Cơ sở hạ tầng vẫn còn “chạy dài” theo xe buýt

Cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ đang là rào cản lớn đối với xe buýt-loại hình vận tải hành khách công cộng quan trọng.

Hiện nay, xe buýt đang giữ vai trò then chốt trong vận chuyển hành khách công cộng ở thủ đô Hà Nội trong khi các phương thức vận chuyển khác như đường sắt đô thị chưa thể hoàn thành.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ chính là rào cản lớn đối với loại hình vận tải hành khách công cộng quan trọng này.

2015: Vẫn là xe buýt độc hành!

Theo số liệu thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho thấy, Hà Nội hiện có hơn 70 tuyến buýt với hơn 1.000 đầu xe và trên 1.300 điểm dừng đỗ. Tần suất phục vụ của xe buýt dao động từ 6-20 xe/giờ. Mỗi năm, xe buýt Hà Nội phục vụ trên 400 triệu lượt khách.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị khẳng định: “Trong bối cảnh hiện nay, xe buýt đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực vận tải đô thị, giảm ùn tắc giao thông và cải thiện môi trường giao thông đô thị.

“Đây là một loại hình vận tải công cộng hiệu quả với năng lực vận chuyển cao, chiếm dụng diện tích mặt đường thấp và tiêu thụ nhiên liệu thấp,” ông Hải chia sẻ.

Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng cho rằng, giao thông công cộng là một trong những phương thức tốt nhất để giảm thiểu vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và góp phần tạo dựng văn minh đô thị.

Còn theo đại diện Sở Giao thông Vận tải nhận định, các dự án đường sắt ngầm, nổi trên địa bàn thành phố nhanh nhất phải đến năm 2016 mới có thể đưa vào hoạt động. Do vậy, trong 5 năm tới, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ đạo trong dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Theo Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, mục tiêu đến năm 2020, xe buýt sẽ có 98 tuyến, khối lượng 2,73 triệu hành khách/ngày, đáp ứng được 25% nhu cầu đi lại của người dân.

Để thực hiện được mục tiêu này, Đề án đã đưa ra một số giải pháp như: Cải thiện và phát triển mạng lưới tuyến xe buýt; Cải thiện và phát triển hạ tầng buýt đưa vào các mô hình hạ tầng tiên tiến (các điểm đầu cuối, các điểm trung chuyển, các làn đường dành riêng, hệ thống nhà chờ và giao thông tiếp cận,…) đồng bộ với hệ thống điểm, bãi đỗ xe và hạ tầng giao thông tiếp cận tới khu vực dân cư nhằm tăng cường năng lực và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, Đề án cũng sẽ bổ sung và đổi mới đoàn phương tiện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đồng thời hướng tới hình thành một đoàn phương tiện đạt tiêu chuẩn buýt đô thị thân thiện môi trường; hiện đại hóa công nghệ quản lý, áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát, điều hành và hệ thống thông tin hành khách tiên tiến; đổi mới hệ thống vé linh hoạt, đa dạng, tiên tiến, có giá vé hợp lý đảm bảo hấp dẫn và thuận lợi cho người sử dụng, thuận tiện cho kiểm soát và quản lý doanh thu…

Rào cản lớn từ hạ tầng yếu kém

Xe buýt được coi là giải pháp lớn cho giao thông công cộng đô thị của Thủ đô nhưng hiện tại xe buýt Hà Nội vẫn chưa có đủ thế và lực để phát huy tối đa khả năng, vai trò của mình.

Tại Hà Nội chỉ có 2 điểm trung chuyển Cầu Giấy và Long Biên. Đây là hai điểm trung chuyển được thiết kế mẫu, đáp ứng được nhu cầu chuyển tiếp của hành khách trên các tuyến xe buýt khác nhau.

Tuy nhiên, hiện nay các điểm trung chuyển này vẫn chưa được quy hoạch một cách hoàn chỉnh. Hành khách lên xuống vẫn phải băng qua đường, nhà chờ không có đủ chỗ cho hành khách đứng chờ xe, tình hình an ninh trật tự, tình trạng bán hàng rong diễn ra phức tạp.

Ngoài ra, các điểm trung chuyển dành cho xe buýt còn rất hạn chế về diện tích và chưa thuận tiện cho phương tiện khi ra vào bến.

Cùng với điểm trung chuyển thì hệ thống các điểm đầu cuối cũng là vấn đề khá bức xúc trong hoạt động xe buýt hiện nay.

Theo thống kê, trong tổng số hơn 30 điểm đầu cuối hiện tại chỉ có 10 điểm là xe được sắp xếp thứ tự vị trí trả khách, đón khách an toàn như các bến xe: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Hà Đông, Kim Mã, Nam Thăng Long hay bãi đỗ xe Gia Thụy, sân bay Nội Bài, điểm Trần Khánh Dư, bãi đỗ xe Kim Ngưu.

Phần lớn các điểm đầu cuối chỉ có tác dụng quay trở đầu xe, hình thành trên cơ sở tận dụng các bãi đất trống (hoặc kết hợp với bến xe liên tỉnh) nên không ổn định, có khả năng bị thay đổi bất cứ lúc nào.

Hệ thống điểm dừng đỗ và nhà chờ cũng là yếu kém trong hạ tầng của xe buýt.

Thống kê cho thấy toàn mạng lưới tuyến hiện có gần 1.200 điểm dừng đỗ và gần 300 nhà chờ, mới chỉ đáp ứng được 1/4 số lượng các điểm đón trả khách.

Đại diện Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do phần vỉa hè bố trí điểm dừng xe đều rất nhỏ, cửa hàng, cửa hiệu nằm dọc 2 bên phố rất dày, khi xây dựng nhà chờ thường vấp phải sự chống đối mạnh mẽ từ phía từ phía nhà dân.

Nhiều vị trí dừng của xe không được mở rộng, lưu lượng giao thông cá nhân nhiều nên khi xe buýt tiếp cận được với các trạm dừng thường gặp khó khăn làm ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận của hành khách (lên xuống xe rất khó khăn, mất an toàn).

Một bất cập lớn nữa của hạ tầng xe buýt là hiện tại, toàn thành phố chỉ có 1 làn đường dành riêng cho xe buýt dài 3,5 km nằm trên trục đường Nguyễn Trãi-Hà Đông.

Theo đánh giá, xe buýt hoạt động trong 144 đoạn đường thì có 21 đoạn không đảm bảo về mặt cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 16%.

Trong tương lai không xa khi các tuyến đường sắt đô thị, tuyến đường trên cao được đưa vào hoạt động, cần có những điều chỉnh mạng lưới, điều chỉnh về cơ sở hạ tầng phù hợp để phối hợp có hiệu quả giữa các phương thức cũ và mới./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục