Có phải quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Thổ đang sụp đổ?

Mối quan hệ chiến lược - sản phẩm của Chiến tranh Lạnh này đang đổ vỡ, nhưng hai quốc gia do hai nhà lãnh đạo cứng rắn và cố chấp đứng đầu nên rất khó có khả năng một trong hai bên nỗ lực để cứu vớt.
Có phải quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Thổ đang sụp đổ? ảnh 1Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Nguồn: EPA)

"Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang đổ vỡ” là tiêu đề một bài viết được đăng tải gần đây trên trang mạng Al-Monitor.

Theo bài viết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã không ngừng lên tiếng chỉ trích Mỹ sau khi phái đoàn đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ đến Washington vào tuần trước không đạt được một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến mục sư người Mỹ Andrew Brunson.

Ông Erdogan đang đe dọa chấm dứt vai trò đồng minh với Mỹ và phát triển quan hệ chiến lược với Nga và Trung Quốc. Tổng thống Erdogan viết trong một bài xã luận đăng trên tờ New York Times ngày 10/8 nêu rõ "trước khi quá muộn, Washington phải từ bỏ các quan điểm sai lầm khi cho rằng mối quan hệ hai nước là không bình đẳng” và kết luận Thổ Nhĩ Kỳ có những phương án thay thế."

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã có mặt tại Ankara vào ngày 14/8 để đàm phán và phát biểu trước các phóng viên sau khi có cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu rằng Nga đã sẵn sàng phát triển mối quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mục sư Brunson, người vẫn còn bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã trở thành quân bài kiểm chứng tương lai quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề Brunson không phải là nguyên nhân của các vấn đề hiện nay, giới phân tích cho rằng vụ án của mục sư Brunson chỉ đóng vài trò là "giọt nước tràn ly" bởi vì các mâu thuẫn nghiêm trọng khác giữa hai nước.

Những mâu thuẫn này bao gồm việc Mỹ từ chối trục xuất giáo sỹ Fethullah Gulen, người đang định cư tại bang Pennsylvania và bị Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính thất bại nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan năm 2016.

Việc Washington không trục xuất và không lên án âm mưu đảo chính đã làm cho nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Chính phủ Mỹ muốn nhìn thấy Tổng thống Erdogan bị lật đổ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu phóng thích Hakan Atilla, một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng Halkbank thuộc sở hữu nhà nước. Mỹ đã tuyên án 32 tháng tù giam đối với nhân vật này tại New York với lý do giúp Iran lách các trừng phạt của Mỹ. Ankara hiện cũng đang phải đối phó với khoản phạt lớn của Mỹ đối với ngân hàng Halkbank.

Cuộc gặp tại Washington được cho là đã thất bại khi các nỗ lực của phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ về trao đổi Atilla lấy Brunson, một phần trong thỏa thuận Bộ Tài chính Mỹ xóa khoản phạt đối với ngân hàng Halkbank, không được phía Mỹ chấp nhận. Phía Mỹ được cho là đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phóng thích Brunson ngay lập tức và không điều kiện trước khi bàn đến các vấn đề khác.

Các bình luận của Tổng thống Erdogan thậm chí còn quyết liệt hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế với sản phẩm thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu vào Mỹ. Giá trị của đồng tiền lira bị sụt giảm nghiêm trọng sau tuyên bố trên của Tổng thống Trump, cùng với việc Tổng thống Erdogan cho rằng Mỹ đã tuyên bố chiến tranh kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ.

[Thổ Nhĩ Kỳ có "bỏ" Mỹ để tìm "những người bạn và đồng minh mới"?]

Cây viết của báo Hurriyet, Abdulkadir Selvi cho rằng cuộc khủng hoảng này với Washington đã biến thành một cuộc đấu giữa ông Trump và ông Erdogan. Ông cho rằng "chìa khóa để giải quyết vấn đề này nằm trong tay của hai nhà lãnh đạo."

Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã thực sự tham chiến khi cáo buộc nước Mỹ là "kẻ phản bội" và kêu gọi người dân thể hiện tinh thần yêu nước bằng việc chống lại các nỗ lực của Mỹ gây tổn hại đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan khẳng định Mỹ đang sử dụng "các vũ khí kinh tế, thay vì súng đạn và tên lửa" và kêu gọi người Thổ Nhĩ Kỳ không giao dịch bằng đồng USD và bảo vệ đồng tiền lira.

Ngày 14/8, Tổng thống Erdogan thông báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp thuế đối với các sản phẩm điện tử của Mỹ. Trong một sự kiện tại Ankara, ông nói "nếu người Mỹ có Iphone, vậy thì đối thủ cạnh tranh là Samsung. Tại đất nước chúng ta, chúng ta có Venus và Vestel." Venus và Vestel là các hãng sản xuất hàng điện tử nội địa. Trong khi đó, hãng vận chuyển quốc gia THY cũng thông báo hãng này sẽ không chấp nhận các quảng cáo từ các công ty Mỹ.

Căng thẳng trong quan hệ hai nước cũng đang dần lộ diện sau khi Tổng thống Trump ký Đạo luật quản lý quốc phòng quốc gia 2019, trong đó Lầu Năm Góc yêu cầu đánh giá lại quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 90 ngày trước khi có quyết định cung cấp máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ, ông Serdar Kilic đã gặp Cố vấn quốc gia Nhà Trắng John Bolton cùng ngày Trump ký đạo luật trên.

Theo thông báo của người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sander, hai bên đã thảo luận về việc giam giữ mục sư Brunson, và phía Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã yêu cầu có cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Thông báo của bà Sanders cho biết Washington tiếp tục yêu cầu phóng thích Bruson trước khi thảo luận các vấn đề khác. Tuy nhiên, thông tin về cuộc gặp giữa Kilic-Bolton cũng được xem là tín hiệu cho thấy các kênh ngoại giao vẫn mở và là yếu tố tích cực giúp phục hồi đồng Lira so với đồng USD.

Các vấn đề bao trùm lên quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ dường như rất khó giải quyết mà không có các thỏa hiệp từ cả hai phía. Đã có thời điểm lợi ích chiến lược song phương đã giúp hàn gắn quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lần này là hoàn toàn khác.

Chuyên gia về chính sách đối ngoại, Galip Dalay, chỉ ra rằng mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh. Ông Dalay viết trên nhật báo Karar: “Đã không còn các nỗ lực lớn để cải thiện quan hệ trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh."

Chuyên gia này nhấn mạnh khoảng cách trong nhận thức về các đe dọa an ninh của hai nước sau Chiến tranh Lạnh ngày càng khác biệt, ví dụ như các diễn biến tại Syria.

Theo truyền thống, Bộ Ngoại giao và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Bộ Quốc phòng và Quân đội Mỹ đóng các vai trò quan trọng trong duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và ngăn chặn những khác biệt leo thang, nhưng truyền thống này đã không còn tồn tại, chuyên gia Dalay nhận định. Ông cũng cho rằng "nếu không tìm ra các giải pháp giải quyết các vấn đề đang ‘giết chết’ mối quan hệ này” mọi chuyện sẽ ngày càng tồi tệ.

Yasar Yakis, cựu thành viên sáng lập đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan, đồng thời là cựu Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Washington có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng hiện nay với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara sẽ là bên chịu thiệt hại nhiều nhất.

Trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Deutsche Welle (Đức), ông Yasar, người đã bị bãi miễn khỏi AKP vì nêu quan điểm phản đối đường lối của đảng này, cho rằng "nếu nước Mỹ bị thiệt hại 1% thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị thiệt tới 50%."

Theo ông Yakis, Ankara đã xử lý sai lầm vụ Bruson bởi các nhà ngoại giao có kinh nghiệm đã không được giao tìm biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ông cũng cho rằng việc tìm kiếm các đồng minh mới sẽ là "sai lầm lịch sử" của Thổ Nhĩ Kỳ và "Thổ Nhĩ Kỳ nên tiếp tục là một thành viên mạnh của NATO thay vì tìm kiếm đồng minh và phương án thay thế mới, hoặc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trượt vào các vũng nước nguy hiểm mới"..

Tuy nhiên, hai quốc gia do hai nhà lãnh đạo cứng rắn và cố chấp đứng đầu nên rất khó có khả năng một trong hai bên gia tăng nỗ lực để cứu vớt mối quan hệ chiến lược này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục