Cơ hội vào thị trường thu nhập cao cho lao động có trình độ

"Cánh cửa" thị trường thu nhập cao hé mở với lao động có trình độ

Điều dưỡng viên Việt Nam đang có cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật Bản. "Cánh cửa” cho lao động có trình độ của Việt Nam đi làm việc ổn định ở các thị trường thu nhập cao đã bắt đầu hé mở.
"Cánh cửa" thị trường thu nhập cao hé mở với lao động có trình độ ảnh 1Các ứng viên khóa đầu tiên học kiến thức về Nhật trước khi sang làm việc. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Bỏ lại cơ hội làm việc ở một bệnh viện lớn tại Hải Phòng, bạn Lê Thị Xuyên (quê ở xã An Hưng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) lên đường sang Nhật Bản làm điều dưỡng viên theo chương trình thí điểm giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Xuyên tâm sự: “Ban đầu em rất lo lắng khi nộp hồ sơ nhưng khi tham gia chương trình, em nhận thấy đây là một cơ hội quá tốt cho em để học nâng cao kinh nghiệm và kiếm thêm thu nhập cho gia đình.”

Không những có cơ hội được nâng cao trình độ, Xuyên và 137 ứng viên khác của chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên sang Nhật Bản làm việc còn có cơ hội được ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Như vậy, “cánh cửa” cho lao động có trình độ của Việt Nam đi làm việc ổn định, lâu dài ở các thị trường thu nhập cao đã bắt đầu hé mở.

Cơ hội làm việc lâu dài

Bên cạnh tiếp nhận thực tập sinh ở những ngành nghề truyền thống, Việt Nam và Nhật Bản đã ký văn kiện xác nhận về cơ chế tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam sang Nhật Bản vào ngày 31/10/2011. Sau khóa 1 của chương trình thí điểm, 138 ứng viên đạt yêu cầu trình độ tiếng Nhật N3 trở lên đã sang làm việc tại các cơ sở y tế ở Nhật Bản vào ngày 5/6.

Đặc biệt, không giống những chương trình hợp tác nhận thực tập sinh khác, lao động Việt Nam phải trở về sau một thời gian nhất định và không được trở lại Nhật Bản, trong chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên sang Nhật Bản làm việc, các ứng viên sau thời gian học tập và làm việc sẽ có cơ hội thi chứng chỉ nghề của Nhật Bản và ở lại làm việc lâu dài tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, cơ quan này đã phối hợp với phía Nhật Bản giúp các ứng viên điều dưỡng, hộ lý được lựa chọn được các cơ sở tiếp nhận theo nguyện vọng của các em.

Đa số các ứng viên khi được sang Nhật Bản làm việc đều thể hiện quyết tâm thi được chứng chỉ của Nhật Bản, một số ứng viên còn lựa chọn những cơ sở y tế có chi nhánh ở Việt Nam để có thể trở về Việt Nam làm việc.

Đàm Thị Lương (quê xã Tiền Phong, Huyện Thường Tín, Hà Nội) sẽ nhận công việc y tá tại cơ sở chăm sóc người già Hitsu Kojien tại tỉnh Chiba (Nhật Bản), cơ sở này vừa mới thành lập thêm chi nhánh tại Việt Nam. Lương tâm sự: “Em quyết tâm sẽ thi đỗ chứng chỉ y tá của Nhật Bản để được ở lại Nhật Bản làm việc lâu dài, nếu có cơ hội, em cũng sẽ xin về làm việc tại chi nhánh của cơ sở y tế đó tại Việt Nam.”

Trong những năm gần đây, số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng tăng, việc có thêm chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên sang Nhật làm việc cho thấy Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu quan tâm tới việc tuyển dụng, đào tạo lao động Việt Nam có trình độ để sang Nhật Bản làm việc lâu dài.

"Cánh cửa" thị trường thu nhập cao hé mở với lao động có trình độ ảnh 2Các ứng viên điều dưỡng viên đi Nhật làm thủ tục trước khi ra sân bay. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Nới rộng tuyển thực tập sinh ngành xây dựng

Nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài của Nhật Bản rất lớn, mỗi năm tiếp nhận trên 100.000 thực tập sinh nước ngoài. Hiện nay, có khoảng 40.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, trong đó có khoảng 20.000 thực tập sinh và lao động đang làm việc trong các ngành nghề với mức thu nhập hấp dẫn. Nhật Bản được đánh giá là thị trường tiềm năng rất lớn dành cho thực tập sinh Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, trong những năm gần đây, số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản tăng dần, chỉ riêng năm 2013 con số này đã đạt trên 10.000 thực tập sinh.

Theo ông Quỳnh đánh giá, trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng thực tập sinh của Nhật Bản sẽ tăng cao, đặc biệt là ngành xây dựng, chính vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã nới rộng yêu cầu tiếp nhận thực tập sinh trong ngành này, thời hạn lưu trú cho lao động ngành xây dựng tăng từ 3 năm lên 5 năm, những thực tập sinh ngành xây dựng còn được phép quay lại Nhật Bản.

"Nhật Bản sẽ tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng, trước mắt là phục vụ trong lĩnh vực xây dựng tại Nhật nhưng tương lai sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các doanh nghiệp xây dựng Nhật đầu tư tại Việt Nam," ông Quỳnh nhận định.

Mặt khác, đánh giá về tiềm năng đưa thêm lao động có trình độ kỹ thuật sang Nhật Bản làm việc, ông Nguyễn Gia Liêm, Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho biết thêm, Nhật Bản cũng đang rất có nhu cầu tuyển dụng thực tập sinh ngành nông nghiệp, chế biến, may mặc. Mức lương trong lĩnh vực nông nghiệp tại Nhật Bản từ 800-1.500 USD/tháng, ngành may mặc khoảng 1.000 USD/tháng.

Ông Liêm cho rằng, đa số người Nhật đánh giá lao động Việt Nam chịu khó, tiếp thu nhanh nhưng năng lực tiếng Nhật còn hạn chế. Các doanh nghiệp nên tăng thời gian đào tạo tiếng Nhật cho lao động, chủ động mời người Nhật tham gia đào tạo cùng.

Thừa nhận việc học tiếng là khó khăn lớn nhất đối với thực tập sinh sang Nhật và rất cần phải được chú trọng, Lương tâm sự: “Chương trình đào tạo tiếng Nhật cho điều dưỡng viên đi Nhật chúng em được học tập trung, cuối tuần không được ra ngoài nên có nhiều thời gian học. Quá trình học, chúng em còn được tiếp xúc với giáo viên dạy tiếng Nhật nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật tốt hơn, tiến bộ nhanh hơn.”

“Đào tạo tiếng Nhật tốt sẽ giúp người lao động hòa nhập nhanh, dễ thích nghi với công việc và giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn,” ông Liêm nhấn mạnh./.

Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng Năm là 11.099 lao động, nâng tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2014 lên 45.458 lao động (16.568 lao động nữ). Trong đó, thị trường Đài Loan có 28.265 lao động, Nhật Bản có 6.659 lao động, Hàn Quốc có  2.595 lao động, Malaysia có 2.678 lao động…/.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục