"Cơ sở y tế lớn nên có luật sư đứng ra để phát ngôn"

Qua nhiều vụ việc của ngành y tế trong năm qua cho thấy sự phối hợp giữa ngành y tế và chính quyền địa phương là chưa kịp thời. 
"Cơ sở y tế lớn nên có luật sư đứng ra để phát ngôn" ảnh 1Đoàn công tác của Bộ y tế thăm các sản phụ có trẻ sơ sinh bị tử vong tại Bệnh viên đa khoa huyện Hướng Hóa. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Khá nhận định, nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận của ngành y tế trong năm qua cho thấy sự phối hợp giữa ngành y tế và chính quyền địa phương chưa kịp thời.

Vì vậy, Bộ Y tế nên có bộ phận xử lý khẩn cấp về thiên tai, rủi ro lớn về nghề nghiệp để kịp thời phân rõ trách nhiệm xử lý nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Sáng 26/12, tại hội thảo khoa học "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế" tổ chức tại Hà Nội, bà Khá dẫn chứng trong năm qua, có một số vụ việc như về vụ trẻ tử vong sau tiêm vắcxin tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Hoài Đức.

Điển hình nhất là vụ trẻ tử vong sau tiêm vắcxin tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã cho thấy Bộ Y tế chưa kịp thời vào cuộc cùng với địa phương để cùng xử lý và phân trách nhiệm cụ thể. Khi sự việc xảy ra, ngành y tế cử bộ phận cán bộ chương trình tiêm chủng mở rộng vào giải quyết - nhóm này chỉ nặng về kỹ thuật tiêm chủng mà thiếu kiến thức pháp lý và kỹ năng về việc quản lý nhà nước.

Vì vậy, để khắc phục những hạn chế trên, theo bà Khá, ngành y tế nên có bộ phận xử lý khẩn cấp đủ sức thực hiện nhiệm vụ nhanh và các sở y tế lớn nên có các cán bộ/ luật sư để đứng ra phát ngôn mỗi khi có sự vụ xảy ra.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh mô hình hệ thống tổ chức y tế ở Việt Nam hiện nay là phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương theo nguyên tắc song trùng trực thuộc. Điều đó có nghĩa là Bộ Y tế quản lý ngành, chính quyền địa phương quản lý theo lãnh thổ.

Theo các quy định đó, các cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân lực y tế. Song trùng trực thuộc thì chế độ trách nhiệm phải được xác lập song trùng nhưng trên thực tế việc nhận thức cũng như hành động liên quan đến trách nhiệm công vụ của từng chức danh chưa rõ ràng và minh bạch.

Bà Tiến cũng nhấn mạnh, hiện nay việc phối hợp giữa ngành y tế với chính quyền địa phương tốt, tuy nhiên vẫn có vài sự vụ chưa được rõ ràng.

Chính vì vậy, Bộ Y tế tổ chức hội thảo nhằm cung cấp bằng chứng khoa học và thực tiễn cho việc xác định rõ trách nhiệm quản lý công tác y tế giữa chính quyền trung ương và địa phương, đề xuất xây dựng mô hình tổ chức hệ thống y tế ở cả trung ương và địa phương, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như thực trạng quản lý nhà nước về y tế; trách nhiệm của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có vụ việc xảy ra; phân định trách nhiệm của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương trong công tác y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục