Có nên xin FIFA giảm án cho cầu thủ tiêu cực?

Để xác định có xin giảm án cho các cầu thủ trong vụ SEA Games 2005 hay không, VFF cần xét trên khía cạnh tạo cho các cầu thủ có cơ hội chuộc lỗi.
Bây giờ đã là hơn 1 năm kể từ khi họ được trở lại chơi bóng ở các giải đấu trong nước. Nghĩa là còn khoảng hơn 1 năm nữa hoặc 2 năm với từng trường hợp để họ thụ xong những án treo giò quốc tế mà FIFA từng ban hành theo đề xuất của VFF.
 
Cũng hơi khó để có một đánh giá toàn diện về 7 cầu thủ từng “dính chàm” ở thời điểm hiện tại, gồm Quốc Vượng, Quốc Anh, Văn Quyến, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh và Bật Hiếu. Nhưng rõ ràng, nếu ở khía cạnh thử thách trên sân cỏ với 6 trong số 7 cầu thủ này (trừ Quốc Vượng mới chỉ đá gần 45 phút trong màu áo Thể Công), thì rõ ràng họ khá ổn.
 
Đặt ra vấn đề có nên gõ cửa FIFA để xin giảm án cho các cầu thủ trong vụ SEA Games 205” không phải vì bóng đá Việt Nam khủng hoảng thiếu tài năng, đội tuyển cần có họ, mà từ khía cạnh nghề nghiệp: được chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất và cũng có thể là một cơ hội để họ chuộc lỗi.
 
Nhìn nhận ở góc độ đó, thực hiện trong một thời điểm mà chúng ta không hoàn toàn thiếu tài năng, thậm chí còn được bổ sung khá nhiều từ đội ngũ cầu thủ ngoại nhập quốc tịch, có thể sẽ giúp các cầu thủ tự bình thường hóa vai trò của họ, chứ không nảy sinh tâm lý rằng "tôi vẫn là người quá quan trọng."
 
Cũng có thể có suy nghĩ (thực ra rất đúng) khi cho rằng, đại diện cho một câu lạc bộ khác rất nhiều so với đại diện cho cả một nền bóng đá luôn cần sự khắt khe vì tính biểu tượng và thậm chí cả tính dân tộc của nó, nên đã thử thách là phải đủ với quãng thời gian mà người ta đã từng đưa ra để trừng phạt (và được coi là thích đáng ở thời điểm đó).
 
Có điều, bóng đá là một môn thể thao sáng tạo và rất cần cảm hứng và động lực chơi bóng, nên việc giới hạn, không cho trèo lên những nấc thang mà họ có thể vươn tới, rõ ràng là một sự trừng phạt nặng.
 
Và phải hiểu thế nào, khi một cầu thủ được phép chơi ở V-League nhưng lại không thể chơi ở các giải đấu quốc tế?
 
Mùa sau, SHB Đà Nẵng sẽ đại diện cho bóng đá Việt Nam ở đấu trường AFC Cup, Quốc Anh, Phước Vĩnh và Hải Lâm (nếu anh ở lại) không được tham dự ngay từ đầu giải, nếu như họ không được VFF xin miễn án kỷ luật của FIFA. Hãy khoan bàn tới việc nó ảnh hưởng thế nào tới sức mạnh của nhà (sắp) vô địch V-League 2009, mà chuyện được chơi bóng ở giải đấu đó của họ cũng là đáng kể.
 
Trong bóng đá, đôi khi người ta không trừng phạt các cầu thủ bằng việc “bóc lịch” trong 4 bức tường, mà bằng những hình phạt khác có thể phục vụ được lợi ích cho cộng đồng, như việc chơi bóng với trẻ em, dạy cho các cầu thủ nhí những kỹ năng chơi bóng chẳng hạn.
 
Khi Văn Quyến ghi bàn bằng những kỹ năng rất riêng, người hâm mộ xứ Nghệ nói riêng và Việt Nam nói chung cảm thấy hứng thú với những trận đấu ở V-League. Khi Quốc Anh ghi bàn sau thời gian dài chấn thương ở mùa này, người ta cũng thấy SHB.ĐN chơi bóng có tính nhịp điệu và nghệ thuật hơn…

Ở góc độ nào đó, như thế cũng có thể coi là họ đã và sẽ phục vụ cho công chúng./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục