựu Thủ tướng Fillon hiện rất mong manh.

Còn giải pháp "thay ngựa giữa dòng" của phe cánh hữu vào thời điểm này sẽ chẳng khác nào “tự giơ cờ trắng đầu hàng” khi cuộc bầu cử vòng một đang đến gần.

Những diễn biến bất ngờ này liệu có giúp cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, người luôn tuyên bố đặt "nước Pháp lên trên hết," có thể giành được chiếc ghế tổng thống không?

Đó vẫn là một câu hỏi lớn và tùy thuộc vào khả năng huy động cử tri của bà bởi bản thân bà Le Pen cũng đang bị cáo buộc "tạo việc làm giả" ở Nghị viện châu Âu (EP), nơi bà là nghị sỹ.

EP đã yêu cầu lãnh đạo Mặt trận Quốc gia trả lại số tiền hơn 300.000 euro mà bà được cấp và sử dụng để trả lương hai trợ lý, nhưng hai người này không làm việc cho EP, mà là cho đảng của bà.

Hơn nữa, việc ứng cử viên này chọn phong cách và quan điểm vận động tranh cử tương tự như cách thức đã giúp tỷ phú Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ trong cuộc đua tháng 11 năm ngoái, có thể trở thành "con dao hai lưỡi" bởi chính những xáo trộn và bất ổn đang diễn ra ở nước Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức.

Trong khi đó, những chỉ số tăng trưởng kinh tế không bền vững cùng tình trạng an ninh bất ổn của nước Pháp sau hơn 4 năm cầm quyền của PS, cùng với những chia rẽ nội bộ sâu sắc giữa PS với các đồng minh cánh tả truyền thống như đảng Cộng sản (PCF) và đảng Xanh (EELV) do bất đồng về một số chính sách như Luật Lao động sửa đổi – một bộ luật đã làm dấy lên phong trào phản đối mạnh mẽ trong công luận với nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn... cũng đang trở thành yếu tố gây bất lợi cho ứng cử viên Benoît Hamon.

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh ông Fillon gặp rắc rối với pháp luật, bà Le Pen chưa tỏ rõ ưu thế vượt trội, cơ may của ông Macron - ứng cử viên trẻ mới 39 tuổi - đang gia tăng.

Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất do hãng BVA tiến hành, trong vòng một cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 23/4 tới, ứng cử viên Benoît Hamon có khả năng chỉ giành được 16-17% số phiếu ủng hộ, trong khi bà Marine Le Pen giành được số phiếu cao nhất với 25%, ông Emmanuel Macron được 21-22% và ông Francois Fillon được 20%.

Một cuộc thăm dò khác lại cho rằng ông Macron sẽ vượt qua ông Fillon để lọt vào vòng hai cuộc bầu cử cùng với bà Le Pen.

Và ở vòng hai, bà Le Pen sẽ bị đánh bại. Tuy nhiên, tất cả vẫn là những ẩn số bởi sau hai sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, người ta đang đặt ra những nghi vấn về tính chính xác của các cuộc thăm dò dư luận.

Những bất ngờ liên tiếp trong hai tuần qua khiến những dự báo về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp trở nên khó khăn.

Một cuộc đua với nhiều ẩn số đang chờ đợi ở phía trước và đáp án chỉ có thể được cử tri đưa ra sau cuộc bầu cử vòng hai vào ngày 7/5 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục